Thời gian qua, cùng với sự phát triển của đô thị hóa, nhu cầu đối với các công trình xanh cũng ngày một được nâng lên. Đặc biệt là khi Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ hướng tới mục tiêu Net Zero (trung hòa carbon) vào năm 2050.
Tính tới thời điểm này, Việt Nam có hơn 500 công trình xanh với tổng diện tích sàn xây dựng đạt chứng nhận xanh vượt 12 triệu m². Dù số lượng công trình xanh tại Việt Nam đã tăng lên đáng kể mỗi năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hằng năm thì con số này còn khá khiêm tốn.
Công trình xanh đang trở thành xu hướng toàn cầu, mang lại nhiều giá trị dài hạn cho doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh các yếu tố về vị trí, chi phí, người mua nhà đang quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố xanh trong công trình như vấn đề về bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm xã hội của các chủ đầu tư.
Đồng thời, việc phát triển công trình xanh cũng sẽ thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành xây dựng.
Tuy nhiên, hiện nay, sự phát triển của công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn hạn chế. Ông Trần Thành Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Edeec chia sẻ, chi phí đầu tư công trình xanh luôn là câu hỏi đầu tiên của các nhà đầu tư khi có ý định thực hiện các sản phẩm bất động sản bền vững, thân thiện môi trường.
Thực tế, chi phí đầu tư cho các dạng công trình này sẽ phải tăng lên, do các yêu cầu đặc biệt đến từ vật liệu xây dựng, thiết kế, việc đạt được các chứng chỉ xanh… Đây là một trong những khó khăn lớn cho các nhà đầu tư khi bắt tay vào thực hiện công trình xanh.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng cũng phải bỏ ra nhiều hơn để sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Ông Nguyễn Công Bảo, giám đốc CTCP xi măng Fico Tây Ninh, cho biết để sản xuất được xi măng xanh, doanh nghiệp phải đầu tư vào dây chuyền tự động hóa và các thiết bị máy móc có hiệu suất cao hơn, đồng thời cũng phải tập trung nghiên cứu phát triển để tối ưu hóa chi phí, trong đó có việc ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến.
Ngoài ra, Việt Nam hiện thiếu những công ty, tổ chức phát triển các dịch vụ chứng nhận xanh, “tem xanh” cho các vật liệu xây dựng. Điều này cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất “đau đầu” vì dù làm theo các tiêu chuẩn xanh, nhưng rất khó để chứng minh đó là sản phẩm xanh, giảm phát thải.
Cần có bộ tiêu chí để phát triển bền vững các công trình xanh
Kiến nghị giải pháp về phía nhà đầu tư, ông Trần Thành Vũ cho rằng, cần có sự đổi mới ngay từ khâu thiết kế, kỹ thuật, nhằm giúp giảm giá thành của công trình, về mức vừa phải, thậm chí là thấp hơn so với giá thành công trình thông thường hiện tại.
Bên cạnh đó, để phát triển công trình xanh cũng cần chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vật liệu và xây dựng các công trình xanh, cũng như các chính sách hỗ trợ về dịch vụ, năng lượng để giảm giá thành công trình.
Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Giám đốc kỹ thuật của công ty L-Form, trước tiên cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh, xây dựng các công trình xanh. Từ đó, tạo nên một thị trường về các sản phẩm, dịch vụ cho công trình xanh như vật liệu xây dựng, dịch vụ thiết kế, đo đạc… Khi đã hình thành được thị trường, doanh nghiệp cũng dễ dàng tìm được đối tác, từ đó, có động lực để đầu tư xây dựng các công trình xanh.
Ngoài ra, ông Bảo cũng đề nghị cần có bộ tiêu chí đánh giá cụ thể về các công trình xanh và vật liệu xanh nhằm gia tăng sự thống nhất và bền vững đối với các công trình này. Bởi hiện nay, các công trình của Việt Nam đa số được đánh giá theo các bộ tiêu chí của nước ngoài, Việt Nam mới có bộ tiêu chí của công ty Sen Vàng cho công trình xanh, nhưng đây vẫn là bộ tiêu chí của tư nhân.
Hiện nay, Viện Kiến trúc Quốc gia đã biên soạn và lấy ý kiến 2 bản Tiêu chuẩn quốc gia về công trình xanh, phần 1 đối với nhà ở riêng lẻ và phần 2 đối với nhà chung cư. Trong đó, quy định các tiêu chí cụ thể để đánh giá, định lượng cho một yêu cầu cụ thể của công trình xanh, từ tiêu chí tổng thể bền vững, tới tiêu chí sử dụng hiệu quả năng lượng, sử dụng hiệu quả nước, sử dụng hiệu quả vật liệu, chất lượng môi trường trong nhà… riêng với nhà chung cư có thêm tiêu chí về vận hành và bảo trì.