Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Trước tôi là tập Báo Cứu Quốc (Chi nhánh Liên Khu IV). Phải mò đến đây để dò cho đến ngọn nguồn lạch sông… Bởi đương phân vân về thời điểm và hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng.
Đây rồi. Tờ Cứu Quốc số 3 ra ngày 19/5/1949.
Bài báo với tiêu đề “Hồ Chủ tịch đi thuyền thăm Mặt trận”.
Xin trích ra đây một đoạn trong bài báo:
… Đêm rằm tháng Giêng, Hồ Chủ tịch cùng các nhân viên tùy tùng đi thăm Mặt trận X. gần sông Y. (sau này công khai rồi, mọi người mới biết đó là sông Đáy- X.B) chảy qua vị trí địch. Cụ ngồi trên một chiếc thuyền con. Đằng sau thuyền là thuyền của Ban chỉ huy, vài nhà báo và Đội vệ binh.
Tới giữa sông, Hồ Chủ tịch ra lệnh dừng thuyền lại. Cụ nói chuyện với Ban chỉ huy và dặn đi dặn lại, cần phải ưu đãi tù binh và những ngụy binh đã chạy sang hàng ngũ ta. Đối với bộ đội phải thưởng phạt công minh, phải thi đua đánh mạnh và lập công… Rồi Cụ quay sang nhắn nhủ chúng tôi “các nhà báo phải hiểu quân sự. Cái gì bí mật thì đừng đăng…”.
Gần khuya, trăng lạnh sương nhiều. Các vị trí địch bị màn sương bao phủ. Đoàn thuyền lại thong thả trở về. Nhìn trăng, Hồ Chủ tịch đọc:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Nghĩa của bài thơ:
Đêm nay rằm tháng giêng trăng vừa tròn
Cảnh sông xuân nước xuân tiếp liền với trời xuân
Giữa nơi khói sóng mù mịt
Nửa đêm về thuyền đầy ánh trăng.
Cụ đọc xong, ông Xuân Thủy nói:
“Thưa Cụ, xin Cụ cho phép dịch nôm để đăng báo”. Cụ bảo “trong câu thứ hai có chữ xuân thủy… Vậy Xuân Thủy dịch đi”.
Ông Xuân Thủy trầm ngâm trong giây lát rồi cất giọng dịch như sau:
Rằm xuân trăng đẹp trăng tươi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Mọi người đều vỗ tay khen dịch mau.
(Cũng cần nói thêm, qua ông bạn Nguyễn Ngọc Báu, nguyên phóng viên thông xã Ba Lan PAP và sau này là phóng viên Báo Tiền Phong, cháu gọi nhà thơ Xuân Thủy bằng bác ruột, người hiện còn giữ nhiều tài liệu, bút tích về nhà ngoại giao kiêm thi sĩ Xuân Thủy. Ngọc Báu đã đưa tôi thêm hai bản dịch sau này của Xuân Thủy về bài “Nguyên tiêu”.
Xin được dẫn ra đây:
Rằm xuân vằng vặc trăng soi
Xuân sông, xuân nước, xuân trời đẹp thay
Việc quân bàn giữa sương dày
Khuya về bát ngát thuyền đầy ánh trăng.
Bản dịch nữa:
Rằm tháng giêng trăng tròn vành vạnh
Liền sông xuân, nước xuân trời xuân
Nơi khói sóng luận bàn quân sự
Khuya thuyền về ăm ắp trăng ngân.
Ít lâu sau, bản dịch đầu cùng hai bản dịch nói trên đã được đưa vào “Tuyển tập Xuân Thủy”, NXB Văn học, 2000).
Như mọi người biết, Xuân Thủy còn dịch nói đúng hơn là chuyển ngữ nhiều bài thơ của Bác như Tin thắng trận (Báo tiệp), Đêm thu (Thu dạ) Tặng Bùi Công, Vô đề, Thất cửu… khá đạt và lọn nghĩa.
Mọi người hẳn nhớ bài Thất cửu (Sáu mươi ba tuổi) của Bác. Sau này có nhiều người dịch. Có vị mới ngó đầu đề bài thơ đã vội vàng suy diễn ngớ ngẩn thất cửu là chín lần chín- nghĩa đen là rất chín chắn mà không biết được Bác đã dùng lại cách gọi, kiểu biểu đạt tuổi của người xưa.
Đó là cách dùng số nhân để chỉ tuổi. Cách dùng số nhân để chỉ tuổi đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng làm tiêu đề cho bài thơ Thất cửu (7x9 = 63) của mình (Sáu mươi ba tuổi).
Và cũng chỉ Xuân Thủy mới nắm bắt được thông điệp của Bác qua ngữ nghĩa cô đọng hàm súc bằng cách chuyển ngữ tài tình.
Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba mình nghĩ vẫn là đương trai
Sống quen thanh đạm nhẹ người
Việc làm tháng rộng ngày dài thung dung.
Và với “Nguyên tiêu” – “Rằm tháng Giêng” xuất thần trên con thuyền năm ấy trên sông Đáy vẫn là một bản dịch được coi là trọn vẹn. Bản dịch “Nguyên tiêu” của Xuân Thủy đăng trên Báo Cứu Quốc thời điểm đó đã lần lượt được công bố hơn nửa thế kỷ nay.
Đáng chú ý, “Nguyên tiêu” trong các bản dịch sau, trong câu đầu Xuân Thủy đã thay cụm từ trăng đẹp bằng lồng lộng. Và từ cuối chữ “tươi” bằng chữ “soi”. “Rằm xuân trăng đẹp trăng tươi” thành “rằm xuân lồng lộng trăng soi”.
Nghĩ đến cái duyên với thơ của Xuân Thủy, bất giác nghĩ đến Hội nghị Ba Lê lê thê suốt năm năm với 501 cuộc họp công khai, hơn 40 cuộc tiếp xúc bí mật, hơn 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn (riêng Bộ trưởng Xuân Thủy đã chiếm non nửa số cuộc phỏng vấn)
Thử lật thêm chút dòng hồi ký của nhà ngoại giao, thi sĩ Xuân Thủy.
17/1/69. Chia tay Hariman. Chia tay có lẽ không bao giờ gặp lại? Xuân Thủy tặng Hariman tập sách văn học Việt Nam và giáo dục Việt Nam.
Sau đó Xuân Thủy, Thọ (cố vấn Lê Đức Thọ sang Paris ngày 13/8/68-X.B) Hà Văn Lâu mời Hariaman sâm banh chả rán, giò nạc, phồng tôm và tôm rán.
(Trước đó, nhà ngoại giao Mỹ sừng sỏ đã tặng nhà thơ Xuân Thủy tập thơ từ thời Périclès – thế kỷ V tr.CN với lời ghi đầu sách “Kính tặng Bộ trưởng Xuân Thủy. Nhà thơ. Paris 31/10/1968”. Sự kiện này không thấy Xuân Thủy ghi trong nhật ký? - X.B).
Một chút bâng khuâng... Có lẽ đó là những năm tháng đắc ý nhất trong đời làm ngoại giao của Bộ trưởng Xuân Thủy và nói rộng cả nền ngoại giao nước mình? Vị thế Việt Nam thời điểm ấy dường như đã chắp thêm cho các sứ thần Việt Nam như Xuân Thủy những sải bước ngoại giao khoát hoạt, tự tin? May nữa mẫn cảm của một thi sĩ như Xuân Thủy đã biết thay đổi cảm hóa những trạng huống trớ trêu bất ngờ, hóa giải thứ chính trị thô cứng thành hòa dịu.
Mới đến Paris ít ngày, ông ngồi với đủ loại. Ngày 15/7/68 Arthur Miller nhà soạn kịch nổi tiếng tìm gặp Xuân Thủy với đề nghị hài hước Xuân Thủy và Hariman nên tuyên bố cho đàn bà trẻ con hai miền Nam Bắc đổi chỗ cho nhau. Như thế Mỹ sẽ không dám ném bom…
Xuân Thủy đã không biến các cuộc họp báo liên miên thành gánh nặng cực hình. Một đoạn đối thoại trong lúc rảnh rỗi giữa Trưởng đoàn Xuân Thủy và các nhà báo trong đó có cô phóng viên tờ New York Times.
Ngài có quan tâm đến thời trang Paris? Ngài có thích váy ngắn không. Xuân Thủy: Cũng tùy từng lúc. Cô nhà báo: Váy ngắn cũng sắp hết thời rồi. Xuân Thủy: Nghĩa là không ngắn hơn được nữa hả?
Ngồi với nhà báo Madeleine Riffaud. Madelein nói chuyện dịch thơ. Cô chê một số nhà thơ Việt dịch dở. Dịch theo vần nên sai nghĩa. Cô thí dụ bài “Không giam được trí óc” của Xuân Thủy. Cô nói đã phải chữa lại nhiều không thì các nhà thơ Pháp sẽ cười Xuân Thủy làm thơ dở ẹc!
Nhật ký trong cuốn hồi ký có những dòng rất gợi.
12/5/68. Ăn cơm với Cảnh sát trưởng Paris là người Việt học Albert Sarraut cùng lớp với ông Hoàng Minh Giám. Ngoài 20 tuổi mới về Paris.
Tham quan thưởng lãm mọi ngóc ngách của Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre Dame) nghe cô phiên dịch xuýt xoa rằng là người chuyên giới thiệu Nhà thờ Đức Bà nhưng là lần đầu tiên được đi khắp nơi trong nhà thờ. Xuân Thủy cảm khái.
Khi yêu anh chìa khóa lòng em mở hết
Rồi đây lên thiên đàng hay vào cõi chết
Nhớ em chăng anh hỡi, Notre Dame!
16/5/68. Chiều, nhấm nháp chút ít và lan man chuyện với nhà báo Wilfred Burchett. Tối, Ngoại trưởng Pháp chiêu đãi… Tối nghĩ thêm nội dung trả lời truyền hình Mỹ NBC.
Những ý nghĩ ngồ ngộ khi ngồi thuyền dạo sông Seine chợt nghe tin vợ cựu Tổng thống Kennedy lấy chồng 19/10/68.
Những gạch đầu dòng cương nhu cho cuộc gặp bí mật với Hariman về sự kiện lớn Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. 30/10/1968…
Lẩn thẩn nghĩ thêm, Học viện Ngoại giao xứ mình lâu nay liệu có công trình nào về những dòng nhật ký Ba Lê, một di sản của nhà ngoại giao Xuân Thủy? Để tiếp tục cái ý trong câu Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn tặng Xuân Thủy. Câu ấy là “Xuân bất tận, Thủy trường lưu”.
Nhớ thêm lời bộc bạch của cụ Trường Chinh nhân 75 năm kỷ niệm ngày sinh Xuân Thủy (26/8/1987).
Chúng ta còn nhớ vào những năm cuối của thập niên 60 và đầu 70 vào lúc Hội nghị Paris về Việt Nam đang sôi nổi, nhân dân cả hai miền Nam Bắc hào hứng hàng ngày, hàng tuần theo dõi những hoạt động của anh, theo dõi cả tiếng nói lời thơ và nụ cười của anh.
Mỗi tuần một trận đấu gay go
Mấy tháng chưa xong một ván cờ
Nắm vững phương châm giành thắng lợi
Ung dung Anh vẫn dạo vườn thơ.