Nhiều ý kiến đồng tình với việc một số trường học đang áp dụng hình thức phạt học sinh khi vi phạm nội quy bằng yêu cầu đọc sách có giám sát của giáo viên, viết bài cảm nhận gửi về nhà trường. Dẫu vậy, không phải lỗi nào, lúc nào cũng nên áp dụng phương pháp này.
Hình phạt thay đổi nhận thức
Thay vì dọn dẹp vệ sinh, viết bản kiểm điểm, học sinh Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) nếu vi phạm các lỗi như: Bỏ áo ngoài quần, nhuộm tóc, sơn móng tay, mang giày cao gót, đi học trễ,… sẽ phải lên thư viện đọc sách hạt giống tâm hồn và viết tóm tắt nội dung câu chuyện đã đọc trong sách; sau đó ghi cảm nghĩ và áp dụng đối với bản thân. Cụ thể, vào chiều thứ 3, 5, 7 có giờ sinh hoạt các câu lạc bộ của trường, hết tiết 5 các học sinh phạm lỗi sẽ ở lại để đọc sách đúng 1 tiết học là 45 phút. Việc này được nhà trường thông báo với phụ huynh để nắm và tiện đưa đón con.
Theo ông Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng nhà trường, cách làm này thực chất là giáo dục, không phải là phạt với mong muốn giúp các em thay đổi về nhận thức, từ tác phẩm văn học, từ nhận thức biến thành hành động, giúp các em trưởng thành. Sau thời gian áp dụng, nhà trường nhận thấy học sinh hưởng ứng và thích, chia sẻ lên mạng, tạo sự lan tỏa. “Việc mình làm mà học sinh thích và có chuyển biến về nhận thức là bước đầu thành công rồi” – ông Phú cho hay.
Hình thức kỷ luật mang tính tích cực này cũng đang được áp dụng tại một số trường khác ở nước ta và nhận được những phản hồi tích cực của cả học sinh và phụ huynh. Không gọi tên là hình phạt, càng không mang ý nghĩa trừng phạt, những hình thức giáo dục phù hợp với học sinh nhằm giúp các em ý thức được cái chưa đúng, giúp các em tiến bộ hơn được các nhà trường chú trọng đề cao. Trong đó, giáo viên là người trực tiếp giáo dục học sinh cần có sự lắng nghe, thậm chí tìm hiểu nguyên nhân khi trẻ thường xuyên mắc lỗi để có biện pháp xử lý.
Như trong câu chuyện thương tâm xảy ra với nữ sinh ở Nghệ An, khi thấy học sinh nhiều lần xin nghỉ học, giáo viên đã có tìm hiểu và trao đổi với học sinh, gia đình của em. Rất tiếc sau đó sự việc không được xử lý rốt ráo, dứt điểm dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Không ngại mang tiếng “phạt” học sinh
Trên thực tế, việc học sinh vi phạm nội quy là chuyện thường xuyên xảy ra tại các trường học. Vô vàn các lỗi học sinh hay mắc và có thể tái phạm nhiều lần dù giáo viên liên tục nhắc nhở, uốn nắn nhưng “đâu vẫn hoàn đó”. Điển hình vừa qua, vụ việc nữ sinh Trường THPT Đội Cấn (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị cô giáo cầm kéo cắt tóc ngay giữa lớp học nhận được sự quan tâm của dư luận. Nguyên nhân là do em học sinh nhuộm tóc, dù cô giáo đã nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn không thay đổi, nên cô cắt tóc để cảnh cáo em.
Chưa bàn đến cách làm này có khiến học sinh “ngấm”, sẽ không tái phạm trong tương lai hay không nhưng thực lòng khó để cảm hóa học sinh hay có tác dụng nêu gương với những học sinh khác. Tương tự, những cái tát trong lúc nóng giận, những lời nói thiếu kiềm chế của giáo viên đối với hành vi sai phạm của học sinh sẽ không thể giúp các em nhận ra lỗi lầm của mình hoặc có ý thức sửa sai.
Là giáo viên chủ nhiệm nhiều năm liền, cô giáo Tú Anh (Trường THPT Việt Nam - Ba Lan, Hà Nội) chia sẻ, cô không bao giờ “ngại” mang tiếng phạt học sinh. Học sinh vi phạm thì chấp nhận bị phạt, đó là quy định và cũng là nguyên tắc ngay từ khi nhận lớp cô trò sẽ cùng thống nhất. Các hình phạt cũng đa dạng tùy mức độ vi phạm ít hay nhiều, lần đầu hay tái phạm liên tục. Tuy nhiên, dù áp dụng hình thức kỷ luật nào cũng đều cần một thái độ bình tĩnh, bao dung để cảm hóa các em bởi chỉ có điều gì xuất phát từ trái tim mới đến được với trái tim. Tuyệt đối không dùng những lời lẽ không phù hợp hoặc nóng vội xử phạt trong lúc bức xúc sẽ dễ dẫn đến hậu quả là phản giáo dục.
Nhiều nhà trường có những quy định cụ thể, nội quy về khen thưởng và kỷ luật dành cho học sinh. Tuy nhiên, giáo viên là người trực tiếp thực hiện việc kỷ luật tùy từng trường hợp, từng hoàn cảnh mà đưa ra cách xử lý vi phạm theo mức độ tăng dần từ nhắc nhở đến đưa lên hội đồng kỷ luật nhà trường.
Theo các chuyên gia tâm lý học đường, để xử phạt hiệu quả học sinh, giáo viên không nên quá cứng nhắc mà phải tạo cho trẻ tính tự giác sửa sai mới đạt mục tiêu giáo dục. TS Trần Thành Nam - Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, lý thuyết về kỷ luật tích cực hầu như không xa lạ với giáo viên ngày nay. Tuy nhiên, áp dụng kỷ luật tích cực phải có điều kiện tiên quyết là kiến tạo mối quan hệ gần gũi và thân thiết với học trò. Khi cô giáo đã thực sự trở thành “người mẹ hiền” thì những hình thức kỷ luật tích cực cô đưa ra mới được học trò tự nguyện thi hành.
“Để áp dụng kỷ luật tích cực với học sinh, đầu tiên giáo viên cần hiểu được nguyên nhân tại sao học sinh ứng xử sai. Thầy cô phải có kĩ năng nhận diện và kiểm soát cảm xúc của mình. Phải nhận ra “điểm tới hạn” cảm xúc để có thể làm dịu đúng lúc” - TS Trần Thành Nam (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhấn mạnh.