Vựa cá hồi Sa Pa từng kiếm tiền tỷ mỗi năm nay 'khóc ròng' tìm đầu ra

Bình Minh 21/08/2021 16:22

Dịch Covid -19 diễn biến phức tạp dẫn đến thị trường tiêu thụ cá Tầm, cá Hồi giảm mạnh và đóng cửa, người nuôi cá nước lạnh gặp nhiều khó khăn trong việc tìm thị trường tiêu thụ.

Cá đến thu hoạch phải nuôi cầm chừng

Gia đình ông Đỗ Chí Đoàn, bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường bắt đầu nuôi cá nước lạnh từ năm 2011. Đến nay ông có gần 2.000 m2 mặt nước để nuôi cá tầm và cá hồi, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Sa Pa và các nhà hàng trong tỉnh Lai Châu.

Năm 2020, gia đình ông xuất bán được 15 tấn cá, tuy nhiên, do Covid-19, các nhà hàng đóng cửa, 6 tháng đầu năm 2021, gia đình ông mới xuất được 2,5 tấn cá. Dẫn đến, số lượng cá tồn nhiều không bán được buộc ông phải nuôi cầm chừng.

“Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên đã có tác động xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở cá Tầm, cá Hồi của gia đình, nguồn cung lớn hơn cầu, mọi thị trường tiêu thụ gần như đóng băng. Đặc biệt, khách hàng của cơ sở chúng tôi phần lớn là khách du lịch đến mua, tuy nhiên do dịch bệnh, khách du lịch không có, đồng nghĩa với việc cá không xuất được”, ông Đoàn than.

Còn đối với HTX sản xuất nông nghiệp Ngũ Chỉ Sơn có 2 trại cá, với 80 bể nuôi cá tầm, cá hồi, sản lượng khoảng 300 tấn, thị trường tiêu thụ chủ yếu tại Hà Nội. Nếu như trước đây, sản phẩm cá nước lạnh tại cơ sở này được tiêu thụ dễ dàng thì từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã ảnh hưởng nặng nề cho HTX như: giá thức ăn tăng, giá bán cá giảm, nhu cầu thị trường bị hạn chế.

Năm 2020, HTX xuất được trên 150 tấn cá thương phẩm, thì từ đầu năm đến nay, do dịch bệnh, HTX này mới xuất được khoảng 50 tấn cá ra thị trường. Điều này, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của HTX. Anh Nguyễn Tiến Đạt – kỹ sư chăn nuôi cá nước lạnh HTX sản xuất nông nghiệp Ngũ Chỉ Sơn nói: “Dịch Covid-19 năm nay tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX chúng tôi, từ đầu năm đến nay sản lượng cá xuất ra thị trường chỉ bằng 1/3 sản lượng so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu do các nhà hàng, khách sạn ở nhiều thị trường lớn phải đóng cửa nên sản lượng tiêu thụ cá của HTX giảm mạnh”.

Những con cá tầm đã đến kỳ xuất bán nhưng do không có thị trường nên HTX sản xuất nông nghiệp Ngũ Chỉ Sơn vẫn phải nuôi cầm chừng.

Huyện Tam Đường hiện có trên 30 HTX, hộ gia đình nuôi cá nước lạnh, với 342 bể, diện tích bể nuôi là 16.058 m2. Để tháo gỡ những khó khăn trước thách thức của dịch Covid-19, cấp ủy, chính quyền địa phương và người nuôi cá nước lạnh cần tập trung xây dựng dòng sản phẩm cá nước lạnh chất lượng cao; đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tầm, cá hồi Tam Đường.

Cùng với đó, tập trung phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ như: Các siêu thị, hệ thống phân phối, nhằm đẩy mạnh tiêu thụ cá Tầm, cá Hồi để không bị lệ thuộc, áp lực vào các thị trường lớn hiện đang bị khống chế bởi dịch.

Những trại cá tầm đã đến kỳ xuất bán nhưng do không có thị trường nên HTX sản xuất nông nghiệp Ngũ Chỉ Sơn vẫn phải nuôi cầm chừng.

Vựa nuôi cá nước lạnh Sa Pa gặp khó

Ngũ Chỉ Sơn, Ô Quý Hồ hay Tả Van là những “vựa” nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa. Thời điểm chưa có dịch Covid-19, lượng khách du lịch đông, thị trường tiêu thụ cá nước lạnh dồi dào, nhiều người ở Sa Pa đã vay vốn đầu tư bể cá và có được nguồn thu lớn. Trong 2 năm gần đây, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường bấp bênh, giá cá hồi sụt giảm khiến không ít hộ nuôi cá nước lạnh lao đao. Những hộ đã đầu tư vốn lớn vào xây bể cá loay hoay trước 2 lựa chọn: Không duy trì bể cá thì lãng phí đầu tư, còn nuôi tiếp thì cầm chắc thua lỗ nếu đầu ra không cải thiện. Do vậy, người nuôi đã chọn cách thay đổi cơ cấu giống để thích ứng với tình hình dịch bệnh. Theo đó, các cơ sở tăng lượng cá tầm, giảm cá hồi trong cơ cấu giống nuôi.

Trại cá hồi của ông Nguyễn Thái Bình tại thôn Nậm Cang 1 là cơ sở nuôi lớn nhất xã Liên Minh. Ông Bình cũng là một trong những người đầu tiên chuyển đổi cơ cấu từ tập trung nuôi cá hồi sang nuôi cá tầm. Ông Bình cho biết: Nuôi cá tầm thời điểm này rất thuận lợi bởi giá bán khá cao, trung bình 180.000 đồng/kg, tương đương giá cá hồi ở thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19. Hơn nữa, ưu điểm của nuôi cá tầm là có thể kéo dài thời gian nuôi, trọng lượng cá càng lớn thì càng được giá. Trong khi đó, cá hồi đến thời điểm có trứng bắt buộc phải xuất bán, nếu không chúng đẻ trứng xong sẽ chết.

Ông Phàn Phủ Seng, Chủ tịch UBND xã Liên Minh cho biết: Xã hiện có 11 cơ sở nuôi cá nước lạnh, hầu hết là các cơ sở nhỏ lẻ, cơ sở lớn nhất nuôi khoảng 10 nghìn con, còn lại chủ yếu nuôi khoảng 4.000 - 5.000 con. Trước đây, giá cá hồi dao động khoảng 180.000 - 200.000 đồng/kg nhưng từ khi có dịch Covid-19, giá cá hồi sụt giảm mạnh, chỉ còn 130.000 đồng/kg. Mặc dù giá xuống thấp nhưng giá thức ăn lại có chiều hướng tăng, vì vậy người nuôi cầm chắc thua lỗ.

Trước tình hình đó, các cơ sở nuôi trên địTaia bàn đã dần chuyển sang nuôi cá tầm. Trước đây, lượng cá tầm chỉ chiếm 10% trong các cơ sở nuôi thì nay chiếm đến 90%. Thời gian nuôi cá tầm dài hơn nên người dân không phải thấp thỏm tìm đầu ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vựa cá hồi Sa Pa từng kiếm tiền tỷ mỗi năm nay 'khóc ròng' tìm đầu ra

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO