Kinh tế

Xây dựng thương hiệu du lịch đẳng cấp

Minh Thủy 12/01/2024 08:24

Ngay từ những ngày đầu năm mới 2024, đã có nhiều chuyến tàu biển quốc tế cập cảng, đưa hàng chục nghìn du khách Mỹ, Anh, Australia… ghé thăm các danh thắng nổi tiếng của Việt Nam.

anh-bai-tren(2).jpg
Tàu du lịch Celebrity Solstice cập cảng Chân Mây ngày 7/1/2024. Ảnh: M.T.

Chỉ trong vòng 10 ngày, nhiều đoàn với hàng nghìn khách du lịch bằng tàu biển đến Việt Nam. Trong đó có tàu biển quốc tế Celebrity Solstice (thuộc Hãng Royal Caribbean Cruise Lines) mang theo hơn 3.000 khách quốc tịch Mỹ, Canada, Anh, Australia... cập cảng Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 7/1).

Lữ hành Saigontourist cũng đã đón đoàn khách tàu biển Spectrum of the Seas với 3.500 khách đến Nha Trang - Phú Mỹ.

Tại Quảng Ninh, tàu Vasco Da Gama (quốc tịch Bồ Đào Nha) với gần 650 du khách Đức và tàu Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) với 3.000 du khách đã “xông đất” Hạ Long. Việc đưa cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đi vào hoạt động đã tạo thêm cú hích lớn, là cảng chuyên biệt đầu tiên, phục vụ được 2 tàu lớn đậu cùng lúc với 8.460 người.

Trong khi đó, thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, năm 2023, Đà Nẵng đón 22 chuyến tàu biển với hơn 18.000 lượt khách. Năm 2024, Đà Nẵng dự kiến đón 45 chuyến tàu với hơn 40.000 lượt khách. Mới đây, hơn 2.000 khách đầu tiên trên tàu Westerdam đã đến cảng Tiên Sa nhân dịp Tết Dương lịch 2024.

Việt Nam với đường bờ biển dài, có nhiều điểm đến nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới, có nhiều cơ hội trở thành trung tâm tàu biển du lịch của khu vực trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể thu hút và níu chân dòng khách này lâu hơn vẫn là bài toán khó. Cụ thể: năm 2023, TPHCM đón khoảng 24.500 lượt khách tàu biển trong tổng số hơn 5 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, vui chơi. Nhưng thời gian lưu trú tại TPHCM của du khách khá ngắn, từ nửa ngày đến 2 ngày, sau đó khách đến các nước lân cận.

“Nếu để khách chỉ dạo chơi vài vòng, ghé tham quan chợ Bến Thành, xem múa rối nước, mua vài món đồ lưu niệm rồi về thì quá uổng" - đại diện một hãng lữ hành cho biết.

Theo giới chuyên gia du lịch, nhóm khách tàu biển chi tiêu khoảng 100 USD/người cho thời gian trên bờ (8-11 giờ). Khách có điều kiện, chi tiêu cao, gu thẩm mỹ tinh tế nên các địa phương làm du lịch cần nghiên cứu kỹ hơn, tạo thêm nhiều trải nghiệm để khách vui chơi, có dịp tiêu tiền. Các điểm đến cần đầu tư xây dựng trung tâm thương mại mua sắm kết hợp các dịch vụ ăn uống đẳng cấp, đồng thời là địa điểm kinh doanh cửa hàng miễn thuế.

Với TP Đà Nẵng, một trong các điểm đến thu hút khách quốc tế, trong đó có dòng khách tàu biển chi tiêu cao. Tuy nhiên, việc giữ chân khách vẫn là điều chưa như ý. Đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Pacific Legend cho rằng, Đà Nẵng cần đầu tư tốt hơn cho hệ thống xe buýt đưa đón khách. Tại các điểm đỗ có các quầy thông tin về xúc tiến du lịch để giới thiệu, quảng bá các điểm đến của du lịch Đà Nẵng; có ki ốt bán hàng hóa lưu niệm; có phương tiện xe điện để đưa đón khách từ điểm này qua điểm tham quan khác...

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng cho biết, tại cảng Tiên Sa, tàu du lịch cũng như tàu hàng hóa vẫn phải sử dụng chung khu vực đậu. Tàu du lịch có thời điểm phải ưu tiên tàu hàng hóa, chưa có nhà ga chuyên biệt để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm, tìm hiểu thông tin về điểm đến trước khi lên bờ. Việc dùng chung khu vực đậu như vậy gây ra sự xáo trộn, bất an.

“Đà Nẵng cần có đề án phát triển du lịch tàu biển, cảng dành cho du lịch tàu biển phải là cảng mở, trên bến dưới thuyền tấp nập thì mới có thể phát triển. Cần lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ để xây dựng nên các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp, không để khách mang tiền đến rồi lại mang về” - ông Dũng nói.

Hạn chế của Đà Nẵng cũng là hạn chế chung của những điểm du lịch có thể đón khách du lịch quốc tế đến từ những con tàu biển sang trọng. Những chuyến tàu biển quốc tế không chỉ là đòn bẩy để tái tạo thị trường mà còn khẳng định thương hiệu du lịch đẳng cấp của điểm đến.

Nói như ông Nguyễn Thành Lưu - Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist, thì phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, phát triển sản phẩm, bố trí các điểm dừng chân tham quan thành phố và quy hoạch chỗ dừng/đậu xe phù hợp để khách tham quan, chụp ảnh an toàn…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xây dựng thương hiệu du lịch đẳng cấp