Để Luật Phòng chống tác hại thuốc lá đến với từng khu dân cư, hệ thống Mặt trận các cấp đã vào cuộc quyết liệt để đưa Luật đến gần hơn với cuộc sống người dân. Những mô hình, cách làm hay ra đời tại nhiều địa phương là minh chứng rõ nét nhất cho những cố gắng của đội ngũ những người làm Mặt trận.
Nói không với thuốc lá. Ảnh: TL.
Nhân rộng mô hình
Bà Nguyễn Việt Anh, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, có tới 23% người Việt Nam hút thuốc lá/thuốc lào, trong đó phần lớn là nam giới, 33 triệu người đang hút thuốc lá thụ động do sống và làm việc trong môi trường có thuốc lá. Ngay ở những môi trường tưởng không khói thuốc như bệnh viện, trường mẫu giáo, tỉ lệ hít phải khói thuốc thụ động vẫn lên tới 23%. Đứng trước thực trạng đó, nhiều địa phương cũng đã xuất hiện những mô hình, cách làm hay trong việc PCTHTL.
Trở thành địa phương đi đầu trong công tác tuyên truyền, phổ biến Luật PCTHTL, TP. Hải Phòng đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền để đưa Luật PCTHTL đến gần hơn với cộng đồng. Hải Phòng cũng đang triển khai có hiệu quả dự án “Xây dựng Hải Phòng - thành phố không khói thuốc lá”, hướng tới xây dựng môi trường xanh, không khói thuốc… dưới nhiều hình thức như: hội thi, tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khách sạn, nhà hàng không khói thuốc, hội thi thiếu nhi kể chuyện hưởng ứng Luật PCTHTL, triển lãm tranh tư liệu về tác hại thuốc lá tại các trường học…
Không chỉ Hải Phòng mà tại Quảng Ninh cũng tổ chức kí cam kết không hút thuốc lá tại nơi làm việc. Đối với những nơi công cộng như bệnh viện, khu vui chơi giải trí cũng có hình thức nhắc nhở người hút thuốc. Chia sẻ kinh nghiệm PCTHTL, ông Phạm Văn Diệt, Chủ tịch UB MTTQ tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình với sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị liên quan. Ban chỉ đạo PCTHTL các cấp phối hợp với MTTQ cùng với đoàn kiểm tra liên ngành xây dựng mô hình điểm không khói thuốc, đẩy mạnh tuyên truyền Luật PCTHTL bằng nhiều hình thức phong phú từ các sở ngành cho tới các quận huyện, tổ chức đoàn thể, KDC, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá.
Tiếp tục truyền thông sâu rộng
Để đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có công văn gửi MTTQ các tỉnh, thành phố để phối hợp tuyên truyền, vận động và tham gia công tác PCTHTL, đồng thời ban hành Kế hoạch tổ chức các hội thảo PCTHTL nhằm phổ biến, tuyên truyền Luật PCTHTL, nâng cao nhận thức của mọi người về mức độ nguy hiểm, tác hại của việc sử dụng thuốc lá và tầm quan trọng của việc PCTHTL.
Để thực hiện tốt các nội dung trên, UBTƯMTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Y tế làm đầu mối phối hợp với các ngành triển khai, sơ kết, tổng kết các hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá theo kế hoạch. Mặt trận các cấp phối hợp các sở, ngành liên quan tổ chức các lớp tập huấn giám sát và thực thi Luật PCTHTL, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật triển khai hoạt động PCTHTL cho các đơn vị liên quan. Thường xuyên triển khai công tác tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng thuốc lá, Luật PCTHTL và các quy định xử lý vi phạm trong PCTHTL trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông sâu rộng trong cộng đồng dân cư tại các khu phố, tổ dân phố.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế, Chánh Văn phòng Chương trình PCTHTL cho biết: Hiện nay ở Việt Nam chúng ta có khoảng 15 triệu nam giới tuổi trưởng thành hút thuốc. Từ 15 triệu người này sẽ ảnh hưởng tới khoảng 30 triệu bà mẹ và trẻ em, người xung quanh. Các cơ quan, công sở cũng đã tuyên truyền, vận động nhưng ý thức của người hút thuốc chưa cao. Nếu theo chiến lược PCTHTL quốc gia thì năm 2015 là năm cuối cùng của giai đoạn 1, tức là giai đoạn phổ biến rộng rãi các quy định về PCTHTL, nhưng hiện nay nhiều cơ sở vẫn còn lúng túng khi triển khai các quy định này. Vì vậy, MTTQ cần phối hợp với các tổ chức đoàn thể tích cực triển khai các nội dung tới từng khu dân cư để hướng tới xây dựng một môi trường lành mạnh, không khói thuốc.