Vụ công nhân tử vong tại mỏ đá Minh Thành (Hòa Bình): Doanh nghiệp có thể bị xử lý như thế nào?

Hoài Sa 13/09/2023 19:53

Theo luật sư Diệp Năng Bình, trường hợp tai nạn lao động làm chết người tại mỏ đá Minh Thành (thôn Lai Trì, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người, doanh nghiệp có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, vào khoảng 9h15 ngày 10/9, UBND xã Thanh Cao nhận được tin báo, tại mỏ đá Minh Thành xảy ra vụ tai nạn lao động trong quá trình xử lý đá trên cao, khiến một công nhân tử vong tại chỗ.

Nạn nhân là anh B.V.C. (SN 1988), có hộ khẩu thường trú tại thôn Sấu Hạ, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.

Nguyên nhân ban đầu vụ tai nạn được xác định do anh C. leo núi để cậy đá, dọn dẹp khu vực khai thác đá thì bị tuột đầu mối buộc giữa dây an toàn và đai bảo hiểm khiến anh C. rơi xuống chân núi tử vong.

Mỏ đá Minh Thành - nơi xảy ra vụ tai nạn khiến anh B.V.C. tử vong.

Trước đây, anh C. cũng đã làm việc tại mỏ đá Minh Thành (thuộc Công ty TNHH MTV Xây dựng Minh Thành) nhưng đã nghỉ việc được 3 tháng nay. Sau khi nghỉ việc tại mỏ đá anh C. đã rút bảo hiểm lao động. Khi anh C. đi làm trở lại tại mỏ đá Minh Thành 2 ngày thì xảy ra vụ tai nạn lao động thương tâm nói trên.

Trao đổi với PV, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, mặc dù anh C. đã nghỉ việc 3 tháng và đã rút bảo hiểm lao động nhưng khi đi làm lại tại mỏ đá Minh Thành lại xảy ra tai nạn lao động, thì căn cứ theo Điều 2 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, đối tượng được áp dụng chế độ khi xảy ra tai nạn lao động như sau:

"Người lao động làm việc theo hợp đồng; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động..."

Như vậy, dù không ký hợp đồng lao động thì anh C. trong trường hợp này cũng được hưởng chế độ bồi thường, hỗ trợ từ phía doanh nghiệp.

Riêng trường hợp, người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc theo quy định của Luật BHXH, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định pháp luật khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.

Cũng theo luật sư Diệp Năng Bình, trong trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về an toàn lao động, tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, doanh nghiệp có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Đối với xử lý hành chính: Theo Điều 21 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trường hợp doanh nghiệp vi phạm quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động có thể bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 75 triệu đồng.

Riêng trường hợp người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện đánh giá, phân loại lao động theo điều kiện lao động đối với nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thực hiện chế độ cho người lao động quy định tại khoản 3 Điều 22 của Luật An toàn, vệ sinh lao động thì có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 70 triệu đồng.

Về xử lý hình sự: Đối với hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động có thể bị xử lý về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn nơi đông người tại Điều 295 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo đó, đối tượng vi phạm có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 12 năm tù giam.

Trường hợp vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 295 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Theo khoản 1 Điều 295 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người:

Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm:

1.a) Làm chết người;

2.b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

3.c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

4.d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vụ công nhân tử vong tại mỏ đá Minh Thành (Hòa Bình): Doanh nghiệp có thể bị xử lý như thế nào?