Là một thành viên tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, GS.TS Phạm Hồng Tung (ĐHQG Hà Nội) cho biết, ông cảm thấy vinh dự nhưng cũng có một áp lực rất lớn.
Ảnh minh họa.
GS.TS Phạm Hồng Tung nói:
- Chúng tôi hiểu việc mình đang làm động chạm đến mối quan tâm thường trực của 90 triệu con người Việt Nam. Không chỉ người Việt Nam trong nước mà cả người Việt ở nước ngoài.
May mắn phần lớn những người tham gia đều là những nhà giáo có kinh nghiệm, không chỉ giảng dạy trong nước mà rất nhiều người được học tập và làm việc ở các cơ sở giáo dục hàng đầu ở nước ngoài. Chúng tôi có thuận lợi để tiếp thu kinh nghiệm của các nước có nền giáo dục tiên tiến. Theo tôi, đó là một vấn đề rất quan trọng đối với nền giáo dục Việt Nam đang đổi mới.
PV: Thưa GS, bên cạnh những thuận lợi như vậy, đâu là thách thức đối với những người tham gia xây dựng chương trình GDPT mới?
GS.TS Phạm Hồng Tung: Việc chuẩn bị cho một chương trình, bộ sách giáo khoa mới, những nội dung giáo dục để đào tạo thế hệ công dân Việt Nam ít nhất của nửa đầu thế kỷ 21 thực sự không đơn giản. Bởi đất nước, nhân dân đang đặt ra trước lớp công dân này sứ mệnh đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi thực trạng tụt hậu để vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu- một sứ mệnh khó khăn, phải cố gắng rất nhiều để ít nhất là thu hẹp khoảng cách của Việt Nam với các nước phát triển khác.
Những người già như chúng tôi lại phải hình dung công dân của thế kỷ 21 tức là thế hệ tương lai có những năng lực, phẩm chất như thế nào. Phải xây dựng chương trình giáo dục để biến những năng lực phẩm chất đó vào trong thực tiễn để đối thoại trong văn hoá toàn cầu để làm việc với toàn thế giới và phải lĩnh hội được những tri thức, tinh hoa văn hoá của thế giới quả là một thách thức. Nhất là khi hiện nay một bộ phận giới trẻ thích nhạc Hàn Quốc, thích xem phim Mỹ mà không thích nghe quan họ, chèo. Có những em không thích nhặt rác trong nhà nhưng thích nói chuyện về vấn đề môi trường toàn cầu…
Đó là một vài ví dụ để thấy vì sao chúng tôi cảm thấy rất áp lực trước một công việc rất có ý nghĩa, rất quan trọng nhưng cũng rất khó.
Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng chương trình GDPT mới khá gấp gáp về mặt thời gian. Cá nhân ông suy nghĩ thế nào?
- Thực sự chúng tôi không dám quá tự tin với công việc của mình. May mắn trong quá tình thực hiện chúng tôi nhận được sự giúp đỡ, chia sẻ và đồng hành của các chuyên gia quốc tế, trong đó có sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, tổ chức UNESCO, các chuyên gia đến từ các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới thông qua các hội thảo, hội nghị, chia sẻ chuyên sâu…
Chúng tôi mong muốn các thầy cô, các chuyên gia quốc tế tiếp tục cho chúng tôi gợi ý đề xuất thậm chí phê bình về dự thảo chương trình tổng thể để tiếp tục cùng nhau hoàn thiện tốt nhất khung chương trình GDPT tổng thể. Từ đó có được từng môn học theo nguyên tắc mở. Chỉ với những chương trình theo nguyên tắc mở mới hi vọng có nhiều bộ sách giáo khoa là hành trang bệ đỡ để con em chúng ta ở thế hệ tương lai phát triển đúng như kỳ vọng của đất nước, của dân tộc. Với hành trang đó, tôi tin rằng các em sẽ có khả năng tự học được, tự vượt qua chính mình và thế hệ đi trước.
Một tâm niệm mà tôi trong suốt quá trình đi dạy học của mình luôn chia sẻ với học trò, đó là tôi mong ước 5 năm sau, 10 năm sau đừng có ai khen bây giờ mới thấy bài dạy của thầy hồi ấy tuyệt vời, hay thế. Với tôi đấy là câu mắng mỏ nặng nề nhất.
Nếu học sinh sau này gặp lại bảo thầy ơi càng ngày chúng em càng thấy bài dạy của thầy đúng ít, sai nhiều, tôi hạnh phúc lắm.
Nhà giáo là những người chèo đò. Chúng tôi tạo ra triết lý, đồng thời tạo ra khuôn mẫu đóng cửa của tri thức, trong khi tri thức luôn luôn phải tự đổi mới. Vì vậy, tôi rất mong nhận được những góp ý chân thành để công việc xây dựng chương trình GDPT được hoàn thành tốt đẹp, đúng như kỳ vọng của đất nước, nhân dân vào ngành giáo dục.
Trân trọng cảm ơn ông!