Nằm biệt lập với thế giới bên ngoài, nhiều năm qua, bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa) luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu giữa núi rừng điệp trùng, khô khát.
Nhìn từ trên cao, Tà Cóm nằm lọt thỏm giữa một dải thung lũng hẹp, hai bên là núi đá mồ côi dựng thành vách. Con đường độc đạo dẫn vào bản mỏng manh như một nét cọ màu nâu, chênh vênh len lỏi trên những triền dốc rồi mất hút dưới bóng cây và những mái nhà được lợp bằng tôn mỏng, sáng lấp lóa trong cái nắng hiếm hoi cuối tháng 2.
Căn nhà của vợ chồng chị Mùa Thị Sau nằm nghiêng nghiêng ngay đầu con dốc dẫn vào bản. Năm nay mới bước sang tuổi 37 nhưng Sau trông như đã ở độ ngũ tuần. Hơn 20 năm, kể từ ngày lấy chồng, tài sản lớn nhất của vợ chồng Mùa Thị Sau là… 10 mặt con. Ba đứa lớn đã bắt đầu phải tự đi tìm việc làm, phụ bố mẹ nuôi 7 em nhỏ còn lổn nhổn “trứng gà trứng vịt”, đứa còn ẵm ngửa.
Thấy có khách lạ ghé qua, các con của Sau líu ríu nép vào lưng mẹ. Sau cũng ngơ ngác nhìn chúng tôi… Vợ chồng Sau và phân nửa sắp nhỏ không biết tiếng Kinh. Thành ra câu chuyện của tôi và chị đều phải nhờ vào anh Sùng A Pó - Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý làm người thông ngôn.
“Nhà chị đông miệng ăn thế này, lấy gì cho các con ăn học?”- Tôi quay sang nhờ Sùng A Pó. Phải sau hơn 2 lần chuyển ngữ khá vất vả, anh Pó mới cắt nghĩa xong câu hỏi cho Sau. Chị ngượng ngùng, tránh ánh mắt chờ đợi của tôi rồi bắt đầu câu chuyện của mình, tiếng thì thào nhẹ thoảng như những cơn gió đang lùa qua các khe cửa.
“Đẻ nhiều vì mãi không được con trai đấy” - Sùng A Pó bắt đầu phiên lại câu chuyện của Sau cho tôi hiểu. Bao đời nay rồi, tập tục của người Mông ở đây là phải có con trai nối dõi. Ban đầu, vợ chồng Sau chỉ định sinh một đứa con thôi nhưng Giàng không thương, thành ra cứ đẻ mãi, đẻ đến đứa thứ 10 mới được một mụn con trai.
Ngày Sau khai hạ, cả họ mừng lắm, bảo phải làm cái lễ lớn khao dân bản. Chồng Sau nghe chỉ dám cười trừ thôi, vì trong nhà không còn nổi 100 nghìn đồng, đáy thùng gạo cũng đã cạn trơ… biết lấy gì làm cỗ bàn thết họ.
Nhà đông con, vất vả lắm vợ chồng Sau mới kiếm đủ cái ăn cho cả gia đình trong khoảng 9 tháng, còn lại là chờ sự hỗ trợ của Nhà nước. “Trời sinh voi, sinh cỏ”, cũng may các con cứ lớn lên hồn nhiên như đám cây dại ven đường mà chẳng mảy may ốm đau gì. “Sau bảo cũng may là đã có con trai nên không phải đẻ nữa, vậy là vui lắm rồi. Giờ chỉ còn chờ đứa út biết tự ăn, tự chơi là nó có thể lên nương phụ chồng, trồng ngô, trồng lúa, nuôi thêm con bò, đi làm thuê cho người ta có thêm đồng đắp đổi, không còn phải lo đói nữa”- anh Pó dịch cho tôi hiểu.
Chị Sau ôm đứa bé trên tay, áp vào lồng ngực nóng hổi rồi cũng bẽn lẽn cười.
Rời nhà chị Sau, Sùng A Pó dẫn tôi men theo con đường đất đi sâu vào trong bản. Ở đây cái nghèo, cái khó hiển hiện trên từng lối đi. A Pó bảo, cả bản có 111 hộ với 612 nhân khẩu thì có tới hơn 60% nằm trong diện hộ nghèo. Giao thông đi lại khó khăn khiến Tà Cóm gần như bị biệt lập với thế giới bên ngoài. Có 2 con đường để đến với Tà Cóm. Một là có thể từ trung tâm xã, qua Mường Lý, qua cầu Chiềng Nưa rồi đi đò qua sông vào bản, dài khoảng 30km.
Đây là tuyến đường mà A Pó vừa dẫn tôi đi qua. Hai là đi từ thị trấn Mường Lát, men theo các triền núi xuôi theo bờ sông Mã đến bản. Lý trình này dài khoảng gần 60km. Chỉ khi vào mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, chảy xiết người ta mới phải chọn “nan lộ” này.
Thêm vào đó là bản không có điện lưới quốc gia. Mãi đến cuối năm 2023, ngành điện lực mới kéo xong đường điện vào bản. “Anh thấy đấy, đi thì mắc núi, trở lại thì mắc sông… Đã có rất nhiều các chương trình chính sách ưu việt của Nhà nước như: 134, 135, 30a... nhằm giúp đỡ người Mông ở đây thoát nghèo nhưng vì không đường, không điện đã khiến mọi thứ chưa phát huy được tác dụng”- anh Sùng A Pó nói.
Dẫn tôi đến một căn nhà được xem là “bề thế” nhất bản, anh Sùng A Pó nói, đây là nhà của ông Thào A Thái - "người có kinh tế vững nhất bản đấy”. Từ triền đồi đi về, A Thái tươi cười chào khách rồi nói như để cải chính: “Ồ, đã giàu có được đâu, mới đủ ăn thôi mà”. Tôi đưa mắt quan sát một vòng, đúng như lời A Pó nói. Trong căn nhà vách gỗ dày dặn, mái lợp tôn có đủ cả ti vi, tủ lạnh và các vật dụng phổ thông khác. Phía sau nhà là khu chuồng rộng rãi dùng để nhốt bầy trâu, bò, lợn, gà... Để có được sự tươm tất này, hẳn Thào A Thái đã phải vật lộn tìm hướng phát triển kinh tế cho riêng mình nhiều lắm.
Sau chén trà đặc, ông A Thái kể cho tôi nghe về hành trình 10 năm thoát nghèo của mình. Hơn 10 năm trước, cũng như các hộ dân khác trong bản, nhà Thái nghèo lắm. Thiếu ăn, thiếu mặc triền miên. Nhà có 10 miệng ăn, dù cho suốt ngày bám rừng, bám nương cũng không làm cách nào kiếm đủ lương thực, nhất là vào mỗi đận giáp hạt.
Đến năm 2010, Thào A Thái mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bò giống sinh sản và nhận thêm rừng trồng vầu, xoan. Nhưng rồi cây xoan không chịu lớn, con bò duy nhất không quen khí hậu cũng mất nốt khiến gia đình càng rơi vào cảnh nợ nần, bi đát hơn.
Nhận thấy nuôi trâu, bò thả rông trên rừng núi có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao nên anh tiếp tục “liều”, vay mượn thêm để đầu tư nuôi trâu, bò, dê, gà và tự tìm tòi học thêm kỹ thuật chăm sóc đàn gia súc. Chỉ sau vài năm, cuộc sống của gia đình A Thái đã trở nên khấm khá.
Năm 2017, A Thái làm đơn gửi lên chính quyền xã Trung Lý xin ra khỏi hộ nghèo và cũng là gia đình đầu tiên thoát nghèo của bản. “Đến nay, gia đình tôi có khoảng 20 con trâu, 50 con bò. Cùng với đó là 10 ha trồng sắn, 3 ha trồng vầu làm nan thanh. Tổng thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm”- A Thái hào hứng nói.
Không chỉ tự mình vươn lên thoát nghèo, Thào A Thái còn tặng bò giống cho một số hộ đặc biệt khó khăn trong bản, hướng dẫn bà con vay vốn làm kinh tế chăn nuôi trâu bò, lợn, gà… Những trường hợp này nay đã và đang từng bước thoát khỏi đói nghèo. Ngoài chăn nuôi thì bà con dân bản đã biết trồng thêm sắn, vầu. Năm 2023, cả bản thu về khoảng 800 tấn sắn tươi, với giá mua tại chỗ 1.500 đồng/kg thì thu về khoảng 1,2 tỷ đồng.
Ngồi với tôi trong căn phòng làm việc giản đơn khi trời chiều đã phủ bóng, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát Nguyễn Văn Bình, thẳn thắn nhìn nhận: Tà Cóm vẫn là bản nghèo nhất của Mường Lát với rất nhiều cái không, không đường bê tông, không sóng điện thoại, không điện chiếu sáng…
Tuy nhiên bằng sự triển khai, áp dụng mạnh mẽ các giải pháp đồng bộ, trong hai năm qua, dân bản đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, người dân dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, xóa bỏ các hủ tục, tập quán canh tác cũ.
“Chúng tôi đang đề ra mục tiêu đến năm 2025, sẽ có một tuyến đường bê tông dài 43 km, nối từ bản Nà Ón đến Tà Cóm. Qua đó, góp phần thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế của Tà Cóm với bên ngoài, học sinh đến trường được thuận lợi. Chỉ khi nào giao thông thuận lợi, thông suốt thì đồng bào người Mông ở Tà Cóm mới có thể thực sự thoát nghèo”- ông Bình chia sẻ.
“Đã có điện lưới quốc gia, giao thông rồi sẽ được xây dựng trong nay mai… Như vậy, hy vọng thoát khỏi vòng luẩn quẩn của đồng bào người Mông ở Tà Cóm đã được thắp lên. Con đường thoát nghèo đã được nhìn thấy ở phía trước, dẫu vẫn còn rất xa và chông gai lắm”- Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Lý Sùng A Pó nói, rồi bắt chặt tay tôi trước khi con đò dọc rời bến.