Từ khi mô hình chuyển sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu được đưa ra, Bắc Quang đã có những bứt phá ngoạn mục.
Việc chuyển đổi từ rộng sang sâu trong sản xuất nông- lâm nghiệp ở Bắc Quang
đã đem lại những bứt phá, trong đó có cây cam.
Bắc Quang là huyện cửa ngõ và cũng là 1 trong 4 huyện động lực của tỉnh Hà Giang. Huyện có nhiều loại cây thuộc nhóm cây chủ lực của tỉnh như: cam, chè... Tuy nhiên, Bắc Quang chưa có sự bứt phá trong nông - nghiệp nông thôn.
Một số mô hình điển hình xuất phát từ Bắc Quang vẫn theo hình thức mô phỏng, chưa hình thành một chương trình nhân rộng. Một số sản phẩm dù tập trung nhiều như cam, chè, rừng nhưng chưa có sự bứt phá vươt trội so với các huyện khác. Sở dĩ có hạn chế này là do chưa tận dụng tốt các chính sách nông nghiệp - nông thôn, việc tổ chức thực hiện vẫn thụ động, chưa linh hoạt. Từ nguyên nhân này, tính đến nay Bắc Quang chưa có một sản phẩm đặc thù, đặc trưng riêng biệt mang tính hàng hóa...
Để khắc phục, Bắc Quang đã đưa ra định hướng cho phát triển nông, lâm nghiệp gắn với thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp mà nòng cốt nhất là sẽ tập trung thay đổi từ phát triển bề chiều rộng sang chiều sâu. Từ khi thực hiện Đề án này, nhiều kết quả khả quan đã được ghi nhận. Theo đó, tính đến cuối năm 2016, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 2.133,5 tỷ đồng, tăng 145,5 tỷ đồng so với năm 2015; tỷ trọng chăn nuôi chiếm 27,7% trong tổng giá trị ngành nông nghiệp, tăng 7,2% so với năm 2015.
Việc chuyển đổi từ rộng sang sâu này đã đưa giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 62,15 triệu đồng/ha, tăng 2 triệu đồng so với năm 2015. Trong đó có một số kết quả ấn tượng, cụ thể như: Đã có 920,2ha cam của 836 hộ trồng được cấp Giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, giải ngân vay vốn hỗ trợ lãi suất để thâm canh cây cam cho 106 hộ, 237 hộ được giải ngân mua trâu, bò với 952 con giống, tổng kinh phí đã giải ngân được trên 32 tỷ đồng...
Tiếp tục thực hiện định hướng sản xuất nông, lâm nghiệp theo chiều sâu, trong những tháng đầu năm 2017 và thời gian tới, huyện Bắc Quang đã và đang tập trung vào phát triển diện tích cam, chè và rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt sẽ nỗ lực đưa cây cam trở thành thương hiệu nổi bật, đặc trưng của huyện. Theo đó, tiến hành mở rộng và phát triển sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP thêm 400ha, nâng tổng diện tích cam VietGAP đến cuối năm 2017 lên 1.103ha; mở rộng diện tích chè VietGAP thêm trên 1.280ha.
Bên cạnh đó, sẽ thành lập Hiệp hội trồng cam của huyện nhằm bảo vệ quyền lợi cho những người trồng cam, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá và bảo vệ thương hiệu cam sành của huyện. Đối với phát triển chăn nuôi, huyện tập trung mạnh thực hiện giải ngân cho các hộ vay vốn chăn nuôi trâu, bò hàng hóa theo Nghị quyết 209… Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện đã có một số DN ở Ninh Bình, Hà Nội, Thanh Hóa tham gia liên kết, liên doanh, hợp tác trong cung ứng giống, vật tư nông, lâm nghiệp cho người dân...