Mùa hạ, nắng đổ lửa, ngóng một cơn mưa giông còn mỏi mắt. Giời đất cứ khô cong, đến cơn gió cũng phả hơi nóng hầm hập. Những tòa nhà cao tầng phát ra tiếng kêu chứ không ngoa, tiếng kêu từ những cục nóng đều hòa lộ thiên ở ban công. Mãi sau này, khi thiết kế nhà hiện đại kiến trúc sư đã giấu chúng đi cả. Những tòa nhà diện mạo mới không phát ra tiếng kêu vì đã có điều hòa tổng nhưng vẫn lóa mắt bởi sự… “kiêu hãnh” của kính cách nhiệt dưới ánh nắng mặt trời.
Cả một mùa hè, người khát, cây khát. Người trốn nắng ở những căn phòng mát lạnh, cây chẳng trốn được đi đâu nhiều ngày lá héo. Người bán hoa rong xịt nước liên tục vào những bó hoa trên sảo hoa, miệng không hết lời ta thán nắng nóng, ế hàng. Những bông hoa hồng cằn cỗi, bé xíu, cánh bạc thếch rất đặc trưng cho mùa.
Cuối giờ sáng chợ đã vãn người. Cả phố ngập tràn nắng lửa nên nhớ, nhớ đến khu vườn xanh mát rượi, ngay cả những hôm nắng thế này, thậm chí nóng hơn nữa vẫn mát. Đó là những khu vườn ươm của hợp tác xã xưa.
Xưa, từ hồi hợp tác xã nông nghiệp cho đến khi khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động gần như xã nào cũng có một khu vườn ươm, có thể do quỹ đất hay cách phân bổ có xã lại có đến hai thậm chí ba vườn ươm. Đây chính là khu đất rộng, được trồng và ươm các loại giống cây quý phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, đáp ứng yêu cầu cây giống tại chỗ của người trong xã, trong vùng.
Vườn ươm là của xã, nhưng có quan hệ mật thiết với trạm bảo vệ thực vật của huyện, luôn là địa chỉ tin cậy của người dân địa phương trong việc lựa chọn giống cây trồng cho đất đai trồng trọt của gia đình. Cho dù ngay từ xưa nhiều người, nhiều gia đình có nghề ươm cây, là địa chỉ để người xa gần tìm đến mua giống hoặc đi bán cây giống trong các phiên chợ trong vùng thì khu vườn ươm này vẫn rất nổi tiếng với không chỉ người lớn mà trẻ con các thế hệ lớn lên đều biết vườn ươm của xã mình. Đứa ham chơi hay lớn hơn còn biết đến các vườn ươm các xã khác trong huyện.
Vườn ươm không chỉ là nơi ươm và cung cấp cây giống mà còn là nơi được trồng các loại cây ăn quả như táo, ổi, đu đủ và các loại hoa... Nói chung mùa nào thức nấy nên thực sự hấp dẫn bọn trẻ con trong xã, những đứa nào nhà gần khu vườn ươm còn tỏ ra hãnh diện nữa là khác. Và khu vườn ươm này thường được giao cho các cụ cao niên yêu cây cối, có kinh nghiệm và nhiệt tình với công việc chung của làng xã chăm sóc, nên thường được gọi là “Vườn ươm các cụ”. Làng xã nào cũng gọi thế thành quen, nhưng nhiều người lớn cứ chẻ hoe chữ bảo rằng “Ai lại vườn ươm các cụ”. Mà nói đùa để cười với nhau thôi, chứ vườn ươm các cụ là cả một trời kỷ niệm với bọn trẻ con một thời.
Vườn ươm các cụ hấp dẫn và bí hiểm ngay từ hàng rào. Các cụ vốn cẩn thận, dù 1 cổng 2 cổng thì bao quanh khu vườn ươm bao giờ cũng là những giao thông hào chứa nước. Một phần là để lấy nước tưới cây, một phần để ngăn chặn sự “đột nhập” của các ông lỏi con. Qua hào nước lại là những rặng cây tốt um nào là dứa dại, mây hay găng hoa tím… những cây này xanh tốt quanh năm, ken dày nên kéo theo các loại cây dây leo chằng chịt rồi những cây dại không trồng mọc xen tạo thành bức rào xanh chắc chắn. Những cây dại luôn nở hoa theo mùa, khi thì hoa rau muống tím, lúc lại hoa chẫu chàng vàng, có khi lại thơm lừng hoa dẻ…
Bọn trẻ con cứ đứng ngoài mà ngắm, mà ngóng thôi, chứ để được vào vườn thì không phải dễ. Vườn có chủ, lại là những ông chủ cẩn trọng, kỹ tính, xây nhà, lập chòi phân nhau trông coi quanh năm, suốt tháng nên muốn vào là phải xin, chứ không thì… Được vào vườn ươm đúng là nhớ đời. Đấy là thế giới như mơ.
Nhất là dịp cuối năm, chuẩn bị Tết, khu trồng táo dây giống mới, quả dài, to, sai trĩu, những quả lứa đầu trên cành cao chín trắng, nhìn đã thèm. Những cây quýt quả chín đỏ, quất cũng đã chín vàng. Hoa thược dược, hoa violet, hoa bướm các màu cũng đã nở. Những luống hoa huệ thường được chăm sóc kỹ lưỡng hơn vì các cụ bảo loài hoa này khó tính - hoa mà các cụ ví như tính người. Mùa gần tết này là mùa thu hoạch chính trong năm, các cụ làm không xuể thường phải nhờ hội phụ nữ cử các chị các cô ra giúp.
Hoa trái thu hoạch được bán ngay cổng vườn ươm. Những hoa trái này không chỉ tươi ngon mà lại còn rẻ, đã thế các bà các chị mau mồm lại nhờ những người mua báo mọi người xa gần ra cùng mua cho các cụ đắt hàng, chẳng mấy khi mua được hoa trái của làng xã mình, nên khu cổng vườn ươm luôn rộn ràng đến tối.
Xưa hoa tươi hiếm, chỉ có ngày sóc vọng, lễ tết mới có người bán, nhà có giỗ hay sửa lễ thường phải về vườn ươm mua. Chẳng ai bằng các cụ tỉ mẩn, khu trồng hoa không chỉ hoa theo mùa mà những loài hoa dễ trồng, mùa hoa dài, hoa nở bền cũng được ưu tiên để những ngày thường còn có hoa tươi phục vụ bà con. Ai mua nhiều thì các cụ lấy chút tiền thuốc nước chứ cần 1, 2 đĩa hoa nhỏ thường các cụ mở cửa cho vào hái. Dăm bông cúc vạn thọ, vài bông hoa hồng, bông đơn đỏ, bông cúc áo hay bông gang tím gói trong cái lá mùng, lá khoai là được đĩa hoa cúng.
Những dịp này trẻ con thường theo mẹ vào đây, được vào vườn ươm, nhìn thấy vài chục gốc táo đã cưa, đang bôi vôi mà thấy lạ lùng. Vừa mới hôm nào táo sai trĩu cành giờ đã quang quẻ cả vườn. Những cây cam giấy được chiết ghép đeo những bọc giấy tròn tròn ở cành thấp. Đúng là vườn ươm, cây gì cũng có, cả mấy luống rau thơm, trái vụ mà cũng có rau mùi, mùi tàu lên hoa cao vống, lại còn hoa thì là nữa chứ. Trẻ con nhìn đâu cũng thấy lạ, thấy hay. Ngắm từ quả đu đủ chín cây đến những trái bưởi non, cứ ao ước bao giờ trung thu để về đây mua bưởi cành về bày cỗ.
Đúng là trẻ con chỉ nhìn thấy những cây ăn quả là mê, chẳng đứa nào để ý đến cả một khu các cụ ươm cây xoan, cây vối, cây xoài, cây muỗm, cho đến những cây mộc, cây xói… Chỉ đến khi bố mẹ bảo sau giêng sẽ ra vườn ươm nói với các cụ để lại cho mươi cây xoan giống trồng ở bờ ao thì mới ngớ ra. Anh đi vác xoan, em cũng đi theo ra vườn ươm ngó nghiêng xem còn táo dọn vườn hay quả gì không.
Y như rằng được khúc dây sắn dây để nhá. Anh đã khôn hơn sau khi mua xoan giống xin các cụ khoanh dây sắn có mắt về trồng hốc sắn nơi bờ ao, còn em thì đứng vắt tay, bác gái biết ý cạo và cắt cho một khúc để nhá. Em sướng lớn người, vì món này 1 năm chỉ được ăn mỗi vào dịp sau tết này. Lạ thật có cái dây sắn, ngai ngái, nồng nồng, chát chát, ngọt ngọt mà ăn thấy ngon thế. Ngon đến nhớ đời.
Có những mùa quả mây chín, trẻ con đứng nhìn mà thèm, chẳng đứa nào dại gì mà phi thân qua mương nước, chúng thập thò ngoài cổng vườn ươm rồi chỉ đợi có việc gì ông cụ đi ra cổng để xin vào bứt quả. Ông cụ nhìn bọn trẻ vừa thương vì tính háu ăn, vừa sợ không quản được thì chúng phá vườn. Nhưng chúng đã xin mà không cho vào hái thì cũng không được. Mở cửa cho chúng vào thì cũng phải đi theo, ngộ nhỡ mây gai sắc, lại có rắn thì sao.
Thế rồi cũng phải mang dao, mang kéo ra giúp chúng. Được chùm mây xong, chúng đâu có về, đứa thì vặt cái búp chuối non nhá, đứa thì cấu cái búp ổi. Đứa lại xin ông quả ớt chỉ thiên về làm giống, một đứa bứt thì cả mấy thằng cũng bứt cho vào túi. Chẳng biết chúng có về làm giống hay ăn không hay là lại ra đến cửa thì vứt đi… Trẻ con bao giờ cũng thế.
Gặp ông cụ dễ tính thì thế, gặp ông cụ khó tính thì bọn trẻ bị đuổi ngay, vì ông cũng đã có lần thương một bọn, nhưng chúng có thương ông đâu. Tranh nhau hoa dẻ, phá nát cả luống rau muống cạn đang độ hái. Rồi trèo lên cây đu đủ, cây đổ ngã cả người, may mà không sao chứ không mang tiếng cả ông…
Nhớ vườn ươm, mùa hè tiếng ve ran từ nơi ấy lan sang những cổ thụ bên trường huyện. Chúng tôi quốc bộ đi học về trên con đường đầy rơm. Bọn con gái đội nón đi nép vào bên đường tránh xe lúa chở nặng. Đám con trai tinh quái cầm nắm rơm vừa lấy ở lượm rơm ném vào nan hoa xe đạp của bạn gái. Trò đùa tai quái tuy không bị ngã nhưng rất mất thời gian gỡ…
Sau mùa thi, chúng tôi hẹn đến nhà nhau chơi. Những con đường liên thôn, liên xã, vắt qua cánh đồng dẫn chúng tôi đến những làng xã khác, nhìn thấy lùm xanh bao bọc, nhìn thấy cái cổng, nhìn thấy mấy cụ đạp xe thong thả đi ra là biết ngay “vườn ươm các cụ” xã ấy…
Giờ đô thị hóa, đất quý, những khu đất phần trăm, những khu giãn dân đều kín nhà, cả khu quy hoạch phân lô nữa chứ, vườn ươm xưa cũng chẳng mấy nơi còn. Có chăng nó chỉ còn trong kí ức với những quả mây chát xít, quả xâu vòng chín đỏ, những lọ hoa thược dược, violet, những bông đồng tiền đơn hay kép của mùa xuân năm nào…