Trong khi kinh tế toàn cầu gặp khó khăn thì kinh tế Việt Nam vẫn liên tục tăng trưởng. Trong khi toàn thế giới “vùng vẫy” trong đại dịch Covid-19 thì Việt Nam vẫn chứng tỏ sức mạnh trong việc phong tỏa, dập dịch cũng như ổn định đời sống xã hội, không hoảng hốt, càng không hoảng loạn. “Việt Nam vững vàng trước những cơn gió ngược”- truyền thông quốc tế nói về Việt Nam trong giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Kiểm soát lối vào xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc, ngày 13/2/2020.
1. Một bài viết của Hãng tin CNBC (Mỹ) có đoạn: “Việt Nam từng bị cô lập và từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng trong ba thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất với sự góp mặt của các tập đoàn quốc tế lớn như Intel, Samsung, Adidas và Nike... Khả năng tăng trưởng mạnh của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ rất đáng khâm phục”.
Tờ Bangkok Post của Thái Lan đăng bài viết trong đó nhận định Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhất khu vực Đông Nam Á và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới. Bài viết đưa ra đánh giá, Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực đưa đất nước trở thành điểm đến hấp dẫn đầu tư. Các công ty công nghệ như Nokia, Samsung và Olympus cũng như các nhà sản xuất giày như Nike và Adidas đã chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Trên trang của Brookings Institution- tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington, có bài viết nhận định, đến nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được thành công kinh tế lớn nhất trong thế kỷ XXI. Còn theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã viết nên một câu chuyện huyền thoại trong công cuộc giảm nghèo. Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số phát triển con người (HDI) cao nhất trên thế giới. Với HDI năm 2019 là 0,63, Việt Nam xếp thứ 118 trong tổng số 189 nước. Việt Nam cũng đang ở gần mức trần của nhóm các nước có HDI ở mức trung bình và chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào được nhóm các nước có HDI ở mức cao.
Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam- ông Eric Sidgwick- khẳng định mặc dù tăng trưởng xuất khẩu bị chững lại do xung đột thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc kéo theo sự sụt giảm của thương mại toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhờ nhu cầu nội địa tiếp tục tăng và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì. Theo Đài Sputnik, năm 2019 ghi nhận Việt Nam có tiếng nói ngày càng mạnh trên trường quốc tế. Đặc biệt, tăng trưởng ấn tượng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là chủ để được dư luận quan tâm nhiều nhất. Ông Vladimir Mazyrin- người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Học viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, nói với Đài Sputnik rằng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trên đà giảm tốc, Việt Nam vẫn là ngôi sao sáng nhất cho thấy sự tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định.
Phát biểu trên tờ The Business Times cuối năm 2019, chuyên gia Công ty Tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey & Company- ông Macro Breu- nhận định trong 5 đến 10 năm tới, Việt Nam sẽ ở vào “giai đoạn vàng”. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng từ 20% lên 50% dân số, và đây sẽ là thời điểm rất hấp dẫn để các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, các nhà bán lẻ và các ngân hàng đầu tư vào Việt Nam.
Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (2019), rất đông các học giả kinh tế hàng đầu thế giới, khu vực đã chia sẻ về kinh tế Việt Nam, đồng thời đưa ra bức tranh tổng quan mà kinh tế Việt Nam trong mắt của người nước ngoài. Cũng với những ghi nhận thì giới chuyên gia cũng đưa ra những nhận xét đáng chú ý.
Tiến sĩ David Dollar- Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings (Mỹ), người gắn bó với Việt Nam từ những năm đầu đổi mới (1986) cho rằng: “So với các quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam có chế độ pháp quyền tương đối tốt, thu hút đầu tư nước ngoài tăng cao, nhưng đầu tư của khu vực tư nhân vẫn thấp bởi chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đáng nói, hoạt động xuất khẩu trực tiếp của Việt Nam chủ yếu do các doanh nghiệp nước ngoài đảm nhiệm. TS Dollar lưu ý, Việt Nam cần tạo sân chơi công bằng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, mở cửa ngành tài chính như đã làm đối với ngành sản xuất chế tạo.
Tương tự, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam- ông Ousmane Dione- nói: Mặc dù có những thành tựu ấn tượng, song Việt Nam vẫn chưa thành công trong tạo ra thể chế thị trường có hiệu lực, hiệu quả. Điều này cản trở sự phát triển lành mạnh của khu vực tư nhân trong nước.
Đó cũng chính là những gì Việt Nam đã và đang nỗ lực giải quyết trong sự hài hòa để đạt được sự phát triển nhanh và bền vững.
Kiểm tra thân nhiệt tài xế Trung Quốc tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Ảnh chụp ngày 20/2/2020. Ảnh: Reuters.
2. Suốt hơn 3 tháng qua, virus SARS-CoV-2 “tung hoành” trên phạm vi toàn thế giới. Ngay cả những quốc gia giàu có, hệ thống y tế cũng như trình độ y học thuộc loại hàng đầu cũng lâm vào khủng hoảng, với số người bị lây nhiễm cực kỳ lớn, số người chết do Covid-19 cũng ở mức không ngờ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố đại dịch toàn cầu. Châu Âu trở thành tâm dịch sau Trung Quốc. Tại nước Mỹ- nền kinh tế hàng đầu - một số bang đã phải công bố “thảm họa”.
Trong tình thế cấp bách đó, Việt Nam cũng phải gồng mình trong dịch, căng mình chống dịch. Phía trước vẫn là chặng đường vô cùng gian nan, nhưng những gì Việt Nam đã làm được trong 3 tháng qua, được thế giới ghi nhận.
Trang Scoopwhoop.com của Ấn Độ ngày 17/3 đăng bài bình luận, nhận định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 tại Đông Nam Á, bên cạnh Singapore.
Theo bài viết, Việt Nam là quốc gia đã thể hiện năng lực ứng phó và kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả và là một trong những quốc gia được đánh giá cao nhất trong chiến dịch phòng ngừa và dập dịch Covid-19. Bài báo nêu một số biện pháp Việt Nam áp dụng để ngăn chặn virus lây lan. Biện pháp đầu tiên là việc ra mắt 2 ứng dụng khai báo sức khỏe cho người dân, một cho công dân Việt Nam và một cho người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam. Mọi người được yêu cầu liên tục cập nhật tình trạng sức khỏe của bản thân để Chính phủ có cơ sở dữ liệu ổn định. “Bí quyết” thứ hai là Việt Nam đã sản xuất bộ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 đạt chuẩn WHO nhằm phục vụ công tác sàng lọc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm. Biện pháp quan trọng thứ ba là lắp đặt “buồng” khử trùng di động phục vụ cho mọi đối tượng người dân. Buồng có hệ thống máy phun chất khử trùng dạng sương mù 360 độ, được cho là có thể loại bỏ 90% vi khuẩn và virus trên cơ thể.
Còn theo The Diplomat, trong cuộc chiến chống dịch, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, đặt sinh mạng, sức khỏe và cuộc sống của người dân lên hàng đầu. Trên tinh thần đó, Chính phủ Việt Nam đã công khai, minh bạch thông tin về dịch bệnh, từ đó có được niềm tin của người dân. “Những biện pháp này đã được chứng minh hiệu quả và cho thấy kết quả tích cực ở Việt Nam”.
Ngày 28/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam- Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (Covid-19) đã có buổi làm việc với đại diện WHO và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ tại Việt Nam (CDC) về công tác phòng, chống dịch. Tại buổi làm việc, Đại diện WHO và CDC tại Việt Nam đánh giá cao Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 với quyết tâm cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp hiệu quả, công khai, minh bạch. Đại diện WHO bày tỏ, cộng đồng quốc tế mong Việt Nam chia sẻ các bài học kinh nghiệm về tổ chức cách ly, ngăn ngừa, điều trị dịch bệnh. WHO ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc chuẩn bị công tác phòng, chống dịch; đưa ra các kịch bản ứng phó với mọi tình huống.
Ngày 20/3, trong cuộc điện đàm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Mỹ Steven Beigun đánh giá cao các biện pháp chống dịch Covid-19 mạnh mẽ, chủ động của Việt Nam trong thời gian qua; nhấn mạnh Việt Nam là một trong số những nước ứng phó với dịch bệnh có hiệu quả.
Công tác chống dịch Covid-19 từ những ngày đầu của Việt Nam nhận được nhiều lời khen. Ảnh: Getty Images.
Tại Đức, giới truyền thông nước này cũng đánh giá cao việc chống dịch của Việt Nam, với từ “quyết liệt” được nhắc lại nhiều lần. Trên tờ nhật báo Thế giới trẻ (Junge Welt), tác giả Stefan Kuhner cho biết, là quốc gia láng giềng với Trung Quốc, ngay khi quy mô dịch Covid-19 ở nước này được biết đến, Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng và quyết liệt trong việc kiểm soát và khống chế sự lây lan của dịch. Theo tác giả bài báo, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tốt trong khâu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi Học viện Quân y phối hợp với Công ty Việt Á phát triển thành công bộ kit xét nghiệm virus. Bộ công cụ này đã được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác nhận sau khi cho các kết quả xét nghiệm đáng tin cậy chỉ trong chưa đầy hai giờ đồng hồ. Cho đến nay, sản phẩm này đã được hơn 20 nước trên thế giới, trong đó có Italy, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, đề nghị đặt hàng.
Trong một bài viết mới đây, tờ Asia Times có trụ sở tại Hồng Kông (Trung Quốc) đánh giá cao sự phản ứng nhanh chóng và quyết liệt của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Bài viết dẫn lại phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là pháo đài phòng, chống dịch”. Asia Times cũng dẫn lời GS C.Thayer tại Đại học New South Wales (Australia), trong đó có nhận xét: “Quân đội Việt Nam- vốn được người dân tôn trọng và tin tưởng, cũng đã được huy động tham gia hỗ trợ”.
Phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Washington (Mỹ), bà Deborah Elms- nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu Asian Trade Centre có trụ sở ở Singapore, nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia Đông Nam Á đã thực hiện rất tốt trong việc tăng cường nội lực để có thể ứng phó với những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, tiếp tục thu hút đầu tư nhiều hơn từ bên ngoài. Về việc chống dịch Covid-19, ngày 24/3, tờ Financial Times có bài viết phân tích một số khía cạnh tích cực trong công tác chống dịch Covid-19 của Việt Nam, đặc biệt là việc chú trọng cách ly và rà soát đối tượng tiếp xúc. Bài báo viết: “Thay vì bắt tay vào xét nghiệm diện rộng, vốn là cách mà quốc gia giàu có hơn là Hàn Quốc đối phó với Covid-19, Việt Nam chú trọng cách ly những người nhiễm bệnh và tìm kiếm các đối tượng đã tiếp xúc với bệnh nhân”.