Xóa lợi ích nhóm

Việt Thắng 12/01/2017 09:05

Nếu như phong trào nhà nhà nuôi cá rô phi, cá tra, ốc bươu vàng... để cải thiện bữa cơm, phục vụ xuất khẩu là minh chứng cho một sự yếu kém về tầm nhìn, thì hội chứng sân golf, sân bay, cảng biển đua nhau “mọc” theo kiểu “nén dưa” là biểu hiện của một sự lãng phí, yếu kém trong quy hoạch đã và đang làm phân tán nguồn lực, chồng chéo, gây cản trở sự phát triển của đất nước.

Một thời, nhà máy xi măng “nở rộ” do thiếu quy hoạch.

Năm 2008, khi kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái, tác động lớn đến nền kinh tế trong nước, hội chứng sân golf kiểu “trăm hoa đua nở” được 34/63 tỉnh, thành đua nhau xây dựng tại những vị trí “bờ xôi ruộng mật” đẩy người nông dân ra xa cánh đồng. Các địa phương nối đuôi nhau gửi hồ sơ xin cấp phép xây dựng sân golf, được coi là “bội thực”.

Căng đến mức, ngày 26/11/2009 Chính phủ đã phải có Quyết định Quy hoạch sân golf đến năm 2020, trong đó lưu ý xây dựng sân golf phải bảo đảm phân bố hợp lý trên các vùng và cả nước; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo phát triển hiệu quả và bền vững để chấn chỉnh “một sự thiếu quy hoạch, một sự thiếu tầm nhìn”.

Nhìn vào hội chứng quy hoạch kiểu “trăm hoa đua nở”, có lần Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã từng trải lòng: Chúng ta đã rất sai lầm khi có quá nhiều quy hoạch, thậm chí có cả quy hoạch cá tra, quy hoạch cá rô phi. Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm tăng trưởng hay phát triển thế nào là do thị trường quyết định. Con cá tra chúng ta nuôi sản lượng thế nào đâu phải chỉ do thị trường trong nước, mà còn do thị trường quốc tế với rất nhiều yếu tố tác động.

Theo ông Đông, “đẻ” ra quy hoạch ngành sản phẩm như vậy sẽ không quản lý được. Thậm chí những quy hoạch này còn tạo rào cản cho sản xuất, kinh doanh khi tạo cớ xin-cho. Lấy ví dụ một huyện ngoại thành Hà Nội sau khi có điều chỉnh địa giới hành chính, người dân chờ đợi suốt 9 năm mà vẫn chưa được giải quyết cấp đất kinh doanh do mâu thuẫn về quy hoạch giữa hai sở của thành phố - ông Đông nhìn nhận - nếu quy hoạch tổng thể quốc gia được lập dựa trên chiến lược phát triển quốc gia, mang tính tổng thể và nguyên tắc, sẽ chấm dứt tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong quy hoạch.

Có những con số đáng suy ngẫm trong một báo cáo vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra. Đó là trong 90 sân golf chỉ “có 21 dự án là kinh doanh sân golf thuần túy, 69 dự án khác kết hợp kinh doanh sân golf với bất động sản, khu du lịch, trong đó sân golf chỉ là một dự án thành phần”. Điển hình như: Dự án sân golf Tam Nông (Phú Thọ), tổng diện tích hơn 2.000 ha, trong đó diện tích để xây dựng sân golf chỉ khoảng 172 ha; Dự án Khu du lịch quốc tế Tản Viên (Hà Nội), tổng diện tích hơn 1.200 ha nhưng sân golf chỉ chiếm 222 ha; Dự án Khu du lịch-Đô thị sinh thái Quan Sơn (Hà Nội), tổng diện tích hơn 1.700 ha, sân golf chỉ có trên 161 ha. Đó là: “Trong tổng số trên 15.650 ha đất đã có quyết định thu hồi, thuộc 59 dự án sân golf, diện tích đất sử dụng cho mục đích xây dựng khu du lịch sinh thái, giải trí, trung tâm thương mại chiếm 51%; 41% quy hoạch sân golf và 8% được dành cho xây dựng nhà ở”. Những con số đã phản ánh thực tế, đó cũng là dễ hiểu khi nhân dân lo lắng là những hệ lụy nhãn tiền trong khi ở các thành phố lớn vẫn đang thiếu đất xây dựng các công trình an sinh xã hội, phục vụ đời sống như trường học, bệnh viện thì lại thừa đất để xây dựng sân golf.

Từ con cá rô phi, cá tra cho đến sân golf, cảng biển, sân bay được “đẻ” ra như “nén dưa” là những lực cản cản trở sự phát triển của đất nước. Manh mún thiếu tầm nhìn đan xen lợi ích nhóm đang kìm hãm sự phát triển, cùng đó là sự phân tán đang bào mòn ngân sách và nguồn lực, kéo giảm sự phát triển của đất nước. 63 tỉnh, thành là 63 nền kinh tế thiếu sự liên kết đồng bộ được Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chỉ ra là một minh chứng.

Đã đến lúc cần phải có sự đột phá như chính lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Quy hoạch, diễn ra ngày 10/1: Thay đổi, giải quyết bất cập sẽ có đụng chạm đến một cơ quan, nhóm người nào đó. Có thể họ chưa hiểu hết nên chưa đồng tình, nên trì trệ.

Có thể do ảnh hưởng đến công việc của mình nên không muốn thay đổi. Các Bộ muốn giữ lại các quy hoạch, nhưng giảm quy hoạch sẽ giảm xin-cho. Giờ mỗi Bộ giữ lại một số cái thì không phù hợp. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có quy hoạch điểm kiểm soát, điểm kiểm dịch động thực vật. Không bao giờ chúng ta xây các trạm đó cả, có dịch thì lập trạm, xong rồi giải tán chứ sao phải xây trạm? Không cần thì bỏ đi.

Nhìn từ sâu xa, chính sách được xây dựng từ thực tế chứ không phải từ chủ quan duy ý chí thiếu tầm nhìn, hay nhóm lợi ích. Mà suy cho cùng xây dựng chính sách cũng chính từ con người. Nếu còn những tư duy nhiệm kỳ, những cái bắt tay nở nụ cười rất có thể 63 tỉnh, thành với 63 nền kinh tế thì quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ bị “băm nát”. 2,7km đường Tố Hữu (Hà Nội) với 40 cao ốc có chiều cao 25-35 tầng chỉ là một biểu hiện của quy hoạch đô thị ở Thủ đô, nhưng điều cần thiết vào lúc này là phải khắc phục cho được tình trạng chồng chéo, phân tán, lãng phí và hơn cả là phải tránh cho được tư duy lợi ích nhóm; bo bo giữ lợi ích của mình mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chỉ rõ: “Không thể để tồn tại việc ngành ngành quy hoạch, mỗi tỉnh quy hoạch riêng mà không liên kết với nhau. Một địa phương có kho lại không liên kết với địa phương lân cận. Một nơi có cảng biển thì không liên kết để nơi kế bên làm cảng biển nữa. Nó lãng phí, chia cắt không gian hành chính của tỉnh, vùng”.

Sự trăn trở của một tư lệnh ngành về tư duy đột phá, sự cương quyết của người đứng đầu cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất đặt ra vào lúc này là việc làm cần chấn chỉnh và cương quyết vào lúc này. Để không còn các dự án thua lỗ, lãng phí, đắp chiếu ngàn tỷ đồng cũng chỉ bởi thiếu quy hoạch, thiếu những tầm nhìn cho sự phát triển chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xóa lợi ích nhóm