Xu thế mua sắm mới: Lên mạng, săn hàng nội địa Trung Quốc!

Thảo My - Đình Long 18/05/2022 14:14

Sau hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng cơ hội để mở rộng thị trường qua các sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước đều gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các mặt hàng nội địa Trung Quốc với những lời quảng cáo có cánh.

Khi người Việt không mua hàng của người Việt

Lướt một vòng trên các sàn thương mại điện tử lớn, đặc biệt là Shopee và Lazada, không khó để tìm thấy những món đồ nội địa Trung Quốc với đủ loại hình dạng, mẫu mã đẹp mắt. Các mặt hàng trên cũng rất đa dạng, từ thực phẩm chức năng, tới quần áo, mỹ phẩm... và giá cả rẻ hơn gần như một nửa so với các nhãn hàng đến từ Việt Nam.

Không thể không nói, những món hàng xuất phát từ nội địa Trung Quốc được chào mời trên các sàn thương mại lớn kia có một ma lực rất lớn với đối tượng khách hàng trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên ưu tiên “ngon - bổ - rẻ”.

Giá ship trung bình chỉ 10k từ Trung Quốc về Việt Nam. Chưa kể khi áp dụng các voucher giảm giá sản phẩm cũng như freeship.

Các loại hình thương mại điện tử được tạo ra thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là các đối tượng khách hàng trẻ, thường là những người có trình độ nhất định về tin học công nghệ.

Với ưu điểm khắc phục được vấn đề về khoảng cách địa lý, đồng thời có rất nhiều mã ưu đãi giảm giá, đây là một vùng đất màu mỡ để cho các bạn sinh viên hoặc người mới đi làm chưa có nguồn tài chính ổn định săn được những món đồ giá rẻ mà vẫn đi kèm với chất lượng tốt thay vì các loại hình mua bán truyền thống như siêu thị, chợ dân sinh hay các chuỗi cửa hàng tiện lợi.

Chỉ cần ở nhà, với vài cú click chuột, bạn đã có thể đặt những món đồ từ những người bán hàng cách xa cả ngàn cây số.

Mọi loại ngôn ngữ đều được dịch ra tiếng Việt, hoặc tiếng Anh bằng hệ thống dịch tự động giúp người mua chỉ cần ở nhà cũng có thể dễ dàng giao tiếp với người bán hàng, thương lượng hoặc đặt thắc mắc khi có vấn đề về sản phẩm.

Điều này đã khiến những món hàng nội địa Trung Quốc được các bạn trẻ người Việt săn đón nhiệt tình.

Nếu trước kia, mua bán phải thông qua một người thương lái đi nhập hàng ở tận Trung Quốc, rồi mang về bán và giá cả bị độn lên cao hơn gấp nhiều lần so với giá trị thực tế của nó. Ví dụ, khi bạn mua một thỏi son nội địa Trung, nếu bạn mua ở một cửa hàng bất kì, giá cả thường sẽ rơi vào khoảng 90.000 - 100.000 đồng, trong khi tại các sàn thương mại điện tử, giá cả chỉ rơi vào tầm 40.000 - 50.000 đồng.

Đó là chưa kể, tại những sàn này thường xuyên tổ chức các sự kiện khuyến mãi kèm các ưu đãi lớn, thường là trừ thẳng vào tiền mua hàng khiến các món hàng này đã rẻ nay càng thêm rẻ.

Một trong những nghịch lý của các sàn thương mại điện tử, là khi giao hàng từ các cửa hàng quốc tế, chi phí vận chuyển thường ít hơn rất nhiều so với mua từ một cửa hàng trong nước.

Chỉ với 10.000 đồng chi phí vận chuyển, các món hàng từ nội địa Trung Quốc sẽ được giao tận tay người mua, trong khi mặc dù chỉ giao hàng ở trong nước, tiền phí vận chuyển có thể bị đẩy lên cao hơn rất nhiều. Từ TP HCM ra Hà Nội, phí vận chuyển có thể rơi vào từ 30.000 đến 50.000 đồng.

Chi phí cao, đắt đỏ là một trong những nguyên nhân mà các cửa hàng trong nước thường không được ưa chuộng bằng những cửa hàng đến từ nước bạn.

Giá thành rẻ, mặt hàng đa dạng, hàng nội địa Trung trở thành lựa chọn ưu tiên của nhiều bạn trẻ.

Ma trận bán hàng nội địa Trung Quốc

Hầu hết các mặt hàng trên các sàn thương mại điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc đều rất đa dạng về mẫu mã, số lượng, trải dài trên các ngành nghề từ dệt may, y tế, mỹ phẩm... trong khi đó, những mặt hàng có nguồn gốc từ Việt Nam gần như không xuất hiện trên Shopee.

Kể cả có xuất hiện, thì giữa ma trận hàng Trung Quốc với đủ loại mẫu mã công năng, hàng Việt Nam sản xuất vẫn bị lép vế hoàn toàn.

Chính vì vậy, để có thể làm ăn có lãi, nhiều thương lái Việt Nam đã nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam để rao bán trên các sàn điện tử. Một trong những trang web được các thương lái tin dùng là Taobao, nơi được coi là “sàn thương mại điện tử nội địa Trung”.

Sau khi đặt hàng và phải chịu thuế cũng như thời gian và chi phí vận chuyển, hàng sau khi đến tay người dùng đã bị độn lên nhiều lần, khiến người mua cũng phải đắn đo khi móc hầu bao.

Những năm gần đây, những nguồn cung hàng cho các thương lái Việt Nam trên Taobao đã dần dần chuyển hướng sang tấn công thị trường tiềm năng như các sàn thương mại điện tử quốc tế. Điều này đã khiến các thương lái Việt Nam gặp khó khăn khi vừa mất nguồn hàng, vừa mất khách và còn phải cạnh tranh về giá cả với chính những nguồn nhập hàng của họ ở phía Trung Quốc.

Đây là một trận chiến không cân sức khi các nhà bán hàng người Việt Nam bắt buộc phải để giá cao để bù lỗ. Trong khi đó, các nhà bán hàng người Trung Quốc chỉ mất chi phí vận chuyển thấp, không sợ bị tồn hàng, còn được hưởng các ưu đãi chung trên sàn.

Có thể nói, hàng nội địa Trung Quốc chất lượng cao giá lại rẻ thì vui cả làng, chỉ có thương lái Việt Nam là khóc!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xu thế mua sắm mới: Lên mạng, săn hàng nội địa Trung Quốc!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO