Những nét vẽ uyển chuyển, những câu chuyện bình dị được kể trong các bức tranh dân gian Đông Hồ lần đầu tiên được chuyển động hóa bằng ngôn ngữ cơ thể của các nghệ sĩ múa ballet. Những sáng tạo của nghệ thuật đương đại Việt Nam đã và đang tạo ra một giá trị văn hóa mới mẻ, vừa hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ bản sắc Việt Nam.
Họa tranh Đông Hồ bằng điệu ballet
Dòng tranh dân gian Đông Hồ là một trong những nguồn cảm hứng khơi gợi sự sáng tạo trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: hội họa, thời trang, âm nhạc... Trên nền giấy dó, những hình tượng trong tranh phản ánh những nét văn hóa riêng có trong đời sống bình dị của người Việt Nam. Với mạch nguồn cảm hứng bất tận, khi vở ballet “Đông Hồ” được công diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội (tối 22-23/3) đã khiến người xem bất ngờ trước sự kết hợp đầy thú vị giữa vẻ đẹp của tranh dân gian truyền thống và ngôn ngữ ballet cổ điển thế giới.
Đây là vở ballet mới nhất được Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh dàn dựng trong thời gian 1 tháng để mang lên sân khấu trình diễn trong 1 giờ đồng hồ. Trên nền của bản nhạc giao hưởng “Bốn mùa” của nhạc sĩ đương đại Max Richter, dựa trên bản gốc là bộ 4 bản Violin Concerto cùng tên của nhà soạn nhạc Vivaldi, 11 bức tranh Đông Hồ đã được họa lên bằng ngôn ngữ cơ thể của hơn 30 diễn viên nam, nữ tài năng.
Nghệ thuật khai thác từ chất liệu tranh Đông Hồ được tạo nên bằng chuyển động mềm mại đến từ đôi chân, vóc dáng của nghệ sĩ ballet. Buổi biểu diễn dẫn dắt khán giả đắm chìm trong sự lôi cuốn đầy huyền diệu của dòng nghệ thuật trang trọng và cuốn hút, tạo nên không gian cảm xúc, kích thích mọi giác quan. Không còn là những nét vẽ tĩnh, bức tranh Đông Hồ khi mang lên sân khấu biểu diễn đã hiện lên một cách sống động và đầy lôi cuốn. Với chuỗi các bức tranh như: “Xuân về”, “Hứng dừa”, “Tố nữ”, “Đám cưới chuột”, “Suối tóc”, “Đánh ghen”, “Vinh quy bái tổ”, “Lý ngư vọng nguyệt”... được các nghệ sĩ múa thể hiện và biểu cảm thông qua ánh mắt, nét mặt, cử chỉ... vở ballet “Đông Hồ” không chỉ tập trung vào kể chuyện chi tiết mà còn đưa người xem hướng tới sự giản dị, tinh tế được truyền tải một cách trừu tượng thông qua cảm nhận.
Chỉ với những đạo cụ giản đơn như chiếc quạt giấy, những dây vải đen tượng trưng cho suối tóc, sự kết nối, hòa quyện trong sắc màu tươi tắn của tranh Đông Hồ cùng họa tiết tiêu biểu trên yếm thắm của diễn viên nữ, vở diễn đã tạo được ấn tượng thị giác cho người xem, nhất là khi kết hợp cùng công nghệ ánh sáng, hình ảnh, tạo nên không gian nghệ thuật vừa quen thuộc vừa mới mẻ, vừa truyền thống vừa hiện đại.
Ở vở diễn, khán giả còn có thể nhận ra ở một số phân đoạn, cảnh kết của màn này được sử dụng làm cảnh bắt đầu của màn tiếp theo đã tạo ra sức gợi về sự liên kết, vận động liên tục, góp phần nối dài thêm những giá trị nhân văn cho vở múa: cho đi và nhận lại giữa con người với con người; cho đi và nhận lại giữa con người với cuộc đời.
Với tâm huyết của người biên đạo vở ballet “Đông Hồ”, biên đạo múa Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ bản thân rất muốn mang đến cho dòng tranh Đông Hồ một linh hồn mới, bằng nét vẽ mới, không phải chỉ là khuôn dập gỗ, hay những thiết kết trang phục, mà bằng “ngòi bút” sắc sảo tạo nên bởi đôi giày mũi cứng của người nghệ sĩ múa ballet. “Tôi muốn mang hồn Việt đến với nghệ thuật cổ điển nước ngoài, khiến công chúng vừa được đến với những chân trời mới của nghệ thuật mà vẫn giữ được niềm tự hào của văn hóa truyền thống dân tộc”, biên đạo múa Ngọc Anh nói.
Nỗ lực sáng tạo
Đây không phải lần đầu ballet được sử dụng như ngôn ngữ để kể câu chuyện về văn hóa Việt Nam. Trước đó, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam đã trình diễn “Hàm lệ minh châu”, vở ballet lấy cảm hứng từ truyền thuyết dân gian xoay quanh câu chuyện tình yêu Mỵ Châu - Trọng Thủy; hay vở “Ballet Kiều” được biên đạo múa Tuyết Minh lấy ý tưởng từ tuyệt tác văn học “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.... Điều này cho thấy, văn hóa dân gian, dân tộc vẫn luôn là mạch nguồn cảm hứng cho người sáng tạo. Với “Đông Hồ”, các nghệ sĩ tiếp tục khẳng định phương thức để mở đường cho văn hóa Việt Nam bước ra thế giới bằng những hình thức sáng tạo mới trên nền những giá trị văn hóa truyền thống.
Nói về ý tưởng đưa tranh Đông Hồ lên sân khấu ballet, ông Phan Mạnh Đức - Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam cho biết: Chúng tôi vẫn đi theo tôn chỉ của Nhà hát là đưa nghệ thuật hàn lâm nói chung và ballet nói riêng đến gần hơn với công chúng Việt, Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam quyết định xây dựng “Đông Hồ” với mong muốn gắn kết hơn nữa, làm mới hơn nữa sợi dây kết nối giữa nghệ thuật hội họa truyền thống với nghệ thuật ballet cổ điển thế giới. Để người yêu múa không còn cảm thấy sự xa vời của nghệ thuật dân gian truyền thống, mà nó đã và đang hiển hiện trong từng vũ khúc ballet cổ điển của phương Tây.
Trong không gian nghệ thuật của Nhà hát Lớn, thưởng thức vở diễn khán giả có thể cảm nhận được những nỗ lực trong việc thể hiện nội tâm nhân vật của: NSƯT Phan Lương, NSƯT Như Quỳnh, NSƯT Việt An, Thu Hằng, Đức Hiếu, Lệ Thanh... trong các tiết mục. Đó là những giây phút thăng hoa sau những ngày miệt mài tập luyện.
NSƯT Phan Lương - Trưởng đoàn Vũ kịch của Nhà hát tâm sự: Khó khăn lớn nhất của chúng tôi khi thực hiện tác phẩm này là làm sao để tạo hình một cách hài hòa, nhuần nhuyễn giữa múa ballet cổ điển với đường nét chạm khắc trên tranh Đông Hồ, giúp người xem vừa cảm nhận được cái hồn hội họa truyền thống Việt Nam, vừa trầm trồ trước vẻ đẹp cổ điển của múa phương Tây. Chất liệu âm nhạc là bản nhạc “The New Four Seasons” của Max Richter, nổi tiếng trên thế giới, rất nhanh, dồn dập và lôi cuốn. Điều này càng làm tăng thêm khó khăn cho chúng tôi vì để thể hiện chất giản dị, dân gian mộc mạc trên nền nhạc bất hủ ấy mà vẫn giữ được hồn Việt quá thực rất khó. Đòi hỏi người diễn phải có tình yêu văn hóa Việt Nam, vừa phải được rèn luyện kỹ cũng như đáp ứng kỹ thuật thật tốt của ballet cổ điển, có như vậy thì người nghệ sĩ mới thể hiện được ý tưởng của tác phẩm.
Buổi biểu diễn ballet “Đông Hồ” kết thúc thành công với những tràng pháo tay không dứt của khán giả. Khá hài lòng sau khi thưởng thức trọn vẹn vở ballet, ca sĩ Tùng Dương đã bày tỏ xúc cảm: Tôi rất vui và tự hào khi vở ballet “Đông Hồ” mang được tâm hồn của Việt Nam lên sân khấu. Một vở ballet ngắn không thể nói được quá nhiều thứ nhưng tôi thấy có sự cân bằng giữa âm nhạc cổ điển phương Tây và tinh thần múa. Biên đạo múa Ngọc Anh đã dàn dựng vở múa rất hài hòa để làm sao nổi bật được cả hai phần là ngôn ngữ múa đương đại - tích truyện Việt Nam mà vẫn có sự hòa quyện. Đông - Tây kết hợp mà vẫn giữ được nét riêng. Vở diễn rất thành công nhưng trong tương lai tôi vẫn mong muốn có một vở ballet được sáng tạo từ âm nhạc thuần Việt, để có thể chiêm ngưỡng một vở ballet hoàn toàn thuộc về sân khấu Việt Nam đương đại.