Không tiếp cận được nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng do khó khăn về thủ tục, nhiều nông dân buộc phải tìm đến nguồn tín dụng đen, chấp nhận lãi suất cao. Theo TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Verb), Việt Nam cần xây dựng hệ thống tài chính vi mô để người nông dân có thể tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, từ đó mới có thể nâng cao được đời sống nông dân, kinh tế nông nghiệp mới có thể cất cánh.
TS Nguyễn Đức Thành.
PV:Thưa ông, người nông dân đang gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng. Theo ông, vấn đề này cần được nhìn nhận thế nào để tháo gỡ cho bà con?
TS Nguyễn Đức Thành: Thực tế thì lâu nay, người nông dân hay các DN nông nghiệp ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa rất khó tiếp cận được các gói tín dụng tại các hệ thống ngân hàng. Bởi thông thường, ngân hàng sẽ yêu cầu người đi vay phải có tài sản thế chấp, mà thường các sản phẩm, công trình ở nông thôn tài sản thế chấp giá trị không cao.
Vì thế ngân hàng khó có thể thực hiện được các giao dịch với các gói vay đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Hoặc nếu bà con nông dân có tài sản như đất đai, trang trại lại chủ yếu không có sổ đỏ, điều này đương nhiên cũng không được ngân hàng chấp nhận. Đấy là đối với hệ thống tài chính chính thức.
Còn với hệ thống tín dụng phi chính thức không phải ngân hàng như quỹ tín dụng nhỏ hay tài chính vi mô, thì quy mô lại rất nhỏ, đặc biệt, lãi suất hạn chế cho vay ra, chỉ bằng 1,5% của lãi suất hiện hành trên thị trường. Quy định mức lãi suất này xuất phát từ mục đích để người nông dân không phải chịu mức lãi suất cao, tránh tình trạng cho vay cắt cổ trên thị trường.
Nhưng vô hình trung, nó khiến cho những tổ chức có vốn không có động lực cao để cho vay, kết quả là người dân không tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp. Chính vì thế, người nông dân buộc phải đi vay ở những nơi khác ở bên ngoài, như tín dụng đen, với lãi suất cao nhưng điều kiện rất dễ, từ số lượng khoản vay, thời điểm vay rất linh hoạt, thời gian…
Có thể thấy, ở các nước, hệ thống tài chính vi mô đã rất phát triển, còn với Việt Nam, dường như chúng ta chưa có cách hiểu rõ ràng về tài chính vi mô?
- Tôi có cảm giác chúng ta còn đang bối rối. Nhìn vào định nghĩa khái niệm về tài chính vi mô, chúng ta mới chỉ dừng ở quy mô khoản vay, nhiều người nghĩ chỉ là những khoản vay nhỏ cho người nông dân, nhưng thực tế không phải chỉ có như vậy.
Tài chính vi mô còn liên quan đến cách thức mà chúng ta thực hiện tổ chức những khoản vay đó, và bản chất của nó hoàn toàn khác với các khoản vay thương mại thông qua hệ thống ngân hàng, hay thông qua hệ thống tài chính chính thống.
Tài chính vi mô cần phải có quan điểm khác đi về cơ chế của nó, cấu trúc của nó về mặt xã hội, văn hóa cũng như thiết chế mà chúng ta tạo ra.
Hiện nay, Việt Nam chưa có văn bản pháp quy rõ ràng về hệ thống tài chính này. Điều đó cũng có nghĩa, Việt Nam vẫn chưa có định hình thể chế hay thiết chế cho lĩnh vực này. Và như vậy, chúng ta đang đang thiếu hẳn những thể chế về tài chính vi mô để có thể đưa vào triển khai hoạt động một cách hiệu quả.
Hiện nay, ở Việt Nam chủ yếu tồn tại hệ thống tín dụng chính thức và hệ thống tín dụng phi chính thức, hay nói cách khác là tín dụng đen. Như vậy rõ ràng chúng ta đang thiếu đi mảng tài chính vi mô. Cho nên chúng tôi rất quan tâm đến loại hình cho vay này trong tương lai.
Bởi, kinh nghiệm ở các nước cho thấy, nếu gây dựng và triển khai được hệ thống tài chính này, chắc chắn bà con nông sẽ có thể tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ đầu tư cho sản xuất nông nghiệp – lĩnh vực kinh tế quan trọng của Việt Nam.
Từ đó, đời sống người nông dân chắc chắn sẽ khác, và tất nhiên, khi vốn đầu tư cho nông nghiệp tăng lên mới có thể tạo được sự bền vững ổn định để phát triển kinh tế nông nghiệp.
Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để gây dựng hệ thống tài chính này?
- Thời gian qua, nhóm nghiên cứu của Verb đã trao đổi với các nhà làm chính sách, giới học giả để tạo ra được thiết chế cho hệ thống tài chính vi mô phù hợp với Việt Nam.
Chúng tôi đã và đang rà soát lại thực tế ở các vùng miền núi phía Bắc và cả ở Tây Nguyên đồng thời học hỏi kinh nghiệm của người Nhật Bản trong các loại hình tín dụng cho nông thôn để trên cơ sở đó sẽ thảo luận và tìm được một mô hình cho Việt Nam một cách thận trọng, phù hợp.
Trân trọng cảm ơn ông!