Chế biến và xuất khẩu thủy sản là một trong những ngành hàng đóng góp quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam. Trước thềm Triển lãm Thủy sản quốc tế Việt Nam (Vietfish 2023) diễn ra từ 23-25/8 tại TPHCM, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đã có cuộc trao đổi về việc định vị ngành thủy sản Việt Nam trên bản đồ thế giới.
PV: Thưa ông, ngành thủy sản đã đạt được mức tăng trưởng khá cao trong nhiều năm, đặc biệt tạo được cột mốc mới về xuất khẩu năm 2022 với 11 tỷ USD. Ông nhận định như thế nào về vị thế của ngành thủy sản Việt Nam trên bản đồ thủy sản thế giới?
Ông Trương Đình Hòe: Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã duy trì tăng trưởng trong nhiều năm và lần đạt mốc 11 tỷ USD vào năm 2022, tăng hơn 12 lần so với năm 1998.
Không chỉ tăng trưởng về sản lượng, thuỷ sản Việt Nam cũng được đánh giá là nguồn cung cấp protein có chất lượng, giá trị dinh dưỡng ngày càng cao, góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm cho người dân thế giới. Hiện tại Việt Nam đang nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới, sau Trung Quốc và Na Uy.
Theo ông, đâu là những lợi thế sẽ thúc đẩy sự phát triển của ngành thủy sản nước nhà?
- Lợi thế của ngành thuỷ sản thể hiện trên 3 khía cạnh. Thứ nhất, xu hướng gia tăng tiêu dùng sản phẩm thủy hải sản trên toàn cầu vẫn tiếp tục trong khi nguồn lợi thuỷ sản tự nhiên bị hạn chế, nguồn cung thuỷ sản phải dựa vào hoạt động sản xuất nuôi trồng. Cùng với sự tiếp sức của công nghệ nuôi trồng, Việt Nam có lợi thế với đường bờ biển dài, có diện tích mặt nước đủ để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Trong tổng sản lượng tôm nuôi toàn thế giới khoảng 6 triệu tấn/năm thì Việt Nam đóng góp khoảng 1 triệu tấn. Có thể nói Việt Nam đã tận dụng tốt nguồn tài nguyên là lợi thế tự nhiên về thổ nhưỡng, khí hậu để phát triển nuôi trồng phục vụ xuất khẩu.
Lợi thế thứ hai doanh nghiệp (DN) có khả năng bắt kịp với thế giới về công nghệ chế biến; trong đó, tập trung chế biến sâu với các sản phẩm giá trị gia tăng cao, góp phần củng cố sức mạnh của ngành thuỷ sản.
Thứ ba, Việt Nam hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới thông qua việc ký kết và thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới sẽ có thị trường tiêu thụ lớn như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…tạo điều kiện giúp thủy sản Việt Nam mở rộng thị trường một cách thuận lợi hơn.
Bên cạnh những lợi thế đó, ngành thủy sản gặp phải khó khăn gì, thưa ông?
- Sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng của Việt Nam chủ yếu được hình thành từ quy mô nông hộ, nhỏ lẻ. Điều này đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh chuyển đổi từ sản xuất nông hộ sang sản xuất hàng hoá có quy mô tương đối lớn, từ đó áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng hiệu quả, giảm giá thành.
Việt Nam có lợi thế chiều dài bờ biển và diện tích mặt nước có thể tổ chức ngành nuôi trồng trên biển nhưng lĩnh vực này chưa được phát triển tương xứng. Bên cạnh đó, chúng ta chưa có đủ điều kiện đánh giá thực trạng cũng như đưa ra giải pháp tái tạo nguồn lợi hải sản tự nhiên để phát triển cân bằng giữa khai thác, nuôi trồng một cách hài hòa.
Xu hướng chung của thị trường hiện nay là quan tâm đến sản phẩm xanh và có tiêu chuẩn cao về chuỗi cung ứng thực phẩm. Vậy khả năng đáp ứng các xu hướng đó của ngành thủy sản như thế nào?
- Sản xuất xanh, tiêu dùng xanh là xu hướng ngày càng phổ biến và ngành thủy sản đang làm tương đối tốt trong việc “xanh hoá”. Lợi thế của Việt Nam có tới 70% nguyên liệu phục vụ xuất khẩu được nuôi trồng (tôm, cá tra...). Số lượng trang trại, vùng nuôi đạt sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động (ASC) ngày càng tăng.
Con số 692 nhà máy có mã xuất khẩu EU code trong tổng số 847 nhà máy quy mô công nghiệp được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, là minh chứng cho việc DN vừa đảm bảo sản xuất tốt vừa bảo vệ môi trường.
Vấn đề quan trọng hiện nay là phải cân bằng phát thải. Việt Nam đã cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050, như vậy, chúng ta không còn quá nhiều thời gian để chần chừ. Đã đến lúc mọi ngành nghề, DN đều phải vận động nhanh chóng để đạt được cam kết; sản xuất, chế biến thủy sản cũng không ngoại lệ.
Trân trọng cảm ơn ông!