Theo nhận định của giới kinh doanh, muốn xây dựng thương hiệu thành công trong thời đại kỷ nguyên số doanh nghiệp phải thoát khỏi tư duy bán hàng giá rẻ, tập trung vào những sản phẩm có giá trị cao, đồng thời nâng chất lượng dịch vụ.
Cộng đồng doanh nghiệp đang nâng cao khả năng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm.
Cục Thương mại điện tử và kinh tế số thuộc Bộ Công thương cho biết, năm 2018, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam đạt 8,06 tỷ USD với mức tăng trưởng tới 30%. Dự báo, năm 2020 quy mô thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam có thể sẽ lên tới 13 tỷ USD. Giới chuyên gia cho rằng, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử đang trở thành xu hướng mới của thị trường. Thương mại điện tử sớm thu hút một lượng lớn khách hàng bởi sự thuận lợi trong giao dịch.
Thời gian qua thị trường chứng kiến nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử ra đời như: Shopee, Sendo, Lazada, Tiki,… Việc quảng bá sản phẩm lên các kênh online ngày càng phát triển.
Trước sự tăng trưởng nhanh của thương mại điện tử, cũng như khả năng cạnh tranh khốc liệt ở nền tảng mới, yêu cầu đặt ra hiện nay, doanh nghiệp cần tận dụng kênh thương mại trực tuyến trong bán hàng nhưng điều quan trọng hơn là phải xây dựng thương hiệu trong thời đại kỷ nguyên số.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước đây mỗi mặt hàng chỉ có vài nhà sản xuất, còn hiện nay một mặt hàng có hàng trăm nhà sản xuất khác nhau. Khi có nhiều sản phẩm cùng loại để lựa chọn thì thương hiệu là điều kiện tiên quyết. Đơn cử như mặt hàng gạo, Việt Nam nổi tiếng là nước xuất khẩu gạo đứng nhất nhì thế giới, tuy nhiên giá trị mang lại chưa cao. Cùng một loại gạo 5% tấm nhưng gạo của Mỹ có giá 510 – 520 USD/tấn, gạo Thái có giá 400 USD/tấn, còn gạo Việt Nam chỉ bán được 350 USD/tấn.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Công ty Kantar Worldpanel cho rằng dân số Việt Nam ngày càng phân thành nhiều nhóm tiêu dùng khác nhau, trong đó phần lớn là nhóm tiêu dùng từ 25 – 39 tuổi. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm khách hàng đang có sự thay đổi nhiều. Xu hướng chung là mua hàng hóa cao cấp hơn và những sản phẩm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm sức khỏe.
Cạnh tranh càng nhiều bắt buộc doanh nghiệp phải cung cấp được nhưng sản phẩm chất lượng, lành mạnh, sản phẩm mới, tiện lợi.
Chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong thời đại kinh doanh đòi hỏi sự sự cạnh tranh gay gắt, ông Phạm Thiết Hòa – Giám đốc Trung tâm Đầu tư và Xúc tiến thương mại TPHCM (ITPC) cho rằng, so với 5 - 6 năm trước, nhận thức của các doanh nghiệp Việt Nam về vấn đề xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ngày càng cao hơn, có sự tiến bộ rõ hơn. Các doanh nghiệp có đầu tư bài bản và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, vì doanh nghiệp nước ta đa phần là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên việc đầu tư cho xây dựng thương hiệu chưa thực sự mạnh mẽ và còn manh mún trong cách thực hiện. “Doanh nghiệp cần có chiến lược trong hoạt động xây dựng thương hiệu gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư một cách nhanh chóng hơn và quyết liệt hơn” - ông Hòa nhìn nhận.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thương hiệu không chỉ là tài sản của doanh nghiệp mà là tài sản của quốc gia. Chính vì vậy, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia giai đoạn từ 2020 đến 2030. Nội dung Chương trình sẽ có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch,… nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm Việt.