Ngày 1/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cho rằng, vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua như là giọt nước tràn ly của những tích tụ bất cập lâu nay. Do đó cần phải giải bài toán thực tế hiện hữu này bằng những biện pháp kỹ thuật phù hợp. “Việc bịt chặt khẽ hở trong quản lý là việc cần làm ngay nhưng siết chặt quá mức cần thiết thì sẽ đẩy người lao động, sinh viên nghèo ra đường khi họ không có điều kiện để ở những căn hộ đáp ứng yêu cầu cao”-ông Thắng nói.
Theo ông Thắng, thời gian qua chúng ta đã cố gắng thiết kế nhiều chính sách hấp dẫn hỗ trợ các nhà đầu tư các nhà dự án nhà ở xã hội nhưng vẫn rất ít doanh nghiệp mặn mà, còn người mua nhà chưa thể mua vì mức giá không phù hợp, thủ tục rườm rà, vị trí không phù hợp. Với một “rừng” quy định hành chính cùng với những rủi ro pháp lý khác là nguyên nhân căn bản làm nản lòng nhà đầu tư. Do vậy cần tháo gỡ ngay nút thắt điểm nghẽn, cần xem doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội là đối tượng ưu tiên đặc biệt thì mục tiêu cao cả mới trở thành hiện thực.
Theo ĐB Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang), việc tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp để có chỗ ở, học tập và lao động rất là cần thiết. Nhưng không vì thế mà buông lỏng công tác quản lý nhà nước về xây dựng cơ sở hạ tầng và quản lý đô thị ở khu nhà ở, nhà trọ và khu chung cư và không đảm bảo an toàn. “Việc cấp phép sai, không đúng quy định về cấp phép xây dựng đối với những ngôi nhà này là cần phải xử lý nghiêm minh”- bà Lịch nhấn mạnh.
Từ thực tế đi giám sát về công tác phòng cháy chữa cháy, bà Lịch cho biết, qua giám sát đối với 65 cơ sở cho thuê thì hầu hết đều không bảo đảm phòng cháy chữa cháy nhưng theo báo cáo của cơ quan có thẩm quyền lại cho biết không có quy định về phòng cháy chữa cháy đối với nhà riêng lẻ. Như vậy còn thiếu quy định về vấn đề này. Do đó cần siết chặt quản lý, làm rõ trách nhiệm của ngành chức năng và phải sửa luật trong thời gian tới.
Quan tâm đến công tác quản lý chung cư mini, ĐB Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội nêu thực tế hiện đang thiếu hành lang pháp lý quản lý chung cư mini, những lỗ hổng về hệ thống pháp luật đã dẫn đến lỗ hổng trong công tác quản lý chung cư mini.
Theo bà Thủy, thực trạng pháp luật quy định của pháp luật hiện hành về loại hình nhà ở này rất lỏng lẻo, trong đó khoản 2 Điều 46 của Luật nhà ở hiện hành có dành một khổ để mô tả về loại hình nhà ở này, nhưng không rõ về tiêu chuẩn về quy chuẩn cũng như về yêu cầu quản lý, thậm chí định danh cũng không thực sự rõ ràng. Trong khi đó, cả xã hội gọi sản phẩm này là chung cư mini-một thuật ngữ không có trong luật.
“Chính vì quy định lỏng lẻo như vậy dẫn đến thiếu hành lang pháp lý phù hợp, gây lúng túng trong quản lý, gây áp lực cho hạ tầng đô thị và đặc biệt tiềm ẩn nguy cơ cao đối với sự an toàn của người dân”-bà Thuỷ nói và kiến nghị trong nghị quyết của kỳ họp Quốc hội lần này có nội dung yêu cầu về bảo đảm an toàn cháy nổ nói chung, trong đó có an toàn cháy nổ đối với các chung cư mini đang hiện hữu.