Vốn ‘khủng’ xây dựng sân bay

PHƯƠNG CHI 18/06/2023 08:38

Chính phủ vừa phê duyệt quy hoạch sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến 2050. Việc xây dựng sân bay ở các địa phương được giới chuyên gia nhận định sẽ tạo sức bật cho sự phát triển kinh tế của địa phương. Dù vậy, không nên dựa hoàn toàn vào ngân sách nhà nước, địa phương có nhu cầu mở sân bay cần được tạo thêm cơ chế thu hút đầu tư.

Phối cảnh dự kiến của sân bay Sa Pa (tỉnh Lào Cai). Nguồn: Báo Lào Cai.

Nhu cầu vốn khoảng 420 nghìn tỷ đồng

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về quy hoạch hệ thống cảng hàng không toàn quốc, trong thời kỳ 2021 - 2030 có 30 cảng hàng không. Trong số này có 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 16 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa (sân bay Thành Sơn và sân bay Biên Hòa được quy hoạch thành cảng hàng không để khai thác lưỡng dụng).

Quy hoạch mới cũng tiếp tục duy trì vị trí quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Hải Phòng tại huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng.

Về tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch xác định sẽ hình thành 33 cảng hàng không, bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế: Vân Đồn, Hải Phòng, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc; 19 cảng hàng không quốc nội: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Cát Bi, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Biên Hòa, Thành Sơn và Cảng hàng không thứ 2 phía Đông Nam, Nam Thủ đô Hà Nội.

Đáng chú ý, trước đó UBND TP Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT quy hoạch sân bay thứ 2 là sân bay quốc tế. Tuy nhiên, theo quy hoạch được phê duyệt, sân bay thứ 2 của Hà Nội vẫn là sân bay quốc nội.

Ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 khoảng 420 nghìn tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn ngoài ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Thay đổi tư duy mới tạo đột phá

Một số chuyên gia hàng không đánh giá quy hoạch tổng thể đến năm 2050, cả nước sẽ hình thành 33 sân bay là hợp lý với nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và vị trí phân bố. Nhưng với số vốn quá lớn, trong quá trình đầu tư xây dựng, không thể trông chờ vào nguồn vốn nhà nước mà cần cho phép sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân thông qua môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng.

Giới chuyên gia cũng nêu quan điểm, quy hoạch sân bay cần mang tính “động” và “mở” theo sự chủ động, linh hoạt và phù hợp với nhu cầu thực tiễn của từng địa phương... “Như Bolivia có 952 sân bay nhưng chỉ có 16 sân bay có đường bay trải nhựa, còn lại là sân bay đường đất. Thực tế này cho thấy không phải cứ nghĩ tới sân bay thì đều là vốn khủng và hoành tráng cả, mà các sân bay này được đầu tư để đáp ứng nhu cầu kết nối và phát triển kinh tế thực tiễn của địa phương”, TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam thông tin.

Theo TS Trần Đình Thiên, nhu cầu sân bay của địa phương hiện nay là nhu cầu có thực, khác xa với “cuộc đua” địa phương nào cũng cần sân bay như trước kia.

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cho rằng: Đề xuất của địa phương là xuất phát từ thực tế, nhưng việc phê duyệt thì phải dựa trên cơ sở khoa học và tiêu chí rõ ràng. Lợi ích của sân bay không chỉ dừng ở hiệu quả của sân bay lãi hay lỗ mà còn bao gồm những lợi ích gián tiếp khác như: Phát triển du lịch, logistics, đô thị và giải quyết công ăn việc làm… “Do vậy, đánh giá hiệu quả của dự án đầu tư, xây dựng sân bay phải nhìn vào hiệu quả tổng thể, lợi ích tiềm năng cửa dự án chứ không chỉ giới hạn trong một dự án cụ thể”, ông Hiếu khuyến nghị.

Hiện nay, nhu cầu phải nâng cấp các sân bay hiện hữu và đầu tư các sân bay mới đang trở thành vấn đề cấp bách của Việt Nam. Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), tới năm 2035, hàng không Việt Nam sẽ phục vụ tới 136 triệu hành khách, gấp đôi số lượng dự kiến cho cả năm 2022 là 70 - 80 triệu lượt hành khách. Hiện cả nước có 22 cảng hàng không đang hoạt động, trong đó nhiều cảng hàng không trong nước đã phải khai thác vượt công suất công bố như tại các nhà ga hành khách nội địa sân bay: Côn Đảo, Cát Bi, Phú Quốc, Liên Khương, Cam Ranh…

Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Vịnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), việc phát triển thêm các sân bay nhỏ là cần thiết, nhất là trong bối cảnh mạng lưới sân bay tại Việt Nam vẫn được cho là “mỏng” hơn nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, trong khi đó, Việt Nam là một nền kinh tế mở, nhu cầu đi lại, giao thương đang ngày càng gia tăng.

Mặt khác, không ít ý kiến bày tỏ, nên cho phép địa phương có sáng kiến tốt hơn được chạy trước chứ không phải năm nay thì Lào Cai, năm sau mới đến Hà Giang hay Quảng Trị… Quan trọng hơn là trong quá trình đầu tư, xây dựng sân bay, cần cho phép sự tham gia của khu vực tư nhân thông qua môi trường pháp lý minh bạch, rõ ràng. Tư duy phải thay đổi thì mới tạo ra sự đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vốn ‘khủng’ xây dựng sân bay

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO