Xuất khẩu rau quả với kỳ tích mới

H.Hương 07/10/2023 07:00

Chỉ riêng trong tháng 9/2023, xuất khẩu rau quả ước đạt gần 587 triệu USD. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu ngành hàng này ước đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8% so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đà này, ngành hàng rau quả đang dần tiến đến mục tiêu kỷ lục: đạt 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay.

Nâng cấp chất lượng nông sản xuất khẩu để vững chân tại các thị trường. Ảnh: Mạnh Hưng.

Dồn dập tin vui

Xuất khẩu rau quả đã chính thức bước vào nhịp sôi động từ cuối năm 2022, khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại. Nhiều mặt hàng như sầu riêng, chuối, thanh long rộng đường vươn xa. Đến tháng 6 năm 2023, các kỷ lục xuất khẩu rau quả liên tiếp được phá vỡ khi lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu lên tới 1 tỷ USD chỉ trong 1 tháng. Sau đó, các ngành hàng được đà đi lên. Cũng lần đầu tiên trong ngành hàng nông sản, trái sầu riêng gia nhập câu lạc bộ “tỷ đô” với giá trị 1,2 tỷ USD sau 8 tháng.

Dữ liệu mới nhất từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả trong tháng 9/2023 ước đạt gần 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt 4,134 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ 2022.

Sầu riêng, chuối, thanh long là những nông sản đóng góp lớn vào tăng trưởng của ngành rau quả nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung. Hiện, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của rau quả Việt Nam với tổng kim ngạch qua 8 tháng đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 64% thị phần. Tiếp theo là các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm còn 3 tháng, lại là thời điểm lễ, Tết, nên xuất khẩu rau quả có dư địa rất lớn. Đặc biệt, các tháng còn lại là mùa thu hoạch của nhiều loại rau quả với sản lượng cả nước khoảng 7,6 triệu tấn. Nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt đơn hàng xuất khẩu cuối năm.

“Xuất khẩu rau quả có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD trong năm 2023. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc sẽ tiếp tục lập kỷ lục mới, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng mới có giá trị xuất khẩu trên 1,7 tỷ USD, góp phần vào nhóm hàng "tỉ đô" của ngành nông nghiệp” - ông Đặng Phúc Nguyên khẳng định. Nhiều doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu cũng đưa ra nhận định, xuất khẩu rau quả có thể lập kỷ lục mới trong năm 2023, cao nhất từ trước đến nay.

Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các mặt hàng rau quả đã mở cửa thị trường của Việt Nam hiện nay là: thanh long, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, bưởi, chanh, vú sữa, chuối. Các mặt hàng đang đàm phán mở cửa thị trường là chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; các loại quả có múi, dừa, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.

Chưa hết, các mặt hàng khác có tiềm năng mở cửa thị trường trong tương lai là bơ, chanh không hạt. Mới nhất, vào đầu tháng 8/2023, Cục Kiểm dịch thực vật Mỹ (APHIS) đã chính thức thông tin về việc phê duyệt nhập khẩu dừa non Việt Nam. APHIS khẳng định, các nhà sản xuất Việt Nam có thể bắt đầu xuất khẩu dừa sọ sang Mỹ. Đây thực sự là tin vui với bà con vùng trồng dừa ở Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải miền Trung.

Cùng với việc đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm từ dừa sang Trung Quốc, thời gian tới, trái dừa Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhanh chóng trở thành mặt hàng tỷ USD, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành rau quả.

Phân tích về thị trường, Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, trong top 10 thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam thì Trung Quốc dẫn đầu thị phần với gần 65%. Tiếp đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Hà Lan đều tăng trưởng tốt.

Theo các chuyên gia, các Nghị định thư đã ký với Trung Quốc trong năm ngoái đã mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Bên cạnh đó, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA sẽ tạo lực đẩy để xuất khẩu hàng hóa bứt phá, đặc biệt là các ngành hàng chủ lực như rau quả.

Trái cây liên tục ghi nhận những con số xuất khẩu ấn tượng.

Tuy nhiên, để có thể vững chân tại các thị trường này, theo ông Trần Tuấn Minh - Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam- ASEAN, điều quan trọng nhất hiện nay là uy tín và chất lượng sản phẩm. “Giữ ổn định chất lượng sản phẩm, các lô hàng phải đồng đều, tránh tình trạng những lô đầu tốt, những lô sau chất lượng lại giảm sút là sẽ mất chữ tín, mất khách hàng, đó là vấn đề các DN xuất khẩu đặc biệt phải lưu ý” – ông Minh nhấn mạnh.

Riêng với thị trường Trung Quốc, ông Lương Văn Tài - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) khuyến cáo, các DN, hiệp hội ngành hàng cần tích cực nắm bắt thông tin, diễn biến tình hình dịch trên thế giới và nguy cơ lây lan trong nước để kịp thời cảnh báo DN sản xuất có các biện pháp tránh lây nhiễm và làm tốt công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Các DN ngành rau, quả cần nghiên cứu khả năng đầu tư hoặc hợp tác đầu tư với DN Trung Quốc trong lĩnh vực chế biến rau, quả, một mặt nâng cao hàm lượng giá trị xuất khẩu, một mặt bắt kịp xu thế thị trường trái cây và rau, quả chế biến không ngừng tăng trong những năm trở lại đây.

Bà Ngô Tường Vy - Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho hay, tiêu chuẩn nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản của Trung Quốc ngày càng cao, nhưng để tạo cú hích cho các ngành hàng, doanh nghiệp phải đầu tư bài bản để xuất khẩu bền vững. "Năm 2023, mặc dù Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hàng rào kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh nên trái cây của Việt Nam được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu trái cây trong những tháng còn lại của năm 2023 sẽ tiếp tục khả quan" - bà Vy nhấn mạnh.

Ảnh: Quang Vinh.

Nâng hàm lượng công nghệ

Giới chuyên gia nhận định, Việt Nam là nước nhiệt đới, các loại rau quả nói riêng, nông sản nói chung của Việt Nam có những lợi thế riêng, nếu biết phát huy các thế mạnh, nông sản Việt hoàn toàn có thể tạo được chỗ đứng vững vàng tại nhiều quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, cần phải nâng cao được hàm lượng công nghệ trong sản xuất, chế biến.

TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công thương (Bộ Công thương) nhấn mạnh, việc ứng dụng khoa học, đổi mới sáng tạo trong hoạt động chế biến, sản xuất nông sản là tất yếu trong tiến trình hội nhập. Bởi hiện nay, trong các cam kết quốc tế song phương và đa phương, nhất là trong bối cảnh các điều kiện về hàng rào kỹ thuật của các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ… ngày càng đòi hỏi cao thì quan trọng nhất là DN phải kiểm soát được quy trình từ nguồn đầu vào đến sản xuất, lưu thông.

Bởi vậy ứng dụng công nghệ, đặc biệt là những thành tựu khoa học công nghệ cũng như đổi mới sáng tạo là đòi hỏi bắt buộc. Hơn nữa, để mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường cần hướng đến những mục tiêu về phát triển bền vững.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.

Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Giám đốc SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật) cho biết, để giữ vững đà tăng trưởng cho xuất khẩu nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, khung pháp lý để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập toàn cầu. Theo đó, nguồn lực sẽ được phân bổ ưu tiên cho công tác quản lý giám sát an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch đến bảo quản, chế biến. Cùng với đó, sẽ tập trung kết nối tiêu dùng trong nước và quốc tế. Các quy định, thông tin phân tích thị trường và sở thích của người tiêu dùng sẽ được cập nhật để phát triển các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn.

Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến:

Nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản

Trên bất kỳ thị trường nào nông sản Việt cũng phải xây dựng chiến lược cạnh tranh về chất lượng, giá cả, thương hiệu. Do vậy, điều cần làm ngay với sản xuất nông nghiệp trong nước là thực hiện tập trung sản xuất, nâng cấp chất lượng cho tất cả các ngành hàng nông sản theo tiêu chuẩn của các thị trường khó tính. Một trong những yêu cầu bắt buộc là truy xuất nguồn gốc. Cần liên kết hình thành vùng trồng, đảm bảo mã số vùng trồng đủ lớn và sản phẩm cung cấp ổn định cho thị trường cả về chất lượng và sản lượng. Quy trình Global GAP, VietGAP triển khai chặt chẽ từ con giống, cây giống. Mở rộng quan hệ thương mại song phương, hướng tới xuất khẩu chính ngạch, sản xuất hàng hóa quy mô lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xuất khẩu rau quả với kỳ tích mới

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO