Kinh tế

Xuất khẩu hàng hóa năm 2023: Dấu ấn từ những con số

Lê Bảo 02/01/2024 17:50

Trong bối cảnh lạm phát, siết chặt tài chính diễn ra ở nhiều quốc gia khiến nhu cầu tiêu dùng suy giảm, xuất khẩu hàng hóa năm 2023 vẫn ghi nhận nhiều điểm sáng.

anhto.jpg
Trong bối cảnh khó khăn, xuất khẩu hàng hóa vẫn ghi nhận những điểm sáng với những con số ấn tượng. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất siêu đạt 26 tỷ USD

Nhìn lại bức tranh xuất khẩu năm 2023, bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu (XK) có sự suy giảm so với năm 2022 do tổng cầu suy yếu, tuy nhiên XK đã dần phục hồi trong nửa cuối năm. Cụ thể, hết quý I/2023, XK giảm 11,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sang đến cuối quý II, XK đã có những tín hiệu phục hồi khi tháng sau cao hơn tháng trước. Đến cuối quý III, mức giảm XK thu hẹp còn 8,5% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2023, XK ước đạt 354-355 tỷ USD, mức giảm thu hẹp còn 4,5% so với năm 2022.

Đáng chú ý, XK của khu vực kinh tế trong nước và nhóm hàng nông sản, thuỷ sản đã có sự phục hồi khá. Khu vực kinh tế trong nước tiếp tục nỗ lực để duy trì và mở rộng thị trường XK trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn. “Điểm sáng nhất trong bức tranh XK năm 2023 chính là cán cân thương mại cả năm tiếp tục xuất siêu với mức thặng dư ước đạt 26 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế” - bà Nguyễn Thị Cẩm Trang nhấn mạnh.

Có được kết quả trên, theo bà Trang, doanh nghiệp (DN) đã tận dụng tốt cơ hội mang lại từ cam kết trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Trị giá kim ngạch XK có sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá ưu đãi (C/O) ngày càng cao. Nhiều nhóm ngành hàng đã tận dụng tốt C/O nhằm đẩy mạnh XK như gạo, dệt may...

Theo các chuyên gia, trong bức tranh xuất khẩu ấn tượng ấy, XK rau quả và XK gạo là những điểm sáng. Đây cũng là kết quả rất tích cực thể hiện sự phục hồi cũng như mở rộng thị trường rất mạnh mẽ... Theo đó, rau quả và gạo là 2 trong số 33 mặt hàng của Việt Nam đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD trong năm 2023. Đặc biệt, nhiều mặt hàng XK đạt trên 10 tỷ USD như điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; dệt may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ…

Theo Tổng cục Thống kê, nhóm các mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD chiếm 66,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng thô, tăng sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Với sự tăng trưởng mạnh mẽ, XK rau quả năm 2023 dự kiến đạt tới 5,6 tỷ USD - mức kỷ lục của ngành hàng này từ trước tới nay. Có được thành quả này, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam là nhờ những nỗ lực của Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương đã đàm phán để mở cửa thị trường, ký nhiều hiệp định, nghị định thư với Trung Quốc cũng như một số nước nhằm tạo điều kiện cho các sản phẩm nông nghiệp, nông sản, rau quả của Việt Nam được tiêu thụ rộng rãi khắp thế giới. Ngoài ra, người nông dân và DN Việt Nam được hướng dẫn cách trồng trọt theo quy trình sản xuất quy mô hơn, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu, thị hiếu của các nước nhập khẩu.

anhnho.jpg
Xuất khẩu dệt may nỗ lực chuyển đổi xanh. Ảnh: Quang Vinh.

Cơ hội bứt phá trong năm 2024

Dù đạt được những kết quả trên song theo đánh giá của chuyên gia, quy mô XK năm nay chưa thực sự phục hồi, khi mà kim ngạch XK cả năm 2023 ước đạt 354,5 tỷ USD, giảm khoảng 4,6% so với năm 2022. Cán cân thương mại xuất siêu chủ yếu do nhập khẩu giảm mạnh hơn so với XK, cho thấy những khó khăn trong sản xuất hàng hóa phục vụ XK... Trong khi đó, năm 2024, bối cảnh thế giới dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường…

Dệt may là ngành xuất khẩu chủ lực tuy nhiên, năm qua cũng đối diện không ít khó khăn. Nhận định về thị trường năm 2024, ông Vương Đức Anh - Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, mặc dù trong năm 2023, xuất khẩu dệt may về đích hơn 40 tỷ USD nhưng vẫn thấp hơn năm ngoái gần 10%. Theo dự báo của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng cầu hàng dệt may năm 2024 có khả năng cải thiện hơn so với năm 2023, nhưng vẫn thấp hơn 5-7% so với năm 2022.

Không riêng ngành dệt may, dự báo bước sang năm 2024 nhiều ngành XK lớn như điện tử, sản phẩm gỗ, thủy sản… vẫn đối diện nhiều thách thức. Thực tế, sự tăng - giảm của xuất khẩu rất phụ thuộc vào sức cầu của các thị trường bên ngoài, trong khi yếu tố này còn rất nhiều bất định. Đơn cử, Mỹ và EU là những thị trường đối tác nhập khẩu lớn và Việt Nam thường xuyên có mức xuất siêu cao nhưng các dự báo và phân tích cho đến nay cho thấy, tình hình khó khăn ở các thị trường này có thể còn kéo dài qua năm 2024.

Bộ Công thương đặt mục tiêu năm 2024 đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2023, xuất siêu khoảng 15 tỷ USD. Làm thế nào để Việt Nam giữ vững các thị trường xuất khẩu và đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm tới là câu hỏi lớn, cần các giải pháp hiệu quả, kịp thời.

Theo đó, Bộ Công thương sẽ hỗ trợ DN tận dụng các cam kết trong FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam - EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các hiệp định. Với vai trò là cầu nối DN đến với các thị trường xuất khẩu, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết, các DN cần đẩy mạnh chuyển đổi xanh, bởi là xu thế toàn cầu. Thời gian qua, Bộ Công thương đã và đang tập trung vào 3 nhóm công việc cần phải làm để hỗ trợ DN, ngành hàng, các địa phương thực hiện trong năm 2024 và các năm tiếp theo.

Ông Phú khẳng định, song song với việc nâng cao năng lực để đáp ứng những tiêu chuẩn mới thì các bộ, ngành liên quan sẽ phải nhanh chóng bổ sung và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đưa ra những tiêu chuẩn, quy định về chuyển đổi xanh, thế nào là xanh đối với từng lĩnh vực cụ thể, thế nào là Bộ chỉ số về chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại. Đây là yếu tố rất quan trọng nếu muốn đẩy mạnh xuất khẩu.

Với ngành dệt may, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, thời gian tới cần phải giải quyết các vấn đề để bứt phá; bao gồm việc cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá...; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng...); đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh, tiêu dùng xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số (gắn với bài toán đầu tư công nghệ, nhân sự số, dữ liệu và kiểm soát rủi ro...).

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên:

Đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu

bt-nguyen-hong-dien.jpeg

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm (2021-2025) chính vì vậy, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong công tác hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu. Tích cực tham mưu đàm phán, ký kết mới và nâng cấp các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác còn tiềm năng ở khu vực châu Phi, Nam Á, Tây Á và Nam Mỹ… tạo động lực tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư; đồng thời, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu hàng hóa năm 2023: Dấu ấn từ những con số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO