Tất cả các xã được công nhận nông thôn mới và phường, thị trấn được công nhận đô thị văn minh phải đạt tiêu chí an toàn thực phẩm.
Ngoài mục tiêu trên, TP Hà Nội đặt ra trong dự thảo kế hoạch liên tịch - tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 những chỉ tiêu như: Vận động ít nhất 50% số hộ sản xuất nông nghiệp, chế biến, kinh doanh thực phẩm đăng ký, cam kết sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn. Đến năm 2017, 100% số khu dân cư, xã, phường, thị trấn tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động và kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chiều 26/5, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo kế hoạch liên tịch tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020.
Mục đích của kế hoạch liên tịch nhằm tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa: Nhân dân Thủ đô là người sản xuất thực phẩm an toàn, người dân Thủ đô tiêu dùng thực phẩm an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nâng cao uy tín trong quá trình hội nhập quốc tế.
Việc tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 cũng hướng tới việc tạo dư luận xã hội mạnh mẽ biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, kiên quyết phê phán và xử lý theo quy định của pháp luật những hành vi sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Đình Đức, việc tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung vào 5 nội dung giải pháp trong đó tập trung vào việc xây dựng và nhân rộng các mô hình hộ nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
Theo đó các Sở, ngành, thành viên Ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố như Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương cung cấp tài liệu và hỗ trợ kỹ thuật để UBND các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn xây dựng và phát triển các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh thực phẩm an toàn. Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội vận động các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
Việc tổ chức giám sát chấp hành pháp luật an toàn thực phẩm cũng được Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội các cấp chủ trì thực hiện qua việc phối hợp với các Sở, ngành có liên quan ở cấp huyện xã về an toàn thực phẩm với ưu tiên ở các địa bàn trọng điểm về sản xuất kinh doanh thực phẩm, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm quy mô lớn trên địa bàn.
Một trong những giải pháp được đưa ra đó là phát huy vai trò giám sát của khu dân cư. Tại các khu dân cư, Trưởng ban CTMT chủ trì phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, các chi hội chi đoàn của tổ chức chính trị xã hội tổ chức tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị, phát giác của nhân dân đối với các hành vi vi phạm an toàn thực phẩm của các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các doanh nghiệp, HTX sản xuất nông nghiệp và chế biến, kinh doanh thực phẩm ở cộng đồng dân cư để chuyển đến UBND và UBMTTQ cấp xã và LMHTX.
Tại Hội nghị các ý kiến của đại diện các Sở, ban ngành, các tổ chức chính trị xã hội đều cho rằng cần nâng có những giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng cá nhân, hộ gia đình. Cùng với đó cần xây dựng và nhân rộng những mô hình hộ nông dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh để biểu dương và tạo sự lan tỏa trong xã hội.
Đối với việc giám sát chấp hành pháp luật các ý kiến cho rằng bên cạnh việc giám sát của UBMTTQ và các sở ngành các tổ chức đoàn thể cần đề cao trách nhiệm của UBND các xã, phường vì chỉ có cơ sở mới có thể giám sát tốt nhất việc sản xuất thực phẩm an toàn
Theo kế hoạch liên tịch tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong 2 năm 2016-2017, Thành phố chọn huyện Thanh Trì và quận Nam Từ Liêm để làm điểm. Mỗi quận, huyện, thị xã trên địa bàn sẽ chọn từ 2 đến 3 xã, phường, thị trấn để chỉ đạo điểm từng bước rút kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn.
Hàng năm, UBND các cấp ngành y tế chủ trì phối hợp tổ chức tháng hàng động “An toàn thực phẩm từ ngày 15/4 đến ngày 15/5 hàng năm để biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các điển hình trong sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn.
Theo ông Nguyễn Đình Đức trên cơ sở tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, Ban soạn thảo sẽ làm hoàn thiện kế hoạch liên tịch tuyên truyền vận động và giám sát thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2020 qua đó huy động hệ thống chính trị, cộng đồng tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm