Xuất khẩu năm 2022 ghi nhận những cột mốc lịch sử với nhiều ngành hàng bước vào các “câu lạc bộ tỷ USD và chục tỷ USD”. Đây chính là tiền đề mở ra những kỳ vọng cho sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023.
Nhiều ngành hàng gia nhập câu lạc bộ chục tỷ USD
Theo Bộ Công thương, xuất khẩu cả năm 2022 có thể đạt 372-374 tỷ USD, tăng khoảng 11% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu tăng trưởng theo kế hoạch. Có đến 35 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD và 8 ngành hàng vượt 10 tỷ USD.
Năm 2022, “câu lạc bộ xuất khẩu 10 tỉ USD” kết nạp thêm ngành thủy sản, nâng số lượng thành viên lên con số 8. Đáng chú ý, ngành này cũng chỉ cần 11 tháng là đã đạt được mục tiêu tăng trưởng và ghi mức kỷ lục xuất khẩu. Ước tính, kết quả xuất khẩu cả năm của ngành thủy sản có thể vượt 11 tỷ USD, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm 2021.
Trong “câu lạc bộ 10 tỷ USD”, ngành gỗ và sản phẩm gỗ tuy gặp nhiều khó khăn nhưng đến hết tháng 11 vẫn đạt giá trị 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp đến, xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục gần 1,7 triệu tấn, tương đương giá trị 3,5 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu khác cũng ghi nhận đà tăng khá ấn tượng như: Túi xách, va li, mũ, ô dù tăng 39%; hàng dệt và may mặc tăng 18,5%, nhiên liệu khoáng sản cũng tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước.
Giới chuyên gia đánh giá, điểm sáng của xuất khẩu năm 2022 đến từ việc tận dụng cơ hội của các hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, các thị trường là đối tác ký kết với Việt Nam đều tăng trưởng ở mức cao: Liên minh châu Âu (EU) tăng 23,5%; khu vực Đông Nam Á tăng 23,3%,…
Đối với ngành dệt may, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho hay, với sự nỗ lực của toàn ngành, dự báo năm 2022 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 44,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2021. Năm 2023, ngành dệt may đưa ra các kịch bản tăng trưởng, trong đó, kịch bản tích cực là xuất khẩu dệt may có thể đạt từ 47 - 48 tỷ USD và kịch bản kém tích cực hơn là đạt khoảng 45 - 46 tỷ USD. Vì là một ngành khá nhanh nhạy với nhu cầu thế giới, việc các doanh nghiệp chủ động chuyển hướng với các thay đổi từ thị trường sẽ quyết định nhiều đến việc giữ nhịp tăng trưởng trong năm 2023 trong bất kỳ kịch bản nào.
Trong điều kiện kịch bản thuận lợi, những bất ổn từ thị trường thế giới có thể được kiểm soát, ngành may mặc dự báo hết quý I năm 2023 mọi hoạt động sẽ phục hồi. Vì vậy, kịch bản 48 tỷ USD có thể được hiện thực hóa.
Gạo Việt tiến sát ngôi đầu thế giới
Với những biến động đầy khó khăn do dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế thế giới, xuất khẩu gạo Việt Nam đã vượt khó thành công và xác lập kỷ lục mới. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), dự kiến năm 2022, xuất khẩu gạo đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỷ USD. Đây là kết quả đầy ấn tượng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động.
Đánh giá về con số xuất khẩu 7 triệu tấn gạo xuất khẩu, ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, đây là con số vượt kỳ vọng của ngành gạo bởi năm 2022 rất khó khăn đối với nền kinh tế nói chung, trong đó có xuất khẩu nông sản.
Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây ngành gạo Việt đã có sự phát triển vượt bậc không chỉ ở số lượng mà còn ở giá trị xuất khẩu. Chính vì vậy, dù những tháng đầu năm giá gạo đi xuống và phải đợi đến quý III mới tăng, song bức tranh xuất khẩu gạo Việt vẫn đầy gam màu sáng.
Ông Huỳnh Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cho biết, đến tháng 10/2022, công ty đã xuất khẩu trên 200.000 tấn gạo các loại, vượt kế hoạch đề ra trong cả năm 2022.
Phân tích về những thành công trong xuất khẩu lúa gạo năm 2022, ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng, ngành gạo trong những năm gần đây có sự chuyển dịch từ gạo phẩm cấp thấp sang gạo chất lượng cao. Xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh như: Mỹ tăng khoảng 84,8%; thị trường EU tăng 82,2%. “Trong năm 2022, có thời điểm giá xuất khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam vượt qua Thái Lan và đứng đầu thế giới. Đơn cử, trong tháng 11/2022, trong khi giá chào bán gạo 5% tấm của Thái Lan chỉ ở mức 440 USD/tấn, thì gạo Việt ghi nhận mức 447 USD/tấn. Với mức này, giá gạo Việt Nam nhỉnh hơn gạo Thái Lan cùng loại khoảng 7 USD/tấn” - ông Nam nói.
Động lực để tăng trưởng
Dù ghi nhận những kết quả khả quan song dự báo năm 2023 xuất khẩu hàng hóa vẫn đối mặt nhiều thách thức. Tình trạng lạm phát khiến giá cả leo thang, sức mua yếu, lượng hàng tồn kho cao. Ngoài ra, xung đột quân sự trên thế giới khiến chuỗi cung ứng trên thị trường tiếp tục bị đứt gãy, đặt ra nhiều rủi ro về nguồn cung nguyên liệu. Hoạt động sản xuất, xuất khẩu của hầu hết các ngành hàng gặp khó khăn do chi phí đầu vào tăng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực sản xuất hàng may mặc, thủy sản.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, xuất khẩu thủy sản đã chững lại từ quý IV/2022 và xu hướng này có thể kéo dài sang quý I, thậm chí hết nửa đầu năm 2023. Theo một khảo sát mới đây tại 117 doanh nghiệp thủy sản bằng hình thức trực tiếp và online, có đến 71% doanh nghiệp cho rằng triển vọng ngành thủy sản năm 2023 sẽ khó khăn. Hơn 22% doanh nghiệp đánh giá sẽ rất khó khăn và chỉ khoảng 7% doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan trong thời gian tới.
Tương tự, ngành dệt may dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) năm 2022, xuất khẩu dệt may ước đạt 44 tỷ USD, tăng 8,8% so với năm 2021. Việt Nam cũng đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2023 đạt từ 47-48 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngành dệt may cũng đứng trước những khó khăn thách thức như dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu, sức mua giảm trên cả thị trường trong nước và thị trường các nước nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.... Cùng đó, đồng tiền ở một số nước nhập khẩu số lượng lớn có xu thế mất giá cũng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam.
Phải đối mặt với không ít khó khăn song theo giới chuyên gia, những kết quả khả quan trong xuất khẩu năm 2022 sẽ là nền tảng để năm 2023 bứt phá. Những khó khăn là không thể phủ nhận tuy nhiên, với những giải pháp, chính sách hỗ trợ từ Chính phủ sẽ là nền tảng để xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng trong năm 2023.
Nhận định về cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023, TS. Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho rằng, những lợi thế từ FTA, đặc biệt là ưu đãi thuế quan tiếp tục được mở rộng theo lộ trình trong thời gian tới sẽ là công cụ hỗ trợ đặc biệt quan trọng cho các DN Việt Nam, tạo ra lợi thế cạnh tranh để có thể tiếp tục giữ vững, mở rộng thị phần ở các thị trường có FTA. Để tận dụng được lợi thế này, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT và Bộ VHTT&DL triển khai các chiến dịch quảng bá thương hiệu sản phẩm Việt Nam, thiết kế riêng cho từng thị trường (ưu tiên thị trường EU và châu Mỹ). Theo đó, Thương vụ Việt Nam ở các thị trường FTA sẽ xây dựng kênh kết nối đối tác với DN Việt Nam ở từng thị trường và phổ biến thông tin rộng rãi về các kênh kết nối này cho DN; đồng thời, thiết lập các đầu mối thông tin thị trường đối với các sản phẩm xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam.
“Với các biện pháp chính sách hỗ trợ kịp thời, thực chất của các cơ quan quản lý cùng với nỗ lực của từng doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chúng ta sẽ có đủ niềm tin và động lực để vượt sóng lớn và tiếp tục phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo” - TS Trang kỳ vọng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan:
Đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao giá trị xuất khẩu
Chúng ta không thể “mặc đồng phục”, không thể đồng nhất tất cả các sản phẩm mà phải tạo ra nhiều phân khúc thị trường. Việc mở cửa thị trường tạo cơ hội lớn cho sản xuất, xuất khẩu nông sản ổn định bền vững, đầu ra và giá cả ổn định, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lợi ích cho người sản xuất.
Mặc dù được coi là trụ cột của nền kinh tế, nhưng nông nghiệp là ngành chịu nhiều rủi ro hơn cả. Do đó, để đẩy mạnh xuất khẩu cần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp bằng chế biến sâu, hình thành chuỗi liên kết, đàm phán mở ra không gian thị trường… để “cầu” tăng kéo theo “cung” tăng và ngược lại. Đặc biệt với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản cần tập trung đẩy mạnh chế biến sâu thay cho xuất khẩu thô như trước đây là yếu tố rất quan trọng.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Hỗ trợ doanh nghiệp đón đầu cơ hội
Với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, năm 2023 ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 47 – 48 tỷ USD. Chúng ta hoàn toàn có đủ cơ sở để đặt ra mục tiêu này. Thứ nhất là do các doanh nghiệp sản xuất đã bắt đầu chuyển đổi cơ sấu sản xuất từ dệt kim sang dệt thoi. Thứ hai là doanh nghiệp tìm hướng sản xuất các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh. Thứ ba là đa dạng hóa được các thị trường. Một số thị trường như khối Liên Xô cũ, thị trường Châu Phi, Trung Đông trước đây doanh nghiệp không quan tâm nhiều thì giờ đã quan tâm hơn. Đặc biệt là thị trường Trung Quốc, hiện cũng là một thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam.
Ngoài các giải pháp về nguồn tài chính, lãi suất thấp thì Chính phủ và các bộ, ngành, năm nay cân nhắc việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp. Đặc biệt, về lãi suất ngân hàng, nhà nước có thể cân nhắc với một số lĩnh vực ngành hàng có xuất khẩu lớn, thặng dư thương mại cao, giải quyết việc làm, thì giữ mức lãi suất hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, giữ ổn định lao động. Điều này sẽ tạo động lực cho năm tới, doanh nghiệp sẵn sàng đón đầu các đơn hàng khi nhu cầu thị trường hồi phục trở lại.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam:
Trái cây rộng đường xuất ngoại
Năm 2022 được xem là năm khá thành công của xuất khẩu trái cây với nhiều thị trường mới, tiềm năng nguồn cung cũng dồi dào. Dự báo trong năm 2023, xuất khẩu mặt hàng này khởi sắc, kỳ vọng đạt khoảng 4 tỷ USD, tăng trưởng ít nhất là 20% so với năm 2022.
Những kỳ vọng trên là hoàn toàn có cơ sở bởi trong năm 2022, hàng loạt sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam như, chuối, sầu riêng, chanh dây… đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Đến thời điểm này Việt Nam có 4 mặt hàng có nghị định thư (sầu riêng, chuối, khoai lang, chanh dây mới xuất thí điểm), năm 2023 dự kiến sẽ đàm phán 8 mặt hàng xuất khẩu theo nghị định thư đi Trung Quốc.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ bùng nổ trong năm 2023, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc. Đợt hạn hán vừa qua ở Trung Quốc khiến nhiều diện tích cây thanh long, trái cây bị hư hại, do vậy nước này sẽ tăng nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Sầu riêng chính vụ của Việt Nam sẽ bắt đầu thu hoạch vào tháng 4-5/2023. Việc xuất khẩu loại quả có giá trị cao này sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu chung tăng trưởng mạnh.
Lê Bảo