Theo Hiệp hội Xuất khẩu và Chế biến thủy sản Việt Nam (VASEP), thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Mỹ được dự báo sẽ phục hồi từ nửa cuối năm do lạm phát hạ nhiệt, mức tồn kho giảm, nhu cầu phục vụ dịp lễ cuối năm tăng.
Điều này giúp kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang nước này kỳ vọng sẽ tăng 40 - 50% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại thị trường EU, tiêu thụ cá tra tiếp tục cải thiện và ổn định. Thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, dự báo nhu cầu tăng nhẹ từ cuối quý III/2023.
Bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông VASEP cho biết, lạm phát cao, tiêu thụ giảm trong khi lượng tồn kho lớn khiến hàng thủy sản Việt Nam vào thị trường Mỹ năm nay gặp khó. Giá trung bình nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam vào Mỹ giảm 29%, mức sụt giảm sâu nhất so với các nước trong top 10 nguồn cung thủy sản cho Mỹ.
Cá tra là mặt hàng có khối lượng nhập khẩu nhiều nhất trong số các thủy sản Mỹ nhập từ Việt Nam. 5 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập 31,3 nghìn tấn cá tra Việt Nam, giảm 49%. Tuy nhiên, vẫn có một số loài có khối lượng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương như cá bơn tăng 179%, cá kiếm tăng 49%, cá minh thái tăng 16%, đặc biệt chả cá, cá viên, thịt cá xay tăng gần gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm sang thị trường Trung Quốc trong tháng 5 đạt 78 triệu USD - kim ngạch cao nhất kể từ đầu năm nay. Con số này vẫn ghi nhận tăng trưởng âm nhưng tốc độ giảm đã ít hơn so với những tháng trước đó (tháng 3 ghi nhận mức giảm 40%, tháng 4 giảm 22%, tháng 5 mức giảm là 11%).
Theo VASEP có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, trong đó chủ yếu và lạm phát và lượng tồn kho tăng khiến nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu tại các thị trường giảm. Ngoài ra, Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất khác về nguồn cung và giá… Trong khi sức khỏe và sức chịu đựng của nông ngư dân và doanh nghiệp trong nước suy yếu vì chi phí sản xuất tăng, giá bán giảm, tiêu thụ chậm, tồn kho tăng, khó tiếp cận vốn vay để duy trì sản xuất, xuất khẩu.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khó khăn từ thị trường khiến xuất khẩu sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm, đặt ra gánh nặng trong chặng đường nửa cuối năm để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Để thúc đẩy lượng tiêu thụ tại các thị trường quốc tế, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm, tập trung chế biến sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị… để duy trì đơn hàng, trong đó, phát triển các loại mặt hàng thủy sản tiện lợi để chế biến sẵn tại nhà, hay hướng tới các loại sản phẩm khô, được chế biến sẵn với mức giá rẻ hơn phù hợp với mức thu nhập thấp. Những nỗ lực này được kỳ vọng sẽ làm thị trường ngành thủy sản sôi động trở lại.
“Mặc dù có nhiều khó khăn song vẫn có nhiều tín hiệu lạc quan đó là chúng ta có các mặt hàng giá trị gia tăng vẫn có được vị trí tốt tại thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia… là các thị trường ưa chuộng các hàng chế biến sâu của Việt Nam mà chúng ta không bị áp lực cạnh tranh… Bên cạnh đó các nước Đông Nam Á cũng là các điểm sáng cho các doanh nghiệp có thể kì vọng trong thời gian tới” - bà Lê Hằng nhận định.
Ngoài ra, giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch Covid-19, và với nguồn cung dồi dào tàu và container trong thời điểm hiện tại cũng giúp việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài gặp nhiều thuận lợi hơn trong nửa cuối năm.
Nhận định về thị trường tôm trong thời gian tới, bà Kim Thu - chuyên gia của VASEP cho biết, mặc dù vẫn đang là thời điểm khó khăn, nhưng nhiều dự báo lạc quan đã được đưa ra về triển vọng xuất khẩu tôm Việt Nam những tháng cuối năm đi các thị trường như Trung Quốc, Mỹ. Dù chưa thể phục hồi mạnh so với năm ngoái nhưng ít nhất sẽ khả quan hơn so với giai đoạn đầu năm nay. Trong tháng 5, Trung Quốc đứng thứ nhất về thị trường tiêu thụ tôm Việt Nam, chiếm tỷ trọng 23%. Mỹ đứng ở vị trí thứ hai, chiếm tỷ trọng 21%.