Xuân Bắc, Tự Long cùng nhóm nghệ sĩ đã dàn dựng một vở kịch đặc biệt, mang nhiều ý nghĩa về cuộc đời nghệ sĩ trong chương trình “Ấm tình nghệ sĩ”.
Trao quà cho các nghệ sĩ lão thành, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Tối 5/6, chương trình “Ấm tình nghệ sĩ” đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô (Hà Nội). Chương trình là tâm huyết của gần 100 nghệ sĩ với mong muốn tạo nguồn kinh phí cho công tác thiện nguyện, giúp đỡ các nghệ sĩ lão thành có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, chương trình cũng tri ân những đóng góp của các nghệ sĩ cho đời sống hoạt động nghệ thuật nước nhà.
Toàn bộ nghệ sĩ tham gia chương trình như NSND Tự Long, NSƯT Xuân Bắc, Công Lý, diễn viên Lan Hương, ca sĩ Tùng Dương, Đàm Vĩnh Hưng… đều không nhận cát xê. Tuy vậy, các nghệ sĩ vẫn rất tâm huyết với chương trình. Họ không chỉ đóng góp các tiết mục bằng lời ca, tiếng hát của mình mà còn trực tiếp quyên góp tiền, vận động các nghệ sĩ đóng góp cho quỹ.
Kết quả, chương trình đã thu về gần 500 triệu để trao tặng cho hơn 20 hoàn cảnh nghệ sĩ khó khăn như NSND Trần Tiến, NSND Đàm Liên, NSƯT Linh Dược, nghệ sĩ xiếc Ngô Tuyết Hoàng… Riêng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã quyên góp ngay 100 triệu đồng để bày tỏ lòng tri ân không chỉ với tổ nghề mà còn với cả những đồng nghiệp của anh.
Số tiền trao tặng tuy không lớn nhưng là nguồn động viên tinh thần cho các nghệ sĩ. NSND Lê Tiến Thọ, trưởng BTC chương trình cho biết: “Trên thực tế có nhiều nghệ sĩ dù ốm yếu, bệnh tật nhưng luôn giấu bệnh. Họ muốn khán giả nhớ đến mình khi vẫn còn phong độ, hăng say với nghề, đam mê trên sân khấu chứ không phải là hình ảnh ốm đau trên giường bệnh. Đó là sự trân trọng của nghệ sĩ với khán giả. Trong hoàn cảnh đó, thì các nghệ sĩ phải giúp đỡ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.
Vở kịch "Điều còn mãi".
Trong chương trình “Ấm tình nghệ sĩ” có một tiết mục đặc biệt mang tên “Điều còn mãi”. Vở kịch được các nghệ sĩ Xuân Bắc, Tự Long cùng nhóm các nghệ sĩ lên ý tưởng và dàn dựng.
Qua vở kịch này, khán giả không chỉ thấy được ánh hào quang trên sân khấu mà còn cả những góc khuất, những khó khăn mà các nghệ sĩ phải đối mặt. Có những tình tiết hài, lại có những khi khán giả sẽ phải rơi nước mắt. Kết lại vở kịch là tình người ấm áp, giữa nghệ sĩ với nghệ sĩ, tạo sự đồng cảm và thấu hiểu của khán giả về nghệ sĩ hơn.
Thông qua vở kịch kéo dài 30 phút, nghệ sĩ Xuân Bắc – người chịu trách nhiệm nội dung về chương trình muốn nhấn mạnh đến thông điệp: “Đời người nghệ sĩ như con tằm nhả tơ, cứ rút ruột nhả những sợi tơ tốt đẹp cho đời, gắn kết tình cảm con người với con người, kết nối trái tim với trái tim. Đó là những điều tốt. Nghề nghệ sĩ không hề bạc mà nghề nghệ sĩ rất tuyệt vời. Nếu kiếp sau được làm người, chúng tôi vẫn sẽ xung phong làm nghệ sĩ”.
Bên cạnh vở kịch, chương trình có có những bài hát, điệu múa, sân khấu để tôn vinh người nghệ sĩ. Các tiết mục mang không khí tươi vui, tưng bừng đúng như bản chất của sân khấu, cũng như không thiếu những giọt nước mắt và muôn mặt showbiz như “Tình nghệ sĩ” (Tùng Dương), “Vọng cổ tình nghệ sĩ” (Trà My), “Tâm sự người ca sĩ” (Việt Hoàn), “Đam mê” (Tuấn Hưng)…
Đan xen giữa các tiết mục là các video clip “Thăng hoa”, “Thân phận” phác họa cuộc sống người nghệ sĩ, có lúc họ thăng hoa bay lên, có lúc là những nỗi buồn, thực tế khắc nghiệt cần được san sẻ.
Sau chương trình thành công này, các nghệ sĩ đều bày tỏ mong muốn sẽ được tổ chức thêm ở miền Trung, miền Nam rồi thành chương trình thường niên của giới nghệ sĩ, cho người nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Xuân Bắc chia sẻ thêm, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng, trước hết từ chính những người trong nghề. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều nghệ sĩ sẵn sàng giúp đỡ “Ấm tình nghệ sĩ” để chương trình ngày càng mở rộng hơn trong tương lai.