Lợi dụng lòng tin của người dân vào tín ngưỡng tôn giáo, một số đối tượng đã lợi dụng để truyền bá mê tín dị đoan làm ảnh hưởng xấu đến phong tục truyền thống, gây ra những hệ lụy không nhỏ cho đời sống, xã hội. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trao đổi với GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam.
PV: Bà đánh giá như thế nào về nhu cầu thực hành tín ngưỡng, tâm linh của người dân trong cuộc sống hiện nay?
GS.TS Từ Thị Loan: Thực tế cho thấy, nhu cầu thực hành tín ngưỡng, tâm linh của người dân ngày càng tăng lên. Điều đó thể hiện ở số lượng cơ sở thờ tự tại các địa phương được xây dựng và tôn tạo ngày càng to, đẹp; các lễ hội được khôi phục nhiều và phát triển với quy mô lớn, số người tham gia các lễ hội, thăm viếng các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng đông... Có nhiều lý do, nhưng cơ bản có một số lý do chính: Một là, nhờ chính sách tự do tôn giáo, tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn gần đây. Năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo và đến năm 2016, Quốc hội ban hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người”. Do vậy các sinh hoạt tâm linh của người dân được phát triển và gia tăng.
Thứ hai, nền kinh tế ngày càng phát triển, đời sống vật chất được cải thiện, các hoạt động thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm, các lễ nghi dân gian... có điều kiện thực hiện. Thứ nữa, xã hội hiện đại với guồng quay công nghiệp tạo nhiều áp lực căng thẳng, cuộc sống ẩn chứa nhiều rủi ro vì thiên tai, dịch bệnh... Do vậy, con người cần có một điểm tựa tâm linh, một chỗ bấu víu về mặt tinh thần, vì thế họ tìm kiếm sự bảo trợ, phù hộ, che chở ở thế giới thánh thần… Thời điểm này, khi dịch bệnh Covid -19 đã lẵng xuống, người dân lại đi lễ đền chùa cầu an cho một năm mới an lành, đó cũng là một phong tục văn hóa đẹp của dân ta.
Thế nhưng, nhiều đối tượng đã lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi bằng những hành vi mê tín dị đoan, dâng sao giải hạn...?
- Quả thực, ngày càng xuất hiện nhiều hiện tượng mượn văn hóa tâm linh để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Nhiều đối tượng lợi dụng lòng tin và sự thiếu hiểu biết của người dân để trục lợi, gieo rắc mê tín dị đoan. Chẳng hạn, trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, bên cạnh các chân đồng - đồng thầy chân chính cũng có không ít “đồng đua”, “đồng đú”, đồng giả hiệu núp dưới danh nghĩa “hầu Thánh” để phán truyền, dọa nạt, kiếm tiền từ con nhang đệ tử. Cùng với đó còn có loại hình khác như: cầu cúng, tế lễ thái quá, rình rang tốn kém, xem tướng, bói toán…
Khác với việc thực hành tôn giáo, tín ngưỡng thường mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng, hiện tượng mê tín dị đoan là reo rắc sự mê muội, mù quáng dẫn đến những hậu quả xấu cho cá nhân, gia đình, cộng đồng về sức khỏe, tâm lý, tài sản, thậm chí là cả tính mạng, gây tác động tiêu cực đến sự ổn định của xã hội.
Những trường hợp bị lợi dụng không chỉ là những người thiếu hiểu biết, thậm chí cả những người có trình độ học vấn cao, có hiểu biết sâu về khoa học vẫn tin vào những điều mê tín dị đoan. Theo bà nguyên nhân do đâu?
- Trong xã hội hiện đại có rất nhiều vấn đề nảy sinh, con người ngày càng phải đối mặt với nhiều rủi ro, bất trắc, tai ương. Họ không lý giải được và đành tìm đến những liệu pháp tâm linh để trấn an, hoặc để cầu tài, lộc, cầu phúc, cầu duyên, cầu con cái, cầu chức quyền... Đó cũng là lý do khiến nhiều người có trình độ học vấn cao, có hiểu biết vẫn tin vào vận số, vào những tiên đoán của thầy bói, lá số tử vi hay các thế lực siêu nhiên... Niềm tin vào số mệnh giúp người ta đương đầu với bệnh tật, với cái chết, với những thử thách của cuộc đời, lý giải những biến cố, vận hạn trong kiếp người, từ đó tìm cách chung sống và vượt qua… Tất cả đều là do sự thiếu tự tin vào bản thân cũng như tâm lý “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”.
Cơ quan quản lý nhà nước và người dân cần làm gì để bài trừ mê tín dị đoan, thưa bà?
- Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, trước hết phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tín ngưỡng, tôn giáo. Các cơ quan báo chí, truyền thông, dư luận xã hội phải vào cuộc phê phán, lên án các biểu hiện tiêu cực của mê tín dị đoan. Các nhà khoa học tích cực phổ biến kiến thức, kỹ năng giúp người dân tránh sa vào những niềm tin mù quáng, mê muội. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả công tác quản lý tín ngưỡng, tôn giáo; rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với đời sống tâm linh, có các chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe để kịp thời xử lý các hành vi trục lợi mê tín dị đoan của các tổ chức, cá nhân. Trong tình hình hiện nay, bài trừ mê tín dị đoan phải đi liền với tăng cường quản lý lễ hội, tránh tình trạng phát triển tràn lan, thiếu kiểm soát; quản lý tốt các di tích lịch sử - văn hóa, cơ sở thờ tự, tạo dựng một môi trường sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh.
Về phía người dân, cần tỉnh táo, sáng suốt trước các chiêu trò buôn thần bán thánh của những kẻ trục lợi tâm linh, tự trang bị các kiến thức, cách ứng xử trước những lừa phỉnh, dụ dỗ của các “dịch vụ tâm linh”; tự tin vào bản thân và nỗ lực phấn đấu trong cuộc sống. Đặc biệt, cần phát huy vai trò các linh mục, cha xứ, thủ nhang, đồng đền, sống “tốt đời, đẹp đạo”, làm gương cho cộng đồng tín ngưỡng. Khuyến khích các bậc tu hành, người thực hành tín ngưỡng hành xử phù hợp với giáo lý, đạo pháp và truyền thống dân tộc, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của văn hóa tôn giáo, tín ngưỡng.
Trân trọng cảm ơn bà!