Dù có nhiều nỗ lực để giảm tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết nhưng ở buôn Ma Giai (xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) vẫn còn tình trạng “cô dâu nhí” lập gia đình khi mới 15, 16 tuổi.
Những “cô dâu nhí”
Đất Bằng là xã cuối huyện Krông Pa - địa bàn đặc biệt khó khăn, cuộc sống người dân nơi đây chủ yếu dựa vào làm nương rẫy. Chia sẻ về câu chuyện tảo hôn ở nơi đây, bà Rcom H’Ploat, Chủ tịch Hội LHPN xã Đất Bằng cho biết, cả xã có 1 câu lạc bộ nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết mới thành lập từ năm 2021, với 30 thành viên. Định kỳ câu lạc bộ sinh hoạt 1 quý 1 lần.
“Mới được thành lập, Câu lạc bộ vẫn chưa thực sự hiệu quả vì nhiều người dân vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của Câu lạc bộ đem lại. Song có thực tế không thể phủ nhận, việc xóa bỏ tảo hôn không dễ thay đổi nhất là khi việc lấy chồng sớm đã trở thành nếp từ xưa của người dân xã Đất Bằng. Nhận thức được điều này, chúng tôi vẫn kiên trì vận động chị em có con trong độ tuổi vị thành niên tham gia, từ từ giúp họ thay đổi nhận thức, giúp giảm dần tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết” - bà Rcom H’Ploat chia sẻ.
Cũng theo bà Rcom H’Ploat, trong 9 tháng đầu năm 2022: Số trẻ sinh ra là 53 trẻ, trong đó số trẻ sinh ra từ phụ nữ dưới 20 tuổi là 11 trẻ, trẻ em là con thứ 3 trở lên 6 trẻ; Số người tảo hôn 28 người.
16 tuổi đã phải đi “bắt chồng” nên chị Hila O Hin, dân tộc Chăm H’roi rất thấu hiểu nỗi vất vả, cơ cực của cuộc sống chưa trưởng thành đã làm mẹ. Cuộc sống càng bất hạnh hơn khi chị Hila O Hin lấy phải người nghiện rượu và thích bạo hành vợ. Sau nhiều năm chịu đựng cảnh bạo hành cuối cùng chị cũng can đảm bước ra khỏi cuộc hôn nhân đầy nước mắt. Để lo cho 2 đứa con có cuộc sống tốt hơn, chị gom góp tiền cho con ăn học song cô con gái cũng chỉ học hết lớp 10 là nghỉ và “bắt chồng” khi ở tuổi 17.
Ở buôn Ma Giai, xã Đất Bằng cũng có nhiều cặp đôi tảo hôn. Các “cô dâu 16 tuổi” (lấy chồng năm 16 tuổi), mà có thể thực ra còn cưới sớm hơn tuổi 16, gương mặt vẫn non choẹt đã địu trên lưng những đứa trẻ còi cọc đứng túm năm tụm ba trước cửa một nhà rông vui vẻ cười đùa.
Khi được hỏi sao không đi học mà lại lấy chồng sớm, vất vả thế, Rơ Lan Hằng 18 tuổi nhưng vóc dáng nhỏ thó chỉ như đứa trẻ mới qua tuổi 13, 14; trên lưng Hằng địu đứa con 16 tháng tuổi hồn nhiên trả lời, bố mẹ bảo cưới, hơn nữa thấy yêu thì cưới. Học xong sợ không “bắt” được chồng nên phải "bắt" chồng sớm.
Thay đổi nhận thức
Tảo hôn sớm không chỉ là thực trạng ở xã Đất Bằng mà còn câu chuyện nhức nhối hiện nay ở vùng đồng bào DTTS. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bà mẹ và trẻ em, làm suy giảm chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương nói riêng và cả nước nói chung…
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025". Ngay sau khi Đề án được ban hành, Ủy ban Dân tộc đã xây dựng Kế hoạch triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án.
Qua 5 năm (2015 - 2020) triển khai thực hiện Đề án, bước đầu thu được một số kết quả khá khả quan. Tình trạng hôn nhân cận huyết thống đến nay đã giảm 4,7% so với năm 2014 (năm 2014 là 26,6%, năm 2018 là 21,9%; bình quân mỗi năm giảm 0,94%/năm). Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống của 53 DTTS là 0,56%, so với tỉ lệ người DTTS kết hôn cận huyết thống năm 2014 là 0,65% đã giảm 0,1% (bình quân mỗi năm giảm 0,02%/năm).
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế, bất cập như: Tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã giảm nhưng tuổi kết hôn trung bình của người DTTS tảo hôn còn thấp (năm 2018 là 17,5 tuổi đối với nam và 15,8 tuổi đối với nữ).
Nhằm đạt được kết quả cao hơn nữa trong thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025", Ủy ban Dân tộc đã tham mưu Chính phủ quyết định tích hợp nội dung của Đề án thành một tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Qua đó, nhằm chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhất là nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, dân tộc có khó khăn đặc thù.