Theo Bộ Y tế, ước tính tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn ở Việt Nam là 7,7% (tương đương hơn 1,1 triệu cặp vợ chồng), tỷ lệ này tăng cao mỗi năm, tác động lớn tới tỷ lệ sinh thay thế.
Tỷ lệ vô sinh ngày càng gia tăng
Theo BS Hồ Mạnh Tường - Tổng thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM: Các thống kê cho thấy 40% nguyên nhân vô sinh hiếm muộn đến từ nam giới, 40% đến từ nữ giới và 20% còn lại đến từ cả hai phía hoặc không rõ nguyên nhân.
Thống kê từ các bệnh viện cho thấy, số lượng cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn đến khám cũng tăng nhanh theo các năm. Tuy nhiên, hiện chưa rõ số cặp vợ chồng vô sinh nguyên phát, thứ phát là bao nhiêu. Vô sinh nguyên phát là tình trạng các cặp vợ chồng chưa bao giờ có thai hoặc sinh con, trong khi vô sinh thứ phát là tình trạng các cặp vợ chồng đã từng có con (hoặc mang thai, kể cả sảy thai) nhưng hiện tại gặp khó khăn trong việc có con nữa. BS Tường cho rằng, Việt Nam đang đối mặt thách thức mức sinh thấp và tỷ lệ vô sinh cao. Trong đó, mức sinh của Việt Nam đang thấp ở “mức đáng lo ngại”, có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế.
Tại hội nghị quốc tế “Nâng cao tỷ lệ thành công trong hỗ trợ sinh sản” vừa tổ chức tại Hà Nội, Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam, GS Nguyễn Viết Tiến - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế đánh giá, tình hình vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Theo kết quả một số nghiên cứu các năm trước, tỷ lệ vô sinh hiếm muộn của Việt Nam là 7,7% nhưng tỷ lệ vô sinh, hiếm muộn hiện đã cao hơn, do các yếu tố về cách sống, xu hướng lập gia đình muộn, áp lực của cuộc sống...
Theo GS Nguyễn Viết Tiến, muốn duy trì được mức sinh thay thế, mỗi cặp vợ chồng phải sinh ít nhất 2 con. Nhưng đến nay, một số địa phương, đặc biệt là TPHCM, tỷ suất sinh không đạt 2. Vì vậy, nguy cơ suy giảm dân số rất hiện hữu. Ngay bây giờ, nếu chúng ta không nhìn nhận thì sau này sẽ gặp hệ lụy. Khi dân số già, nâng lên rất khó.
Lý giải nguyên nhân giảm mức độ gia tăng dân số, ông Lê Thanh Dũng - Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, trong nhiều lý do dẫn đến việc giảm sinh có những lý do rất tự nhiên của xã hội như quá trình đô thị hóa tăng nhanh cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội cuốn theo vòng xoáy phát triển, khiến giới trẻ mải mê công việc, ngại sinh con. Ngoài ra việc tìm kiếm nhà ở, chi phí sinh hoạt gia đình, chi phí nuôi dạy con cũng là áp lực không nhỏ dẫn đến việc ngại kết hôn và sinh con. Tại các khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ y tế, dịch vụ xã hội, cơ sở giáo dục còn thiếu và bất cập, tỷ lệ số dân tại các khu này tính bằng cả phường, nhưng những dịch vụ để phục vụ cho người dân còn thấp và thiếu… Cùng với đó vẫn chưa có giải pháp kiểm soát chặt chẽ tình trạng nạo phá thai diễn ra tràn lan, có thể dẫn đến vô sinh.
Đề xuất chi trả BHYT điều trị vô sinh hiếm muộn
Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, trình độ điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam được đánh giá tương đương các nước trong khu vực, kỹ thuật phát triển rất nhanh. Ngay cả các nước trên thế giới cũng thừa nhận rằng, kỹ thuật điều trị vô sinh hiếm muộn của Việt Nam phát triển rất nhanh. Nước ta có hơn 50 trung tâm có thể thụ tinh ống nghiệm, có thể đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn. Thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) ở Việt Nam đạt mức thành công cao, tới 60% số ca chu kỳ có thai lâm sàng. Tuy nhiên, theo ông Tiến điều thách thức là giá dịch vụ còn cao so với thu nhập của hầu hết người dân. Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn, khao khát có con nhưng không thể thực hiện do vấn đề kinh phí. Vì vậy cần có chính sách, chủ trương, đổi mới trong thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) để từng bước đáp ứng nguyện vọng điều trị vô sinh hiếm muộn của người dân, đồng thời góp phần duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số.
GS Nguyễn Viết Tiến đề xuất: Thực tiễn của Việt Nam, với mức giá đóng hiện tại thì BHYT chưa thể bao phủ được một số dịch vụ, trong đó có IVF. Do đó, trước mắt, BHYT nên chi trả cho cả bệnh nhân hiếm muộn nhưng có bệnh lý giống những người khác. Nếu bảo hiểm có khả năng thì cần quan tâm đến đối tượng này trong tương lai. Nếu chúng ta có chính sách để thay đổi phù hợp, các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn sẽ được hưởng lợi, góp phần duy trì, ổn định chất lượng và số lượng dân số.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế: Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.