Kết luận của Đoàn thanh tra liên ngành xác định tình trạng tài chính của Ngân hàng SCB tại thời điểm bị thanh tra ngày 30/6/2017 rất xấu khi mà tỷ lệ nợ xấu lên tới 20,92%.
Tình trạng của SCB thời điểm bị thanh tra
Liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát, theo hồ sơ bản cáo trạng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tại các Thông báo của Văn phòng Chính phủ về thanh tra Ngân hàng SCB, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thành lập đoàn thanh tra tại SCB năm 2017 - 2018 và triển khai thành 2 đợt thanh tra.
Về nội dung, kết quả thanh tra, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, người ra quyết định thanh tra, trưởng, phó đoàn thanh tra, một số thành viên trong đoàn biết rõ thực trạng vi phạm, sai phạm nghiêm trọng của Ngân hàng SCB tại các dự án, phương án tái cơ cấu, tại các khoản vay của nhóm khách hàng có địa chỉ tại số 4 Nguyễn Thị Minh Khai (TP HCM) cũng như biết rõ thực trạng tài chính rất xấu của SCB.
Tại thời điểm khởi tố vụ án, trên hệ thống sổ sách của Ngân hàng SCB thể hiện, tổng số tiền mà SCB huy động của người dân và vay của các cơ quan tổ chức khác tại thời điểm ngày 17/10/2022 là 673.586 tỷ đồng.
Bao gồm: 511.262 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng; 76.845 tỷ đồng phát hành giấy tờ có giá; 66.030 tỷ đồng vay NHNN; 12.693 tỷ đồng tiền gửi và 6.756 tỷ đồng vay của các tổ chức tín dụng khác.
Tổng nguồn vốn của SCB theo sổ sách kế toán tại ngày 17/10/2022 là 713.420 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của SCB tại thời điểm ngày 17/10/2022 được ghi nhận trên sổ sách là 21.036 tỷ đồng (bao gồm vốn của SCB, các Quỹ trích lập quy định, chênh lệch tỷ giá và lợi nhuận chưa phân phối).
Kết luận thanh tra của Đoàn thanh tra liên ngành (Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban giám sát tài chính quốc gia) xác định: Tỷ lệ nợ xấu của SCB là 20,92% (quy định <3%); tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ (CAR): 6,5% (quy định >9%); tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 13,28% (quy định <= 50%); tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ: 62,95% (NHNN cho phép không quá 55%).
Đến tháng 10/2022, Thống đốc NHNN ban hành quyết định về việc kiểm soát đặc biệt đối với Ngân hàng SCB. Ban kiểm soát đặc biệt yêu cầu Ngân hàng SCB thuê tổ chức kiểm toán độc lập rà soát, đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ… của SCB.
Kết quả kiểm toán xác định, Ngân hàng SCB âm vốn chủ sở hữu 443.769 tỷ đồng, lỗ lũy kế 464.547 tỷ đồng.
Đoàn thanh tra nhận rất nhiều tiền, quà từ Trương Mỹ Lan
Nhằm che giấu thực trạng tài chính đặc biệt yếu kém cũng như các sai phạm của SCB, để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và tiếp tục được tái cơ cấu, bà Trương Mỹ Lan đã mua chuộc, tác động người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan Nhà nước.
Trong đó, người nhận tiền nhiều nhất từ SCB là bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra - giám sát ngân hàng II thuộc NHNN). Bà Nhàn là Trưởng đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra.
Theo cáo trạng, bà Nhàn được bà Trương Mỹ Lan "biếu" 5,2 triệu USD (tương đương gần 130 tỷ đồng) để chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không khách quan, không trung thực, không đúng thực trạng tài chính của SCB, bao che, bưng bít sai phạm của SCB. Cơ quan chức năng đánh giá, đây là khoản nhận hối lộ lớn nhất từ trước tới nay của các cựu quan chức.
Ông Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng) được "biếu" 390.000 USD. Bị can Nguyễn Văn Hưng theo quy định phải có trách nhiệm báo cáo kết quả thanh tra SCB lên NHNN và Chính phủ nhưng đã "ngó lơ" để Đỗ Thị Nhàn chỉ đạo các thành viên đoàn thanh tra lập báo cáo không đầy đủ, không trung thực, bao che sai phạm của SCB.
Ngoài ra, các bị can thuộc nhóm cán bộ thanh tra cũng được nhận rất nhiều tiền, quà từ Trương Mỹ Lan gồm: Nguyễn Thị Phụng (Phó trưởng đoàn thanh tra) 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn; các thành viên của đoàn là Vũ Khánh Linh, Nguyễn Tuấn Anh, Bùi Tuấn Khoa, nhận 100 triệu đồng; Vương Đỗ Anh Tuấn nhận 20.000 USD và 2 chiếc áo; Trần Văn Tuấn nhận 6.000 USD và 40 triệu đồng; Lê Thanh Hà nhận 14.000 USD và 100 triệu đồng; Nguyễn Duy Phương nhận 1.000 USD và 20 triệu đồng; Nguyễn Văn Thủy nhận 21.000 USD và 60 triệu đồng, 1 áo sơ mi, 1 áo phông, 1 hộp yến; Trương Việt Hưng nhận 6.000 USD.
Sau khi nhận tiền của Trương Mỹ Lan, nhóm bà Nhàn đã ban hành kết luận thanh tra theo hướng: Không đưa Ngân hàng SCB vào diện kiểm soát đặc biệt, để SCB tiếp tục thực hiện tái cơ cấu; không chuyển hồ sơ sai phạm sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định; ưu tiên áp dụng giải pháp kinh tế… Điều này dẫn tới NHNN không nắm được thông tin, không kịp thời ngăn chặn Trương Mỹ Lan và đồng phạm rút, sử dụng tiền của SCB trái pháp luật, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hành vi của nhóm bị can đã vi phạm quy định tại Luật Thanh tra, Thông tư 05/2014/TT-TTCP của Thanh tra Chính phủ, Thông tư 36/2016/TT-NHNN của NHNN, phạm vào tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong đó, ông Nguyễn Văn Hưng được xác định có vai trò chủ mưu, các bị can khác có vai trò giúp sức cho hành vi làm trái công vụ của ông Hưng. Hành vi nhận tiền để làm trái công vụ của Đoàn thanh tra đã tạo điều kiện cho Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và đồng phạm rút tiền và sử dụng tiền trái pháp luật tại Ngân SCB, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng với số tiền 514.102 tỷ đồng.
Hiện, cơ quan điều tra đã tịch thu một phần số tiền nhóm cán bộ đoàn thanh tra nhận hối lộ; đồng thời, kê biên một số tài sản nhằm đảm bảo công tác thi hành án.