Xu hướng chắt lọc, lựa chọn dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) theo hướng "xanh", phục vụ phát triển bền vững ngày càng được chú trọng hơn. Với Việt Nam, việc xanh hóa dòng vốn FDI để nâng chất nguồn vốn này cũng ghi nhận bước chuyển mình rõ nét.
Khi Chính phủ đưa ra cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đã có nhiều dự án FDI mới chất lượng cao, đầu tư theo hướng bền vững lựa chọn Việt Nam làm điểm đến, tạo ra một "làn sóng" đầu tư mới thay đổi diện mạo nền kinh tế.
Những tín hiệu khả quan
Một báo cáo cập nhật kinh tế toàn cầu gần đây đánh giá chất lượng của dòng vốn FDI vào Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực về chất lượng, bởi các dự án này phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững của Việt Nam.
Tâm điểm của FDI xanh chính là dự án 1 tỷ của tập đoàn LEGO. Theo đó LEGO (Đan Mạch) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Liên doanh TNHH Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) để xây dựng nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của tập đoàn này khi sử dụng năng lượng pin tại chỗ từ pin mặt trời do LEGO đầu tư và năng lượng xanh từ các dự án cung cấp năng lượng, đã mở ra một hướng lựa chọn FDI mới. LEGO cùng với VSIP sẽ trồng 50.000 cây xanh tại Việt Nam để bù đắp cho những thảm thực vật bị chặt bỏ trong quá trình xây dựng nhà máy. Sự kiện này như một “dấu mốc xanh” trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam, là tín hiệu tích cực cho thấy các dòng vốn chất lượng cao đang tìm đến Việt Nam.
Một ví dụ khác: DHL Express, nhà cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế hàng đầu thế giới, cũng đã khánh thành trung tâm khai thác mới nhất tại Việt Nam. Điều đáng nói, DHL lấy mục tiêu phát triển bền vững làm trọng tâm của mọi hoạt động kinh doanh nên đã trang bị cho trung tâm khai thác mới một loạt công nghệ giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon ra môi trường và tối ưu hiệu suất hoạt động. Chẳng hạn, hệ thống điều hòa không khí sử dụng công nghệ VRV (Variable Refrigerant Volume), quạt trần công nghiệp và phương tiện giao nhận được vận hành bằng điện năng.
Theo cách hiểu đơn giản, FDI có thể được coi là “xanh” khi nó thân thiện với môi trường. FDI xanh hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào sản xuất sản phẩm và dịch vụ môi trường, hoặc đầu tư trực tiếp nước ngoài có quy trình sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhằm mục đích vừa phát triển kinh tế vừa sử dụng hợp lý tài nguyên, tránh việc hủy hoại môi trường, biến đổi khí hậu và mất cân bằng sinh thái ở nước nhận đầu tư.
Dòng vốn FDI luôn được đánh giá là tạo ra những “điểm sáng” trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển giao công nghệ, phát triển nguồn nhân lực và tạo việc làm, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước… Nỗ lực thu hút dòng vồn FDI xanh để nâng chất dòng vốn này cũng đã được nhà quản lý rốt ráo thực hiện nhưng số lượng FDI xanh như LEGO DHL Express vẫn chưa thật sự nhiều. Dù mỗi năm vốn thực hiện FDI hơn 15 tỷ USD nhưng dự án công nghệ cho tương lai, hướng đến phù hợp với công nghệ 4.0 và kinh tế số hay như các dự án hướng tới kinh tế xanh, đô thị xanh ít khí phát thải chiếm tỷ trọng thấp. Chưa kể những hạn chế tại các dự án FDI liên quan đến chuyển giá, trốn thuế vẫn tồn tại. Đặc biệt những doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực như dệt may, gia dày… luôn tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường và đã bị xử phạt khá nhiều.
Không hút “đại bàng” bằng mọi giá
Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và cơ chế, tiêu chuẩn môi trường để sàng lọc hiệu quả các dự án FDI. Vẫn chưa có tiêu chí đầy đủ, rõ ràng về FDI xanh để có thể đối chiếu, áp dụng... Chưa kể sự phối hợp của các cấp, các ngành trong kiểm soát các nguồn thải từ các dự án FDI chưa hiệu quả, đồng bộ, chặt chẽ. Một số địa phương trải thảm đỏ thu hút dự án FDI bằng mọi giá, ít có chọn lọc.
Để xanh hoá được dòng vốn FDI, giới chuyên gia cho rằng cần ưu tiên thu hút FDI vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Xây dựng và ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong thu hút và sử dụng FDI. Các yêu cầu về môi trường và đánh giá tác động về môi trường cần được ưu tiên hàng đầu. Nâng cấp tiêu chuẩn về môi trường để làm căn cứ không tiếp nhận các dự án không khuyến khích đầu tư (như dệt nhuộm sử dụng công nghệ cũ...). Luôn đảm bảo nguyên tắc không thu hút FDI bằng mọi giá; không thu hút các dự án có nguy cơ hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Trong Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2020 của các DN FDI do Bộ Tài chính thực hiện, cơ quan này cũng đã đề nghị với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thận trọng về chính sách ưu đãi đầu tư theo quy mô dự án đầu tư và theo địa bàn kinh tế - xã hội, chú ý các nhóm ngành có khả năng sinh lợi tốt, hiệu quả, phù hợp với quan điểm chỉ đạo "Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu" theo Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Bên cạnh chính sách ưu đãi, các chuyên gia cũng cho rằng cần xác định cụ thể danh mục ngành, lĩnh vực cần ưu tiên thu hút FDI như: công nghệ thông tin, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thành phố thông minh, nghiên cứu phát triển, kinh tế xanh… Đặc biệt, cần xây dựng các quy định, tiêu chuẩn như một bộ lọc mới nhằm lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, có năng lực, khả năng chống chịu sức ép từ bên ngoài để giữ vững và bảo đảm an ninh quốc gia của đất nước.
Bà Ramla Khalidi, đại diện thường trú UNDP cho rằng, EU đang áp dụng bộ luật liên quan đến môi trường, con người. Do vậy, Việt Nam cần định hướng thu hút FDI và các hoạt động kinh doanh phù hợp với thông lệ thế giới.
Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022 cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của DN Việt Nam với DN FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.
Cùng với đó, hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong đó có việc nội luật hoá thuế tối thiểu toàn cầu, xử lý tốt quan hệ nội lực với ngoại lực; hiện đại hoá hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia... Đó là các giải pháp chính để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng dòng vốn FDI năm 2023 và những năm tiếp theo.
Báo cáo thường niên về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2022 cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của DN Việt Nam với DN FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.
TS Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư):
Lựa chọn dòng vốn bảo vệ môi trường
Thu hút FDI cần nhìn thấy trước các hệ lụy tiềm ẩn trong dự án trước mắt và lâu dài. Việc thu hút nguồn vốn FDI cần đặt vấn đề trật tự an toàn xã hội - an ninh quốc gia lên hàng đầu chứ không phải vốn và công nghệ. Ngoài ra, những vấn đề về dân sinh cũng cần được tính đến. Việc xem xét cấp phép cho bất cứ dự án nào đều cần theo quy định của pháp luật về đầu tư như: Phù hợp với quy hoạch ngành, vùng; có vốn và công nghệ; có giải pháp bảo vệ môi trường; không ảnh hưởng tới trật tự an toàn xã hội, an ninh, quốc phòng; bảo đảm lợi ích của nhà đầu tư, đất nước và người dân...