Khẳng định lại thông tin đã công bố tại buổi họp báo về phương án thi THPT Quốc gia 2017, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay Bộ sẽ không công bố đề thi và đáp án các bài thi trắc nghiệm. Riêng môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận Bộ sẽ công bố đáp án. Đề thi chuẩn hóa đã được thử nghiệm nhiều lần trên chính đối tượng học sinh lớp 12 nên độ chính xác của đáp án có thể hoàn toàn tin tưởng.
Ảnh minh họa.
Trả lời báo chí, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh theo kinh nghiệm của các nước nói chung, nguyên tắc của bài thi chuẩn hoá là không công bố đề và đáp án. Các câu hỏi thi năm nay có thể tiếp tục còn dùng cho các năm tiếp theo nên không công bố sẽ đảm bảo sự công bằng cho tất cả thí sinh.
Với ý kiến băn khoăn về việc thí sinh lấy đâu ra căn cứ để biết mình làm đúng hay sai, có hay không việc chấm lỏng, chấm chặt để có thể phúc khảo nếu kết quả không như ý… ông Ga cho rằng, bài thi trắc nghiệm khách quan được chấm bằng phần mềm máy tính nên đảm bảo độ chính xác cao. Thí sinh có thể yên tâm về điểm số phản ánh đúng kết quả bài thi của mình.
Về công tác xây dựng ngân hàng đề thi đang được tiến hành ra sao, Thứ trưởng Ga khẳng định đến thời điểm này, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo công tác đề thi và xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện công tác đề thi theo quy trình khoa học, chặt chẽ.
Cụ thể, việc xây dựng đề thi năm nay có nhiều thay đổi so với quy trình xây dựng đề thi quốc gia các năm trước. Thay vì tổ chức để các thầy cô giáo tập trung làm đề tại một điểm có yêu cầu bảo mật cực kỳ khắt khe, biệt lập hoàn toàn với bên ngoài trong hơn 3 tuần thì năm nay, Bộ tổ chức nhiều đợt trong năm, tại nhiều khu vực trong cả nước. Các câu hỏi sẽ được tập hợp lại và chuyển về Hà Nội thẩm định và thực hiện các bước tiếp theo trong quy trình xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hoá.
Đến nay, đã có 10 đợt biên soạn câu hỏi thô đã được thực hiện với số lượng câu hỏi trên 60.000, trong đó có 45.000 câu hỏi đã được biên tập sau 7 đợt thẩm định. Số giáo viên tham gia lên đến hơn 100 người, tốn kém hơn các năm trước nhưng dùng được lâu dài hơn.
Với quy trình làm đề trắc nghiệm mất nhiều thời gian, liên quan đến nhiều người, nhiều giai đoạn như năm nay, câu hỏi liệu đề thi có bảo đảm bí mật hay không được nhiều người đặt ra.
Trước lo lắng này, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết, các cán bộ tham gia làm đề được lựa chọn đều là những người có đạo đức, năng lực và trách nhiệm. Bộ cũng triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật và quản lý như giáo viên phải cam kết theo các quy định để bảo đảm tính bảo mật. Môi trường làm việc hoàn toàn cách ly với bên ngoài, hệ thống máy tính chỉ được kết nối mạng nội bộ, không thể đưa thông tin ra ngoài.
“Thi trắc nghiệm phải sử dụng rất nhiều câu hỏi, giáo viên không thể nhớ hết được các câu hỏi này. Từ câu hỏi thô ban đầu mà giáo viên biên soạn đến câu hỏi chuẩn phải trải qua nhiều giai đoạn điều chỉnh và khác nhau nên không lo lộ bí mật đề thi”- ông Trinh khẳng định.
Về ý kiến Bộ GD&ĐT sẽ thử nghiệm 2 lần những câu hỏi thi này trên chính đối tượng thí sinh dự thi năm 2017 nhằm xác định các thông số của câu hỏi thi, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh: Khoảng tháng 2, công việc này sẽ được tiến hành. Trong đó, việc chọn mẫu thử nghiệm sẽ mang tính đại diện cao, đảm bảo sự đa dạng về trình độ học sinh giữa các vùng miền khác nhau trên cả nước.
Trước đó, Bộ GD&ĐT thông tin nguồn cơ bản để xây dựng nguồn ngân hàng đề thi THPT Quốc gia ngoài phần do các giáo viên biên soạn mới có sự kế thừa những câu hỏi phù hợp trên cơ sở ngân hàng câu hỏi thi theo hình thức đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.
Tuy nhiên, ông Ga cho biết sẽ chỉ vận dụng công nghệ xây dựng đề thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội vì đề thi của trường này phục vụ cho tuyển sinh ĐH, trong khi kỳ thi THPT Quốc gia lại dùng kết quả để vừa xét tốt nghiệp THPT, vừa xét tuyển ĐH, CĐ. Bên cạnh đó, theo Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 mà Bộ GD&ĐT đã công bố thì kiến thức chỉ giới hạn trong chương trình lớp 12, không phải là cả 3 năm THPT như đề thi của kỳ thi đánh giá năng lực.
Dự kiến, cuối tháng 1/2017, Bộ GD&ĐT sẽ công bố 14 đề thi thử nghiệm của các môn. Hiện tại, nhiều trường cho biết vẫn căn cứ vào đề thi minh hoạ mà Bộ đã công bố trước đó để ra đề thi hết học kỳ I cũng như tham khảo để vận dụng trong việc dạy học và ôn tập.
Cô giáo Văn Thuỳ Dương (Trường phổ thông dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) cho biết, ở kỳ thi hết học kỳ I vừa qua, với môn Toán nhà trường đã tự ra đề. Kết quả các em làm bài có thấp hơn mặt bằng chung các năm.
Ngoài nguyên nhân do lực học các em chưa tốt còn có lý do là chưa quen với hình thức thi mới. Nhà trường vẫn đang tích cực dạy và ôn tập cho các em theo hình thức thi mới để sẵn sàng cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Mong muốn của cô Dương cũng như nhiều bậc phụ huynh, thí sinh khác là Bộ sớm đưa ra đề thi minh hoạ để nhà trường có thêm cơ sở để tham khảo, vận dụng.