Xử lý để làm gương

Bắc Phong 08/08/2023 06:33

Hiện tượng sạt lở đất trong những ngày qua ở nhiều địa phương gây hậu quả nghiêm trọng chính là lời cảnh báo nghiêm khắc từ thiên nhiên. Giới chuyên gia địa chất đã có nhiều phân tích nguyên nhân cũng như đề xuất giải pháp phòng chống. Nhưng phải chăng chúng ta đã “chậm chân” khi mà biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan ngày một dữ dội?

Sạt lở đất là sự dịch chuyển của một khối hay những tảng đá nhiều kích cỡ kèm theo lượng đất lớn trượt xuống con dốc từ triền núi hay trên đồi cao. Nguyên nhân trực tiếp được cho là do mưa lớn kéo dài, mạch nước ngầm thay đổi, đất ngậm nước lâu ngày mất kết dính. Bên cạnh đó tác động của con người, đặc biệt là việc chặt phá rừng cũng làm giảm sức bền đất đá.

Giới chuyên môn gọi đó là “tai biến địa chất” hết sức nguy hiểm.

Theo ông Thái Bá Ngọc (Khoa Địa chất và dầu khí Đại học quốc gia TPHCM), riêng bờ sông, bờ biển nước ta có đến 2.055 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 2.710 km, trong đó có 91 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Điểm sạt lở ở vùng núi ít hơn nhưng lại đặc biệt nguy hiểm khi kèm theo lũ ống, lũ quét, có khi xóa sổ cả một bản làng. Do phá rừng khai thác gỗ, cây cối cùng với đá sỏi, rác rưởi bị cuốn trôi tạo thành các barie ngăn nước tạm sau bị đổ vỡ tràn xuống gây ra lũ, sức tàn phá của lũ tăng lên gấp bội.

Như vậy, cùng với yếu tố tự nhiên thì tác động của con người đã làm gia tăng tần suất thiên tai, trong đó có lũ lụt, sạt lở.

Những ngày này, dư luận vẫn tiếp tục bày tỏ lo âu trước vụ xói lở đất ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Đất nhão tràn xuống đường “chôn chân” hàng chục chiếc ô tô. Lo âu là bởi rất khó hình dung được một địa phương rất gần trung tâm Thủ đô, địa chất không quá phức tạp nhưng cũng bị xói lở đất.

Nguyên nhân ban đầu được chính quyền huyện xác định là do mưa lớn trong nhiều ngày, nước chảy thành dòng lại gặp một số vật cản từ đất đá, cây gẫy, phương tiện đỗ dừng ven đường gây ách tắc dòng chảy, dẫn đến ngập, úng cục bộ.

Tuy nhiên, nhiều người không đồng ý với cách giải thích ấy, đòi hỏi phải tìm đúng nguyên nhân cũng như xác định trách nhiệm, có giải pháp khắc phục rõ ràng. Dư luận không đồng tình với cách giải thích của đại diện UBND huyện Sóc Sơn khi cho rằng nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ trũng là chuyện bình thường “theo quy luật tự nhiên”.

Nếu vẫn quá đơn giản trước một sự cố xói lở hi hữu như vậy thì có thể nói rằng “theo quy luật xã hội” các sự cố sẽ vẫn tiếp diễn.

Đáng chú ý, cách khu vực sạt lở chỉ vài cây số không chỉ mọc lên nhiều biệt thự nghỉ dưỡng, homestay, nhà cao tầng… mà còn rất "hot" với những dãy lều trại dựng sẵn phục vụ khách dã ngoại dịp cuối tuần.

Việc “lình xình” ở huyện Sóc Sơn về đất đai, đất rừng, rừng phòng hộ, xây dựng... đã kéo dài nhiều năm. Tháng 3/2021, Thanh tra TP Hà Nội đã có thông báo, kết luận và chỉ ra sai phạm về việc quản lý, sử dụng đất rừng, bảo vệ rừng, trật tự xây dựng tại khu vực hồ Đồng Đò. Riêng xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng có hàng trăm công trình vi phạm.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm đất đai, xây dựng tại đây không giảm. Ngày 25/3/2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn có văn bản báo cáo UBND huyện kết quả kiểm tra đất đai, nêu rõ: “Tình trạng vi phạm đất đai tại xã Minh Trí không giảm mà ngày càng phức tạp. Các vi phạm cũ chưa được xử lý dứt điểm, vi phạm mới tiếp tục phát sinh”.

Nói với truyền thông, PGS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho rằng sự cố xảy ra tại Sóc Sơn chính là "lời cảnh báo từ thiên nhiên" cho những tác động thiếu bền vững của con người, khi mà rất nhiều khu resort, homestay được xây dựng. Điều đó đã khiến lớp phủ thực vật bị mất đi, kết cấu địa chất bị tác động, cộng với việc mưa lớn kéo dài khiến lớp đá trầm tích ngấm nước khiến nguy cơ sạt lở, sụt lún tăng cao.

Từ đó, ông Hải cho rằng các cơ quan quản lý của Hà Nội nói chung và huyện Sóc Sơn nói riêng cần nhanh chóng vào cuộc thanh kiểm tra, đánh giá tác động của hoạt động xây dựng trên địa bàn, xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm.

Rừng là lá phổi xanh của trái đất. Rừng bảo vệ và cải tạo đất. Nhờ có tán lá xòe rộng như chiếc ô nên nước mưa không xối thẳng xuống mặt đất, nắng không đốt cháy mặt đất, từ đó lớp đất trên mặt khó bị rửa trôi theo nước mưa. Rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất, không cho dòng chảy quá nhanh, giảm mức độ đột ngột và ác liệt của từng trận lũ.

Nếu rừng vẫn bị chặt phá mà không có biện pháp ngăn chặn thì tai họa vẫn sẽ kéo dài. Mà “vụ Sóc Sơn” cần phải được coi là điển hình; xử lý dứt điểm để làm gương.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xử lý để làm gương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO