Sáng 12/7 Bộ GD&ĐT họp công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) để xét tuyển vào các trường Đại học (ĐH). Trước đó, một số trường trong đề án tuyển sinh đã yêu cầu điểm xét tuyển phải cao hơn điểm sàn. Nhiều trường ĐH dự kiến điểm chuẩn tùy từng ngành sẽ tăng nhẹ và thêm một số tiêu chí phụ đối với những thí sinh có điểm xét tuyển bằng nhau.
Nhiều trường dự kiến tăng điểm chuẩn
Trao đổi với báo chí, ông Kiều Xuân Thực- Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, cho biết: Điểm nộp hồ sơ xét tuyển vào trường năm nay khả năng sẽ cao hơn năm 2016 từ 0,5 đến 1 điểm tùy ngành.
Năm trước, để xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, thí sinh phải có tổng điểm 3 tổ hợp xét tuyển đạt từ 16 đến 18 điểm tùy ngành, cao hơn khá nhiều so với ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào Bộ GD&ĐT quy định.
Dự kiến điểm chuẩn, theo ông Kiều Xuân Thực, cũng có thể tăng nhẹ ở một số ngành. Năm 2016, điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội từ 19 đến 23 điểm. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển sẽ được nhà trường công bố sau khi Bộ GD&ĐT có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Điểm chuẩn vào trường sẽ công bố theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT.
Đối với trường ĐH Thương mại, thí sinh cần tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 có tổng điểm 3 bài thi/môn thi thuộc 1 trong các tổ hợp xét tuyển, gồm cả điểm ưu tiên theo khu vực, đối tượng cao hơn tối thiểu 2,0 điểm so với ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định và không có bài thi/môn thi nào trong tổ hợp xét tuyển có kết quả từ 1,0 điểm trở xuống.
Thông tin từ trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, lượng hồ sơ nộp vào ĐH Kinh tế quốc dân hồi tháng 4 vừa qua đứng số 3 top 5 trong số các trường có lượng hồ sơ lớn nhất. Dự kiến năm nay điểm chuẩn của nhà trường sẽ tăng nhẹ và tăng không đồng đều giữa các ngành, dự kiến tăng từ 1 đến 2 điểm. Để quyết định đăng ký vào ngành nào đó của nhà trường, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của 1-2 năm trước. Nhìn chung, từ 20 điểm trở lên các em có thể tự tin đăng ký vào trường.
Điểm cao vẫn trượt
Đó là lo lắng của nhiều thí sinh chọn tổ hợp xét tuyển ĐH bằng khối B do năm nay số thí sinh đạt 29 điểm trở lên (chưa kể điểm cộng) của khối này là trên 1.000 em. Không khác so với mọi năm khi đa số thí sinh đạt điểm cao khối B đều có mong muốn vào ngành bác sỹ đa khoa nên lo ngại kịch bản 27, 28 điểm vẫn trượt ĐH như cách đây vài năm là hoàn toàn có cơ sở.
Theo phân tích của TS Lê Đình Tùng - Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo ĐH, ĐH Y Hà Nội, đối với những nhóm trên như bác sĩ đa khoa, bác sĩ răng-hàm-mặt năm nay có lẽ sẽ có sự chuyển dịch theo hướng lên trên. Bởi các em có nguyện vọng vào bác sĩ đa khoa thường có thành tích học tập rất tốt, toàn diện về khả năng và thường cũng lựa chọn nguyện vọng khá ổn định, sẽ ít có sự thay đổi. Nhóm ngành có điểm chuẩn mọi năm từ 26 trở xuống thì sẽ rất khó để lựa chọn, xác định phổ điểm bởi số lượng thí sinh phân tán.
Vì vậy, ĐH Y Hà Nội xác định xét tuyển dựa theo tiêu chí phụ và thứ tự ưu tiên của các tiêu chí phụ dùng để xét tuyển nếu các thí sinh cuối cùng của chỉ tiêu tuyển sinh có điểm thi bằng nhau: Ưu tiên 1 điểm bài thi toán; Ưu tiên 2 điểm môn thi sinh học.
Những thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường ĐH Y Dược Hải Phòng lưu ý, trường quy định 3 ngành có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 22,5 điểm gồm Y đa khoa, Răng hàm mặt và Dược học. Ngành Y học cổ truyền có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào là 20 điểm. Một số ngành khác, quy định ngưỡng thấp hơn như Y học dự phòng (18 điểm); Điều Dưỡng (18 điểm); Xét nghiệm Y học (18 điểm).
Áp dụng tiêu chí phụ
Đối với những thí sinh đăng ký xét tuyển vào Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam lưu trong xét tuyển đợt 1, thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng kí. Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì Học viện sẽ xét thêm điều kiện phụ. Với tổ hợp xét tuyển Toán – Lý – Hóa vào ngành Dược học: ưu tiên 1: môn Hóa; ưu tiên 2: môn Toán. Với tổ hợp xét tuyển Toán –Hóa - Sinh vào ngành Y đa khoa và Y học cổ truyền: ưu tiên 1: môn Sinh; ưu tiên 2: môn Toán. Sau khi xét thêm điều kiện phụ, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn (Nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).
Theo PGS. TS Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay trường thay đổi tiêu chí phụ xét tuyển. Theo đó, trong trường hợp số thí sinh đạt ngưỡng điểm trúng tuyển vượt quá chỉ tiêu nhóm ngành, các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách sẽ được xét trúng tuyển theo các tiêu chí phụ như sau: Tổng điểm 3 môn thuộc tổ hợp môn xét tuyển (không nhân hệ số). Nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.