Xóa nợ thuế trong điều kiện những khoản nợ thuế khó đòi, hay đúng hơn là không thể đòi, là điều cần thiết để giảm nợ ảo. Song thực tế cho thấy, xóa nợ thuế là việc không đơn giản.
Trên thực tế, việc xóa nợ thuế không hề đơn giản.
10 năm xóa được 1.122 tỷ đồng tiền nợ thuế
Một thống kê mới đây cho thấy, trong quãng thời gian 10 năm, từ ngày 1/7/2007 đến ngày 31/7/2017, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp được xóa chỉ có 1.122 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 3,3% số nợ không có khả năng thu.
Tính đến ngày 31/12/2018, tổng số tiền nợ thuế do cơ quan thuế quản lý là 75.805 tỷ đồng, trong đó tiền thuế nợ có khả năng thu hồi là 39.295 tỷ đồng, chiếm 51,8%; số còn lại không có khả năng thu hồi. Số nợ thuế không có khả năng thu hồi do người nợ thuế đã chết, mất tích, doanh nghiệp đã giải thể, phá sản nhưng không xóa được nên vẫn tính tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày. Như vậy, mỗi ngày trôi qua, số tiền nợ thuế ảo tiếp tục tăng lên.
Dẫn chứng tại Chi cục Thuế Đống Đa (Hà Nội) cho thấy, tính đến thời điểm ngày 30/4/2019, số nợ thuế không có khả năng thu hồi là 673,8 tỷ đồng, thuộc về 17.591 doanh nghiệp và cá nhân làm ăn kinh doanh. Con số này chiếm 54% so với tổng nợ của Chi cục. Ông Lê Quang Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đống Đa từng nói rằng, đây là số nợ không thể thu được, chủ yếu là các khoản nợ tồn tại nhiều năm.
Mặc dù không thể thu hồi được những khoản nợ thuế trên, nhưng theo Luật Quản lý thuế hiện hành thì cơ quan thuế vẫn phải theo dõi, quản lý, tính tiền chậm nộp. Với số nợ không có khả năng thu hồi trên, mỗi tháng, Chi cục Thuế Đống Đa phát sinh khoảng 6 tỷ đồng tiền chậm nộp. Điều này dẫn đến số nợ mà cơ quan thuế phải theo dõi trên sổ sách là rất lớn, dù thực tế đây chỉ là nợ ảo.
Nợ thuế có nhiều lý do. Một trong số này là người nộp thuế thực sự gặp khó khăn, có thể do nguyên nhân chủ quan, khách quan nhưng trong thời hạn hạn nộp thuế, họ không thể thực hiện nghĩa vụ nộp cho ngân sách nhà nước. Thực tế cũng chỉ ra rằng có những khoản thuế không nộp do doanh nghiệp gặp khó khăn rồi xin phá sản. Theo quy định, cơ quan chức năng phải thu các khoản thuế cho Nhà nước khi doanh nghiệp phá sản nhưng doanh nghiệp không có tiền nên không nộp, dẫn đến nợ xấu thuế ngày một phình to. Khoản nợ thuế ngày một lớn.
Giới chuyên gia cho rằng, với những khoản nợ xấu thuế kể trên, nếu không xóa mà treo nợ thì chi phí quản lý càng lớn hơn. Song với trường hợp nào được xóa nợ thuế hay không xóa nợ thuế cần phải xem xét hợp lý, không thể xóa một cách ào ạt.
Theo Luật Quản lý thuế sửa đổi, có 5 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, đó là: Thứ nhất, doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt. Thứ hai, cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ. Trường hợp thứ ba là các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không có khả năng thu hồi. Thứ tư, tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh không có khả năng phục hồi được sản xuất kinh doanh. Và trường hợp thứ 5 là Chính phủ quy định việc phối hợp giữa cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào ngân sách nhà nước theo quy định tại trường hợp thứ 3 được xóa nợ, trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Muốn xóa cũng không dễ
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, việc xóa nợ thuế rất khó khăn, phức tạp, vì thế số tiền nợ thuế được xóa rất ít. Số tiền nợ thuế mặc dù không thu hồi được vẫn phải tính tiền chậm nộp là 0,03%/ngày (trước đây là 0,05%/ngày). Đây là số tiền nợ ảo vì ngay cả nợ gốc cũng không thể thu hồi thì rất khó để thu được tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính thuế.
Do đó, Luật Quản lý thuế mới làm rõ thêm những quy định về xử lý nợ tiền gốc, tiền phạt, phạt chậm nộp thế nào theo từng cấp độ, từng đối tượng. Luật cũng mở rộng thêm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Cục trưởng Cục Thuế. Tuy nhiên, việc xử lý những khoản nợ đọng thuế lớn phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nếu lớn hơn 15 tỷ đồng thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Trần Xuân Hà cũng cho biết, Chính phủ đã xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xử lý nợ đọng thuế. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, áp dụng các giải pháp được quy định trong Luật Quản lý thuế mới để giải quyết. Trường hợp đặc biệt, không áp dụng được luật mới thì báo cáo Ủy ban Thường vụ xem xét, quyết định. Việc đánh giá lại nợ đọng về thuế phải được hoàn thành trước thời điểm Luật Quản lý thuế có hiệu lực, ngày 1/7/2020.
Theo PGS.TS Lê Xuân Trường – Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, để xóa nợ thuế thì người có thẩm quyền xóa nợ phải xem xét đầy đủ hồ sơ xóa nợ thuế để xác định chính xác xem có đúng đối tượng được xóa nợ không để ra quyết định xóa nợ và chịu trách nhiệm về quyết định xóa nợ của mình, tránh tình trạng trục lợi chính sách.