Ngày 4/12, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế Jeju (Hàn Quốc), Kỳ họp thứ 12, Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 chính thức khai mạc.
Hát Xoan Phú Thọ.
Tại Hội nghị diễn ra đến ngày 9/12, hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ và hồ sơ Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ của Việt Nam sẽ được xem xét để đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trong kỳ họp này, nhiều khả năng, Hát Xoan sẽ là di sản đầu tiên trên thế giới có sự chuyển đổi đặc biệt từ danh sách “cần được bảo vệ khẩn cấp” và trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Trước đó, theo Sở VHTT&DL tỉnh Phú Thọ, qua quá trình kiểm kê và cam kết tại 4 phường Xoan gốc và các cộng đồng liên quan, hầu hết ý kiến của các nghệ nhân và thành viên các CLB hát Xoan trên địa bàn đều đánh giá hát Xoan Phú Thọ đã thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.
Từ lúc tỉnh chỉ có hơn 100 đào, kép hoạt động không đều, trong đó quá nửa đã trên 60 tuổi và chỉ có 7 trong số các nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành và truyền dạy, đến nay hát Xoan đã được thực hành thường xuyên tại 4 phường Xoan gốc là Phù Đức, Kim Đái, Thét thuộc xã Kim Đức, An Thái thuộc xã Phượng Lâu và 37 CLB hát Xoan với trên 1.557 người tham gia thực hành hát Xoan.
Con số này tăng hơn 23 lần so với thời điểm trước khi hát Xoan được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo tồn khẩn cấp vào năm 2011…
Hiện Sở VHTT&DL tỉnh đang nâng cấp chuyên trang hát Xoan cả tiếng Việt và tiếng Anh; xuất bản các chương trình nghe nhìn về hát Xoan giúp cộng đồng nhận diện về giá trị hát Xoan.
Cũng nhân dịp này, Hồ sơ đề cử quốc gia “Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam” do Viện Âm nhạc phối hợp với 9 tỉnh, thành phố (từ Quảng Bình đến Khánh Hòa) đã được hoàn thành và gửi đến UNESCO vào tháng 3/2016 cũng được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại điện nhân loại.
Trong lần họp lần này có 35 hồ sơ được hội đồng xem xét đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại điện nhân loại, dự kiến kết quả sẽ được công bố ngày 7/12.