Cùng với thị trường Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) đang trở thành thị trường tiềm năng đối với điều nhân của Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này, sản phẩm điều nhân phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng. Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo hỗ trợ DN xuất khẩu điều nhân vào thị trường châu Âu, do Hiệp hội Điều Việt Nam và dự án hỗ trợ thương mại đa biên Việt Nam – EU tổ chức ngày 2/6.
Điều nhân Việt Nam nỗ lực thâm nhập thị trường EU.
Thị trường tiềm năng
Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho hay, năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn song DN ngành điều đã xuất khẩu được 350.000 tấn điều nhân các loại, với kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (điều nhân xuất khẩu khoảng 2,85 tỷ USD). Đây là năm thứ 11 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí hàng đầu thế giới về xuất khẩu điều nhân, tiếp tục duy trì thị phần trên 50% tổng giá trị thương mại nhân điều toàn cầu (khoảng 5,5 tỷ USD).
Hiện nay thị trường xuất khẩu điều nhân chiếm tỷ lệ cao nhất vẫn là Hoa Kỳ và EU. Riêng thị trường EU, năm 2016, xuất khẩu điều nhân của Việt Nam vào thị trường EU xấp xỉ 94,1 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu 765,56 triệu USD, chiếm 26,9% thị phần xuất khẩu của Việt Nam. Kỳ vọng xuất khẩu vào thị trường EU trong năm nay đạt giá trị xuất khẩu xấp xỉ 1.0 tỷ USD, chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu điều nhân của Việt Nam năm 2017.
Nhận thức rõ thị trường tiềm năng từ EU, nhiều DN chuyên chế biến điều nhân lên kế hoạch phát triển dây chuyền sản xuất hiện đại, không ngừng mở rộng thị trường xuất khẩu này. Dự định năm 2017 xuất khẩu điều nhân vào thị trường EU sẽ ở mức 75% và tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
Theo ông Cao Thúc Uy, DN xuất khẩu điều nên hướng đến thị trường này vì EU có thói quen ăn hạt để giảm tình trạng béo phì. Ngoài ra, theo chuyên gia Kinh tế và cộng đồng DN Việt, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là hiệp định quan trọng và sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Việc hiểu đầy đủ các cam kết của EVFTA sẽ giúp cho các DN ngành điều tận dụng những ưu đãi về thuế quan, nâng cao chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và phát triển bền vững.
Kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt
Ngoài xuất khẩu thủy sản, may mặc, EU hứa hẹn là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho ngành điều. Tuy nhiên để xuất khẩu vào thị trường rộng lớn này sản phẩm điều nhân phải đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng.
Ông Cao Thúc Uy cảnh báo, mặc dù thị trường EU khá tiềm năng với 28 quốc gia có thói quen ăn hạt nhưng đây cũng là thị trường khó tính, đòi hỏi nhiều giấy tờ và giấy chứng nhận. Nếu xuất khẩu điều nhân vào thị trường Hoa Kỳ chỉ cần 5 giấy tờ liên quan thì thị trường EU đang đòi hỏi con số gấp đôi. Hoa Kỳ có châm trước vài sự cố khi gặp phải nhưng với khách hàng EU hoàn toàn không chấp nhận.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt – Phó Giám đốc Công ty Vinacontrol TP HCM cho hay, đã có một số lô hàng xuất khẩu vào thị trường EU xảy ra hiện tượng dư lượng thuốc khử trùng trong hàng hóa. Nguyên nhân do một số DN, cơ sở sản xuất không có đủ năng lực tài chính cũng như không gian để xây dựng khu vực xông hơi, khử trùng hàng hóa. Thay vào đó, các DN sử dụng thuốc phostoxin bỏ trực tiếp vào các bao chứa hàng với liều lượng cao, thời gian ủ thuốc ngắn. Hiện tượng này đã được phía EU cảnh báo, nhắc nhở, thậm chí phải bồi thường tài chính do việc xử lý sâu mọt.
“Muốn xuất khẩu suôn sẻ vào thị trường EU, DN phải cải tiến công nghệ, thiết bị máy móc để cho ra các sản phẩm nhân điều chất lượng cao, an toàn cho người sử dụng. Hướng đến áp dụng hệ thống quản lý chất lượng HACCP, ISO, BRC,…”, ông Bạch Khánh Nhựt lưu ý DN ngành điều.
Ông Phạm Minh Trí – đại diện Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp – Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn khẳng định, EU đang được xem là thị trường xuất khẩu điều nhân tiềm năng của Việt Nam. Nhưng thị trường này rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng. Hiện nay chỉ có 22/330 doanh nghiệp xuất khẩu điều đạt chuẩn ISO, HACCP...
Vấn đề về chất lượng đang đòi hỏi DN ngành điều phải hoàn thiện hơn nữa, hướng đến những sản phẩm đạt chuẩn chất lượng quốc tế trong thời kỳ hội nhập nhằm tăng tính cạnh tranh. Song song với vấn đề chất lượng cho sản phẩm, DN cần phát triển vùng nguyên liệu vì hiện nay nguyên liệu điều Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 37%, còn lại phải nhập khẩu nguồn nguyên liệu của Bờ Biển Ngà, Nigeria, Ghana... Đây chính là nguy cơ mà DN ngành điều Việt Nam không đáp ứng nguồn gốc xuất xứ khi xuất và những thị trường khó tính.
Theo kế hoạch xuất khẩu, cả năm 2017 toàn ngành điều phấn đấu xuất khẩu đạt chỉ tiêu: Số lượng xuất khẩu nhân điều 360 ngàn tấn điều nhân các loại, tăng 2,8% so với cùng kỳ 2016. Kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm điều đạt 3,3 tỷ USD, trong đó nhân điều 3,0 tỷ USD, tăng 5,0% so với cùng kỳ năm 2016. Nếu kết quả đạt được như kỳ vọng thì năm 2017 sẽ là năm thứ 12 liên tiếp ngành điều Việt Nam giữ vị trí xuất khẩu điều nhân số 1 thế giới và là năm đầu tiên xuất khẩu điều nhân vào thị trường EU cán mốc 1,0 tỷ USD. |