Bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế) bị cơ quan tố tụng cáo buộc nhận hối lộ 253 lần, với tổng số hơn 42 tỷ đồng trong các “chuyến bay giải cứu”. Các doanh nghiệp khẳng định: Khi làm việc với bị cáo này, luôn bị ra điều kiện “có tiền mới đóng dấu” cấp phép chuyến bay.
Ngày 14/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu” tiếp tục với phần xét hỏi, các bị cáo tiếp tục trả lời các câu hỏi thẩm vấn của 105 luật sư bào chữa.
Trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Trung Kiên, đại diện nhiều doanh nghiệp “kể khổ” về những khó khăn gặp phải khi làm việc với bị cáo này. Điều kiện đầu tiên được Phạm Trung Kiên đưa ra là, doanh nghiệp phải “lại quả” 150 triệu đồng cho mỗi chuyến bay nếu muốn được Bộ Y tế cấp phép. Ngoài những công ty được Kiên trực tiếp ra giá, cũng không ít doanh nghiệp tự chủ động “tham khảo” nhau rồi mang quà là tiền mặt đến “lót tay” bị cáo này.
Bị cáo Nguyễn Thị Dung Hạnh (Giám đốc Công ty TNHH G 19 Việt Nam) khai, đã gọi điện cho Phạm Trung Kiên, sau đó đến gặp và mang theo một túi quà chuẩn bị từ trước, bên trong là 200 triệu đồng tiền mặt. “Sở dĩ có con số 200 triệu đồng là bởi bị cáo đã tham khảo các doanh nghiệp khác” - Giám đốc Công ty TNHH G 19 Việt Nam khai.
Bị cáo Hạnh khẳng định, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế “không hạch sách gì” nhưng khi nhận quà có nói “như thế này chưa đủ ạ!”. Dù Phạm Trung Kiên không nói cụ thể Hạnh phải đưa thêm bao nhiêu, song bị cáo này đã chủ động chuyển thêm 200 triệu đồng.
Trả lời trước tòa, Chủ tịch Công ty Vijasun Đào Minh Dương cho biết, doanh nghiệp này được phê duyệt 17 chuyến bay và “nhớ từng chi tiết” lần đầu gặp bị cáo Kiên tại trụ sở Bộ Y tế. “Tôi nhớ từng được chứng kiến ông Kiên quát bị cáo Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc Công ty BlueSky) tại một phòng họp Bộ Y tế, yêu cầu phải chi mấy triệu đồng một khách. Ông Sơn cho rằng như vậy là cao, xin trọn gói 100 triệu đồng/chuyến, nhưng Phạm Trung Kiên đòi 150 triệu đồng/chuyến, đưa cho ông ta hay ông Tuấn ở Cục Xuất nhập cảnh cũng được” - bị cáo Dương khai.
Cũng theo lời khai của bị cáo Dương, sau lần gặp này đã chủ động chuyển tiền theo mức Phạm Trung Kiên yêu cầu trước các chuyến bay. Cụ thể, mỗi lần được phê duyệt chuyến bay, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế đều gửi cho bị cáo Dương bức ảnh thể hiện Thứ trưởng Bộ Y tế đã ký, nhưng Phạm Trung Kiên ra điều kiện “anh phải chuyển tiền thì mới có dấu”. “Tôi bị ép, công ty của tôi phải đưa tiền chứ tôi không muốn đưa. Cứ 8h30, tôi đến thang máy tòa nhà làm việc là anh Kiên gọi điện. Đang dịch Covid-19, cấm nghe điện thoại trong thang máy nhưng anh Kiên gọi liên tục nên tôi phải cho nhân viên nghe. Nhân viên báo lại anh Kiên muốn gặp để lấy tiền. Anh ta gửi ảnh quyết định phê duyệt chuyến bay, nói thứ trưởng đã ký rồi nhưng phải chuyển tiền thì mới có dấu” - bị cáo Dương nói.
Dù bị cơ quan tố tụng xác định là người nhận nhiều hối lộ nhất vụ án (cả số tiền và số lần), nhưng tại tòa, Phạm Trung Kiên luôn “phân trần” rằng, bản thân nhận tiền cũng không hề vui vẻ gì. Trả lời luật sư về chức năng của một thư ký cho thứ trưởng, bị cáo Kiên khẳng định: Bản thân không có quyền duyệt hay từ chối cấp phép chuyến bay, mà chỉ tiếp nhận hồ sơ rồi chuyển lên thứ trưởng xét duyệt, sau đó chuyển lại cho các phòng chức năng. Tuy nhiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế cũng thừa nhận cáo buộc 253 lần nhận hối lộ với tổng số 42,6 tỷ đồng. Trong đó, 13 tỷ đồng Kiên nhận dưới dạng tiền mặt, số còn lại được doanh nghiệp chuyển qua tài khoản của bị cáo và mẹ vợ.
Dù thừa nhận số lần và số tiền nhận hối lộ, nhưng bị cáo Phạm Trung Kiên phủ định lời khai của đại diện các doanh nghiệp rằng bị cáo “quát tháo, hét vào mặt” họ gây khó khăn, ép họ chi tiền, bị cáo này biện giải: “Bị cáo không yêu cầu doanh nghiệp nào đưa tiền mà đều do họ chủ động liên hệ nhờ giúp đỡ”.
Phạm Trung Kiên gần như bật khóc khi nhắc đến việc bản thân bị khởi tố: “Sau thời gian dài nằm viện điều trị Covid-19 diễn biến nặng, bị cáo nhận được tin khởi tố vụ án chuyến bay giải cứu. Bị cáo phải chịu sức ép nặng từ nhiều phía. Khi làm việc với cơ quan điều tra, tìm hiểu thì thấy khung hình phạt tội nhận hối lộ cao nhất đến tử hình nên rất sợ, rất ám ảnh. Bị cáo từng chỉ muốn chết để thoát khỏi áp lực”.
Trước đó, trả lời câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa trong chiều 13/7, bị cáo Kiên khai không nói cho ai biết về tiền nhận hối lộ. Bị cáo đem một phần về đưa cho vợ nhưng không nói là tiền gì. Số tiền còn lại, Kiên cho chú họ ở Thái Bình vay 10 tỷ đồng và đi đầu tư đất ở Ba Vì, Hoài Đức (Hà Nội), Mũi Né (Phan Thiết, Bình Thuận). Sau khi xảy ra vụ án, bị cáo Kiên đã bán 2 mảnh đất ở Ba Vì và Hoài Đức để khắc phục hậu quả, còn mảnh đất ở Mũi Né chung tên với bạn nên chưa giao dịch được. Hiện, Phạm Trung Kiên đã trả lại cho các doanh nghiệp 12 tỷ đồng và cùng gia đình nộp thêm 15 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Trước khi về chỗ ngồi, bị cáo Kiên cam kết sẽ cùng gia đình cố gắng tiếp tục khắc phục số tiền còn thiếu.