Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 147/2024 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, có hiệu lực từ ngày 25/12/2024. Theo đó, chủ các tài khoản mạng xã hội sẽ buộc phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại chính chủ.
Cụ thể, Nghị định quy định các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì sẽ xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Quy định yêu cầu xác thực tài khoản mạng xã hội bằng số điện thoại chính chủ là một bước đi quyết liệt trong việc bảo vệ an ninh mạng, ngăn chặn các hành vi xấu và tăng tính trách nhiệm cho người dùng. Đây là một động thái có thể hiểu được trong bối cảnh thông tin sai lệch và các tài khoản ảo đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng trên không gian mạng.
Khi mỗi người dùng phải xác thực danh tính của mình bằng số điện thoại chính chủ, không chỉ giảm bớt các nội dung tiêu cực, mà còn khuyến khích người dùng chia sẻ thông tin một cách có ý thức và có trách nhiệm hơn.
Trong thực tế hiện nay tài khoản ảo thường là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề trên mạng xã hội như phát tán thông tin sai lệch, lừa đảo trực tuyến, quấy rối hoặc các hoạt động vi phạm pháp luật khác. Với quy định mới, các tài khoản này sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc ẩn danh để thực hiện các hành vi lạm dụng.
Các nền tảng mạng xã hội có thể thực hiện việc chặn quyền đăng bài và bình luận cho những tài khoản chưa xác thực số điện thoại chính chủ một cách tương đối dễ dàng về mặt kỹ thuật. Họ có đủ thuật toán để yêu cầu người dùng xác thực trước khi thực hiện các hành động như đăng bài, bình luận, hoặc tương tác công khai trên nền tảng.
Tuy nhiên, việc yêu cầu các nhà mạng phải xác thực số điện thoại chính chủ để kiểm soát người dùng mạng xã hội vẫn đặt ra một thách thức đáng kể. Một trong những thách thức lớn nhất là việc hợp tác của các mạng xã hội nước ngoài, đặc biệt là những nền tảng phổ biến như Facebook, Instagram, hoặc Twitter.
Việc đảm bảo mọi tài khoản mạng xã hội chỉ có thể đăng bài hoặc comment sau khi đã được xác thực số điện thoại đòi hỏi các nền tảng mạng xã hội phải tích hợp với hệ thống của các nhà mạng cung cấp dịch vụ thuê bao.
Sự thành công của quy định này phụ thuộc vào sự hợp tác giữa nhà mạng, các nền tảng mạng xã hội và cơ quan quản lý, cùng với việc xây dựng hệ thống bảo mật và chính sách bảo vệ quyền riêng tư rõ ràng.
Trong bối cảnh kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, các quy định quản lý về thông tin trên mạng đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong việc bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Nghị định là bước đi cần thiết và hợp lý nhằm bảo vệ thông tin cá nhân, đảm bảo an ninh quốc gia và tạo ra môi trường trực tuyến lành mạnh.
Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần an ninh mạng Cystack, "Khi lưu trữ tất cả tài khoản người dùng ở một nơi, có thể trở thành mục tiêu cho tin tặc tấn công, dẫn đến nguy cơ rò rỉ những dữ liệu quan trọng của người dùng",
Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cho rằng, không phải mạng xã hội nào cũng có đủ nhân lực và kỹ thuật để bảo vệ thông tin cá nhân cho người dùng. Hiện tại, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã có trong Nghị định số 13, theo đó các doanh nghiệp có trách nhiệm lưu trữ và bảo mật thông tin của người dùng. Ví dụ, nếu một mạng xã hội thu thập số điện thoại, email hay các thông tin cá nhân khác của người sử dụng, họ có nghĩa vụ bảo mật những thông tin đó.
"Về mặt năng lực kỹ thuật, liệu các mạng xã hội này có đủ khả năng ngăn ngừa nguy cơ tấn công từ tin tặc? Liệu có nguy cơ họ bí mật bán thông tin người dùng cho bên thứ ba hay không? Dù pháp luật đã có quy định xử phạt và ngăn chặn những hành vi này, nhưng việc điều tra và xử lý không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nếu dữ liệu của người dùng bị lộ, họ có thể kiện hay yêu cầu bồi thường ra sao? Đây vẫn là một thách thức lớn", ông Nguyễn Quang Đồng bày tỏ.
Ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh, các cơ quan thực thi pháp luật, cụ thể là Bộ Công an và Bộ Thông tin Truyền thông cần tích cực tuyên truyền và hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đồng thời tiến hành điều tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, thậm chí đưa ra tòa và áp dụng hình phạt hình sự khi cần thiết. Điều này sẽ gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng nhà nước rất nghiêm túc trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng. Bất kỳ doanh nghiệp nào vi phạm sẽ bị điều tra và xử lý, nhằm đảm bảo an toàn thông tin cho tất cả người dùng.
Về mặt kỹ thuật, yêu cầu của Nghị định 147 về việc xác thực số điện thoại chính chủ, theo các chuyên gia công nghệ thông tin, có thể giúp giảm bớt lượng tài khoản mạng xã hội ảo, nhưng khó có khả năng xóa bỏ hoàn toàn các tài khoản này.
Nghị định 147/2024/NĐ-CP qui định:
Trong vòng 90 ngày kể từ ngày 25/12/2024, các mạng xã hội xuyên biên giới và mạng xã hội trong nước phải xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam. Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam thì sẽ xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại thì phải xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân.
Bảo đảm chỉ những tài khoản đã xác thực mới được đăng tải thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội thì cha mẹ hoặc người giám hộ đăng ký bằng thông tin của mình và phải giám sát, quản lý nội dung mà trẻ em đăng tải, chia sẻ trên mạng xã hội.
Khi yêu cầu mỗi tài khoản phải có số điện thoại chính chủ, người dùng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tạo các tài khoản giả mạo. Để đăng ký tài khoản mới, người dùng cần có số điện thoại thực, điều này làm giảm khả năng tạo tài khoản ảo một cách dễ dàng và ồ ạt như thời gian vừa qua.
Việc xác thực số điện thoại cũng giúp các nền tảng mạng xã hội truy vết nhanh chóng những tài khoản có hành vi vi phạm hoặc phát tán thông tin sai lệch. Nếu một tài khoản bị phát hiện vi phạm, các cơ quan chức năng có thể dựa vào thông tin số điện thoại để tìm ra danh tính người dùng, từ đó răn đe và giảm thiểu các hành vi xấu.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù yêu cầu số điện thoại chính chủ, việc sở hữu một số điện thoại mới hoặc đăng ký dưới danh nghĩa người khác không phải là điều khó khăn đối với nhiều người. Nhiều dịch vụ cung cấp sim giá rẻ, hoặc người dùng có thể sử dụng các dịch vụ sim ảo quốc tế để tạo tài khoản, làm cho quy định này dễ bị lách.
Một số dịch vụ và công nghệ cung cấp số điện thoại tạm thời hoặc các số ảo có thể dùng để xác thực một lần, sau đó người dùng có thể bỏ số này. Các tài khoản mạng xã hội có thể dễ dàng sử dụng các số ảo này để qua mặt quy định, nhất là trong trường hợp các nền tảng không có cơ chế kiểm tra sâu hơn về nguồn gốc của số điện thoại.
Quy định mới cũng có thể ra đời dịch vụ chuyên cung cấp số điện thoại để xác thực tài khoản ảo. Một số cá nhân có thể đăng ký nhiều sim chính chủ và bán lại quyền sử dụng cho người khác để tạo tài khoản ảo, biến việc xác thực trở thành một hình thức kinh doanh không chính thức và khó kiểm soát.
Như vậy, yêu cầu xác thực số điện thoại chính chủ chắc chắn sẽ giúp giảm bớt số lượng tài khoản ảo và làm cho việc tạo tài khoản giả trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, quy định này không thể xóa bỏ hoàn toàn tài khoản ảo do các giới hạn về cách thực thi, cũng như khả năng lách luật của những người có ý định xấu. Nghị định là một bước đi quan trọng và cần thiết, nhưng để đạt hiệu quả tối đa, có lẽ cần kết hợp với các biện pháp kỹ thuật khác, như trí tuệ nhân tạo để nhận diện tài khoản bất thường, và các chính sách bảo vệ dữ liệu người dùng chặt chẽ hơn.
Quy định này không loại bỏ triệt để tài khoản ảo nhưng sẽ khiến các tài khoản ảo gặp khó khăn hơn nhiều để hoạt động vào các mục đích xấu, tạo ra một môi trường mạng xã hội lành mạnh và đáng tin cậy hơn.
Phần lớn đối tượng xấu, lợi dụng việc ẩn danh trên các trang mạng xã hội để thực hiện hành vi phạm tội, họ không sợ hậu quả, không sợ trách nhiệm và thực tế nhiều tài khoản ảo được tạo ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện định danh đối với các tài khoản mạng xã hội của người dùng trong nước thôi là chưa đủ để quản lý một cách chặt chẽ. Hiện nhiều nền tảng cũng đang thực hiện việc xác minh thông tin người dùng thông qua tài khoản của một dịch vụ khác, nhưng chỉ cần một trong chuỗi các nền tảng liên quan không tuân thủ yêu cầu tính định danh sẽ bị phá vỡ.
"Đối với những trường hợp tài khoản mạng xã hội được tạo lập ở nước ngoài, Nghị định mới không thể điều chỉnh hành vi của người dùng ngoài lãnh thổ Việt Nam. Do đó, cần có thêm cơ chế hợp tác quốc tế giữa các Chính phủ. Ví dụ, trong trường hợp điều tra tội phạm, Chính phủ Việt Nam có thể phối hợp với các quốc gia khác để thống nhất biện pháp xử lý. Đồng thời, cần có sự hợp tác giữa Chính phủ và các nhà mạng xã hội để triển khai các biện pháp kỹ thuật trong phạm vi pháp luật cho phép nhằm xử lý vi phạm", ông Nguyễn Quang Đồng đề xuất.
Ông Nguyễn Quang Đồng khẳng định, Nghị định là một bước tiến cần thiết, nhưng không phải là giải pháp duy nhất để xử lý mọi vấn đề trên mạng xã hội. Để đạt hiệu quả, cần áp dụng nhiều công cụ và phương thức khác nhau, từ các biện pháp kỹ thuật đến hợp tác quốc tế và giải pháp hành chính. Chỉ khi có sự đồng bộ của các biện pháp này, mới có thể xây dựng được một môi trường mạng an toàn và lành mạnh.
Ông Phạm Tấn Anh Vũ – Chuyên gia về giải pháp trí tuệ nhân tạo (Công ty VAIS): Các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cần tuân thủ quy định của Việt Nam
Từ trước tới giờ có một tình trạng là mọi người đăng thông tin trên mạng xã hội thậm chí livestream nhưng không xác thực được người đó là ai và nếu có tên thì cũng không biết có chính chủ hay không. Người ta mua tài khoản ảo, thí dụ như một người có thể sở hữu hàng trăm tài khoản Facebook dẫn đến thông tin bị nhiễu loạn, lừa đảo, phát ngôn sai lệch, thậm chí có cả những thông tin đe dọa an ninh quốc gia.
Cho nên việc bây giờ hệ thống hóa lại, xác thực số điện thoại của chủ tài khoản là một việc cần thiết. Về kỹ thuật thì cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về cư dân của Việt Nam, các nhà mạng và các nền tảng mạng xã hội sẽ phải có sự hợp tác đồng bộ để lọc ra được đâu là tài khoản ảo. Trong bối cảnh nhà mạng ở Việt Nam về cơ bản cũng đã quản lý được thuê bao điện thoại.
Cách tốt nhất bây giờ là giữa các hệ thống nên có một sự đồng bộ bằng việc định danh thông qua số điện thoại và tôi đánh giá Nghị định ra đời sẽ tiến tới một gia đoạn chặt chẽ và kỹ lưỡng hơn trong việc quản lý không gian mạng.
Từ việc định danh lại tài khoản mạng xã hội qua từng số điện thoại, vì để đăng ký điện thoại thì phải có căn cước công dân, từ đó là lọc ra được chính chủ của tài khoản mạng xã hội. Còn lọc chính xác đến mức nào thì tùy vào dữ liệu đồng bộ giữa các bên: nền tạng mạng xã hội – nhà mạng – quản lý dữ liệu về cư dân.
Đó là cách mà các bên sẽ hợp tác, phối hợp với nhau, mà tôi tin là có thể khả thi trong việc lọc tài khoản ảo bởi vì các nền tảng mạng xã hội muốn tồn tại được ở thị trường Việt Nam cũng phải tuân thủ quy định của Việt Nam.
Thạc sĩ Lương Đông Sơn, giảng viên Viện Báo chí (Học viện Báo chí và Tuyên truyền): Những quy định mới của Nghị định là một bước đi cần thiết
Cá nhân tôi cho rằng có thể hạn chế chứ không xóa bỏ hoàn toàn được tài khoản mạng xã hội ảo. Ví dụ đến tài khoản ngân hàng phức tạp hơn, phải có căn cước công dân, thế mà bằng các kỹ thuật nào đó người ta vẫn tạo ra tài khoản ngân hàng ảo. Bằng chứng là vừa rồi các vụ lừa đảo diễn ra khi 1 người dân bị lừa tiền chuyển vào một tài khoản nào đó thì ngay lập tức số tiền được rút ra hết và số tài khoản bốc hơi, công an chịu không điều tra được danh tính của chủ tài khoản.
Cho nên tài khoản mạng xã hội cũng vậy thôi. Nói rằng kiểm soát hết được thì khó. Nhưng quy định này của Nghị định lại hết sức cần thiết, nó là căn cứ, là cơ sở để quản lý, giải quyết những vấn đề phát sinh trên không gian mạng. Điều này buộc các nền tảng mạng xã hội phải tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Việt Nam đã có quy định rồi, các nền tảng mạng xã hội muốn hoạt động ở thị trường Việt Nam thì phải chấp hành, họ phải có giải pháp kỹ thuật để yêu cầu người dùng cung cấp số điện thoại xác thực mới được hoạt động.
Về cơ bản thì công dân Việt Nam nghiêm túc chấp hành pháp luật. Nhưng cũng có những đối tượng xấu lợi dụng không gian mạng xã hội để lừa đảo, phát ngôn sai sự thật, xúc phạm tổ chức cá nhân… thì phải có những chính sách để quản lý, xử phạt. Các nền tảng mạng xã hội hiện nay cũng đã có giải pháp quản lý về những thông tin xấu nhưng nó phải căn cứ vào báo cáo của người dùng về các hoạt động vi phạm, mà phải nhiều người dùng báo cáo thì họ với xử lý.
Hơn nữa sau khi có báo cáo thì họ lại có quy định là sau bao nhiêu ngày mới xử lý thì dẫn tới việc một số nội dung xấu độc vẫn có đủ thời gian lan truyền trên mạng xã hội.
Nghị định 147 ngoài việc yêu cầu xác thực số điện thoại với chủ tài khoản thì còn có quy định trong vòng 24h sau khi có yêu cầu của cơ quan chức năng Việt Nam, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải khóa tài khoản vi phạm. Cá nhân tôi nghĩ là những quy định đó rất cần thiết. Các chủ thể cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam cần tuân thủ.
TV (ghi)