Xã hội hóa xử lý nước thải

Hà An 10/11/2023 09:28

Theo quy định, toàn bộ nguồn nước thải từ hệ thống thoát nước của các khu đô thị, nhà chung cư trước khi xả, đấu nối vào nguồn tiếp nhận phải bảo đảm các quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành. Nhưng trên thực tế quy định này chưa được thực hiện nghiêm.

Sông Nhuệ đoạn chảy qua địa bàn Nam Từ Liêm màu nước đen kịt, bốc mùi hôi thối.

Xả nước thải đô thị vượt tiêu chuẩn

Mới đây, Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) bắt quả tang 4 cơ sở có hành vi vi phạm nghiêm trọng xả thải ra môi trường. Trong số này có 3 cơ sở mà mức xử phạt hành chính được Công an quận Hà Đông đề xuất lên thành phố áp dụng mức phạt tiền lên tới gần 800 triệu đồng. Còn trong 10 tháng đầu năm 2023, Công an quận Hà Đông phối hợp với các ban ngành chức năng kiểm tra, xử lý hành chính 245 vụ, 236 cá nhân và 9 tổ chức, thu nộp ngân sách trên 1,5 tỷ đồng với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Đoàn kiểm tra liên ngành của quận xác định các cơ sở này có hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường; Vi phạm quy định về bảo vệ môi trường và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng tới sức khỏe của quần chúng nhân dân. Quận Hà Đông nằm giữa sông Nhuệ và sông Đáy, với khoảng 1.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Bên cạnh đó còn có khoảng 5.000 hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ nằm ở 17 phường. Chưa hết, quận Hà Đông có 2 cụm công nghiệp, 3 làng nghề sản xuất kinh doanh, hơn 100 tòa nhà chung cư thuộc lĩnh vực đô thị đang khai thác và triển khai dự án thi công xây dựng. Hiện trên địa bàn, tình trạng ô nhiễm nguồn nước do một số cơ sở sản xuất lớn xả nước thải vượt tiêu chuẩn kỹ thuật ra môi trường còn diễn ra phức tạp.

Không chỉ có sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch chảy qua địa bàn nhiều quận, huyện của Hà Nội, như quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Đống Đa, Hoàng Mai và huyện Thanh Trì, cũng ở tình trạng ô nhiễm trầm trọng từ nhiều năm qua. Với chiều dài gần 14km, sông Tô Lịch được gọi là dòng sông chết, bốc mùi hôi thối, ít loài thủy sinh, tôm cá nào có thể sống nổi. Nguyên nhân nguồn nước sông ô nhiễm nặng được bắt nguồn từ hệ thống nước thải vượt tiêu chuẩn kỹ thuật nhiều lần, không qua xử lý mà đổ thẳng ra cống, trước khi dẫn tới sông. Toàn tuyến có trên 280 cửa nước xả thải ra sông khiến dòng sông Tô Lịch ngày một ô nhiễm trầm trọng.

Ông Đặng Thìn Chín - Phó Chủ tịch UBND phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho hay, không chỉ có nước thải, mà nhiều loại rác thải khác cũng bị người dân vô tư xả xuống sông Tô Lịch. Đời sống sinh hoạt cũng như việc kinh doanh buôn bán của nhiều người dân trên địa bàn có sông Tô Lịch chảy qua bị ảnh hưởng không nhỏ.

Còn sông Lừ dài khoảng 10km chảy qua 3 quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai cũng chịu cảnh ô nhiễm bủa vây. Thậm chí, nước con sông này còn có màu đen sẫm, đặc quánh và bốc mùi hôi thối hơn cả sông Tô Lịch.

Ngoài sông Tô Lịch, sông Lừ, khu vực nội đô Hà Nội còn có sông Kim Ngưu dài 7,7km tiếp nhận khoảng 25.000m3 nước thải mỗi ngày, sông Sét dài khoảng 3,6 km cũng đang trong tình trạng ô nhiễm nặng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân.

Xã hội hóa, thu hút tư nhân đầu tư

Trước tình trạng nước thải sinh hoạt tại các đô thị chưa qua xử lý vẫn ngang nhiên xả ra môi trường, làm giảm chất lượng cuộc sống, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe con người, nhiều chuyên gia môi trường đưa ra giải pháp. Đó là cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hóa, tính phí đối tượng người gây ô nhiễm. Nói cách khác, người dân gây ô nhiễm nguồn nước thải sinh hoạt đô thị phải trả tiền (người dân sử dụng nước sinh hoạt và sau đó xả nước thải ra hệ thống thu gom thì phải tính phí, nộp tiền xử lý nước thải).

Theo ông Nguyễn Quang Huân - Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, có một thực tế nước thải ở khu vực Thủ đô Hà Nội mới chỉ xử lý được khoảng 27%. Khối lượng nước thải còn lại được xả thẳng ra môi trường. Thực trạng trên cho thấy năng lực xử lý nước thải ở các đô thị lớn rất thấp. Trong khi việc quy hoạch, công nghệ, chính sách, chế tài, cơ chế, năng lực nguồn vốn, nhân lực đang có vấn đề. Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định rõ các chỉ tiêu không được xả thải ra môi trường. Tuy nhiên, việc tập trung chuyển đổi cơ cấu thay đổi chậm hơn so với thực tế. Vấn đề môi trường vẫn theo xu hướng hoạt động công ích, bao cấp. Nguồn lực chủ yếu dựa vào nguồn vốn ODA để xây dựng nhà máy xử lý nước thải trong khi xử lý nước thải triệt để không chỉ là nhà máy mà còn là vấn đề thu gom, công nghệ.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Đồng - Phó Chủ tịch Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, để đảm bảo được hạ tầng xử lý nước thải thì Việt Nam cần đầu tư tối thiểu khoảng 20 tỷ USD. Đây là lượng kinh phí lớn. Từ đó, ông Đồng nêu quan điểm, cần thay đổi chính sách theo hướng xã hội hóa, trên nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, làm sao để công tác này phải có nguồn thu.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên chuyển đổi không sử dụng nguồn vốn theo hướng hoạt động công ích, mà cần kêu gọi tư nhân đầu tư, cổ phần hóa công ty cấp nước, xử lý nước thải chuyển đổi, thu tiền tính phí từ người dân người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã hội hóa xử lý nước thải

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO