Tình trạng các ca sĩ, nhạc sĩ tranh chấp về việc sở hữu, sử dụng ca khúc (tác phẩm âm nhạc) đang ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta. Chính vì vậy, mỗi nghệ sĩ nhất thiết phải hiểu rõ về các vấn đề liên quan đến bản quyền và quyền sở hữu để tránh gây rắc rối cho chính mình.
Không hiểu rõ về quyền sở hữu sẽ dẫn đến những tác động tích cực lẫn tiêu cực. Xuất phát từ nhiều nguyên nhân, hoạt động biểu diễn của các nghệ sĩ thường liên quan đến xâm phạm quyền tác giả, phổ biến nhất là tình trạng không xin phép chủ sở hữu tác phẩm trước khi biểu diễn.
Quyền sở hữu – hiểu thế nào cho đúng?
PV Báo Đại Đoàn Kết liên hệ với nhạc sĩ An Hiếu nghe anh giải đáp những thắc mắc liên quan đến câu hỏi: “Quyền sở hữu – hiểu thế nào cho đúng”.
Vốn là phó trưởng khoa Quản lý Văn hóa của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhạc sĩ An Hiếu suốt nhiều năm nay vẫn miệt mài sáng tác và tiếp tục ấp ủ từng lời thơ, câu hát và sáng tác bằng tất cả tấm lòng mình.
Đứng trên cương vị là nhà quản lý đồng thời là một nhạc sĩ có nhiều năm kinh nghiệm, An Hiếu tỏ ra bất bình khi thời gian vừa qua có quá nhiều trường hợp vi phạm quy tắc nghề nghiệp, đặc biệt là trong vấn đề xâm phạm bản quyền âm nhạc.
Nhạc sĩ An Hiếu cho rằng theo thời gian khái niệm về quyền sở hữu ngày trước và bây giờ cũng có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây quyền sở hữu được hiểu đơn giản là quyền cấp cho chủ sở hữu duy nhất để sử dụng tác phẩm thì ngày nay khái niệm này được mở rộng hơn. Cụ thể, bên cạnh quyền sở hữu của tác giả sáng tác sẽ có những đơn vị sản xuất là bên thứ 3 trung gian hưởng quyền lợi từ tác phẩm bên cạnh tác giả và người quản lý.
Lý giải cho câu nói trên, nhạc sĩ An Hiếu dẫn ví dụ về vụ việc BH Media nắm bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" của cố nhạc sĩ Văn Cao. “Trong trường hợp này, BH Media là đơn vị trung gian thứ 3 theo đúng như khái niệm nêu trên”, nhạc sĩ An Hiếu nhấn mạnh.
Cũng theo nhạc sĩ khi tác giả nắm sản phẩm gốc, cố định trong một môi trường hữu hình, họ nghiễm nhiên sở hữu bản quyền đối với tác phẩm đó. Nhạc sĩ An Hiếu cho biết, thực tế ở Việt Nam Cục bản quyền tác giả đứng ra quản lý những vấn đề này. Các điều luật về tác giả cũng có thế nhưng dường như chưa phát huy đúng tác dụng nên thời gian gần đây mới xảy ra tình trạng vi phạm một cách hồn nhiên bản quyền các ca khúc âm nhạc.
Đặt trường hợp của mình vào các ca sĩ sử dụng những ca khúc chưa đăng ký quyền sở hữu, Nhạc sĩ An Hiếu nhận định, không một nghệ sĩ nào muốn vấn đề này xảy đến với sự nghiệp của họ. Bản thân anh và cố nhạc sĩ An Tuyên (bố của anh) cũng vậy.
“Hơn ai hết những nghệ sĩ chọn đi theo con đường âm nhạc sẽ hiểu rõ ca khúc nào mình được phép hát và ca khúc nào không, nghiễm nhiên họ cũng sẽ nắm rõ các vấn đề liên quan đến bản quyền. Có chăng, các trường hợp vi phạm xuất phát chính từ sự vô ý”, nhạc sĩ An Hiếu nói.
Đồng quan điểm với quan điểm của nhạc sĩ An Hiếu, nhạc sĩ Dương Trường Giang nhận định, việc các nghệ sĩ ngang nhiên vi phạm bản quyền là vấn đề thuộc về đạo đức, tư cách làm nghề.
“Khi các nghệ sĩ sử dụng ca khúc chưa đăng ký bản quyền vào mục đích thương mại, sinh ra kinh phí, dùng âm nhạc của người khác để kiếm tiền. Rõ ràng đây là vấn đề liên quan đến đạo đức nghề nghiệp và tư cách làm nghề”, nhạc sĩ Trường Giang khẳng định.
Siết chặt quy định – nâng cao ý thức
Theo nhạc sĩ Dương Trường Giang, tại Việt Nam các quy định về bản quyền còn khá lỏng lẻo, chưa có quy định chính thức.
“Về cơ bản các nghệ sĩ đang hát các sản phẩm âm nhạc đều hiểu rất mập mờ về quyền sở hữu. Bởi chưa có quy định rõ ràng. Thực tế nêu trên cũng đặt ra vấn đề cần sớm có những quy định pháp lý, nhất là về khía cạnh bản quyền đối với những tác phẩm cho phép cá nhân người ca sĩ mang đi biểu diễn”, nhạc sĩ Dương Trường Giang nhìn nhận.
Đưa ra quan niệm về vấn đề bản quyền trong âm nhạc, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh cho rằng trách nhiệm của việc đăng ký bản quyền trước tiên thuộc về tác giả ca khúc.
“Vấn đề bản quyền luôn là vấn đề gây nhức nhối mặc dù càng ngày cách thức kiểm tra càng gắt gao, vì vậy cho nên vấn đề này là mấu chốt quan trọng. Tuy nhiên, bản thân người sáng tạo không hiểu được hết giá trị của những “đứa con tinh thần” của họ. Điều này dẫn đến việc các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở để trục lợi cho mục đích kinh doanh.
Bản thân những người chủ sở hữu tác phẩm không rõ ràng trong việc giao tác phẩm cho đơn vị trung gian cụ thể. Thế nên mới dẫn đến những vụ việc các nghệ sĩ mang các ca khúc chưa được đăng ký bản quyền đi biểu diễn trong thời gian gần đây.
Vì vậy, hơn ai hết đối với bản thân người nhạc sĩ phải có ý thức bảo vệ quyền tác giả của chính họ, bởi điều này còn phụ thuộc vào cá nhân suy nghĩ của mỗi người”, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đánh giá.
Cũng theo nhạc sĩ “Lạc lối” thời gian gần đây, phía trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam đã và đang làm tốt vai trò của mình trong việc nâng cấp, siết chặt hơn các điều luật. Từ đó cũng có một vài sự thay đổi, tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ và thực tế đi về đâu, diễn ra như thế nào thì vẫn còn là ẩn số(?!)
Còn riêng đối với những tác phẩm được hiến tặng, có nghĩa là các cá nhân, tổ chức khi sử dụng ca khúc không phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán tác quyền âm nhạc cho tác giả hay đại diện quyền tác giả, nhưng không có nghĩa là được tùy ý khai thác và khai thác thế nào cũng được.
Đưa ra biện pháp nhằm hạn chế vấn đề xâm phạm bản quyền trong âm nhạc, nhạc sĩ Hồ Hoài Anh nêu ý kiến: “Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến các điều luật thì các đơn vị cần siết chặt hơn nữa, đưa ra cụ thể các quy định để làm rõ các vấn đề: cá nhân, đơn vị nào có quyền khai thác ca khúc; trường hợp nào không cần và trường hợp nào cần xin phép mới được khai thác, sử dụng; tổ chức, đơn vị nào chịu trách nhiệm cấp phép; có được khai thác để phục vụ mục tiêu kinh doanh hay không…”
Theo Luật Sở hữu trí tuệ thời gian bảo hộ quyền tác giả được thực hiện từ khi tác phẩm ra đời. Đơn vị ủy thác sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm từ khi ký ủy thác cho tới 50 năm sau khi tác giả qua đời.