Trong khi hàng ngày, hàng tuần, tác phẩm văn chương của các nhà văn thế giới được dịch và ra mắt ở Việt Nam thì câu chuyện xuất khẩu văn chương Việt vẫn đang trong tình trạng loay hoay tìm đường. Mọi nỗ lực vượt khỏi “lũy tre làng” xem ra vẫn chưa được như kỳ vọng.
Những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp
và một số cuốn sách của các nhà văn Việt Nam được dịch ra tiếng nước ngoài.
Qua đường “tiểu ngạch”
Một lần đến thăm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ông cho tôi xem bộ sưu tập gồm những tác phẩm văn học của ông được dịch và xuất bản ở nước ngoài. Tất cả khoảng chừng 20 cuốn. Nếu nhìn vào số lượng sách của ông được xuất bản ở nước ngoài, thì đó quả là con số không ít. Một tác giả đã có vài chục đầu sách được dịch qua tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Italia… Tuy vậy, văn học Việt Nam đương đại cũng chỉ có một Nguyễn Huy Thiệp lọt vào “con mắt xanh” của nhiều nhà xuất bản danh tiếng nước ngoài.
Nhà thơ Vũ Quần Phương mấy năm trước có chuyến đi Mỹ dài ngày. Ông có điều kiện vào đọc sách tại nhiều thư viện ở đây. Ông kể, lần đó ông vào thư viện sách Đông Á để tìm sách báo tiếng tiếng Việt trước cách mạng, vị thủ thư cho biết sách tiếng Việt chưa thấy có ở đây. Lần khác, ông Phương vào thư viện Firestone của Trường Đại học Princeton tìm một số sách Việt Nam.
“Tôi nói tác phẩm hoặc tác giả, cô thủ thư tra trong máy tính, in cho tôi tấm bàn đồ để tìm tới giá sách. Theo chỉ dẫn, tôi qua thang máy lên tầng. Thư viện này có sáu tầng, ba ngầm ba nổi... Mỗi tầng rộng và dài miên man các giá sách nối nhau”, ông Phương kể.
“Giá sách kí hiệu PL đây rồi. Tôi đọc tên các tác giả Việt trên gáy sách. Cái cảm giác rờn rợn biến mất lúc nào, bỗng thấy vui như gặp bà con nơi đất lạ: Vũ Trọng Phụng, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Hữu Thỉnh, Nguyễn Quang Sáng, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Thiều, Lâm Thị Mỹ Dạ... Có cả “Truyện Kiều” và thơ Hồ Xuân Hương. Có tự vị Huỳnh Tịnh Của và từ điển Thanh Nghị. Có một tuyển thơ 6 tác giả thời chống Mỹ. Mới chỉ có vậy, chưa đầy nửa mét giá sách…”.
Tuy nhiên, theo nhà thơ Vũ Quần Phương, “nhìn lại thì đây đều do nỗ lực cá nhân của tác giả và dịch giả (Việt và Mỹ), thường cũng là bạn bè, thực hiện bản dịch và in ấn”.
Quả vậy, suốt thời gian qua, những cuốn sách được dịch ra tiếng nước ngoài, từ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Hàn… đa phần đều là những nỗ lực cá nhân. Do tác giả tự vận động là chính. Gần đây cũng vẫn vậy. Công chúng vẫn thấy thông tin trên truyền thông về những tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn như Hồ Anh Thái, Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Y Ban, Phong Điệp, Thuận, Di Li... được dịch và ra mắt ở nước ngoài. Tuy vậy, hầu hết đều xuất phát từ những cá nhân tự “tìm đường” mà đi. Nói cách khác, nó mang tính hết sức “tiểu ngạch”.
Cũng cần nói thêm, bên cạnh các cá nhân, một số đơn vị xuất bản của Việt Nam cũng có “để mắt” đến việc xuất khẩu văn chương, tuy vậy, những công việc đó vẫn đang mang tính “dò đường”. Còn nhớ, vài năm trước, NXB Trẻ tổ chức dịch sang tiếng Anh 2 tác phẩm bán chạy trong số những tựa sách đơn vị này đã xuất bản, đó là “Oxford thương yêu” (Dương Thụy) và “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ” (Nguyễn Ngọc Thuần).
Hơn 4 năm trước, Công ty sách Chibooks có một dự án xuất khẩu văn chương Việt được đánh giá là “ồ ạt”. Theo đó, công ty này đã ký hợp đồng đại diện cho 11 nhà văn như Hồ Anh Thái, Phan Hồn Nhiên, Bùi Anh Tuấn... Song, đến nay, dự án này đã lặng lẽ không còn được nhắc tới.
Không thể phủ nhận, trong một thời gian dài, với nhiều độc giả và du khách trên thế giới, người ta biết đến Việt Nam là một đất nước của chiến tranh. Những cuộc chiến tranh dài dặc. Có lẽ bởi thế, những cuốn sách về chiến tranh cũng xuất hiện nhiều trong hầu hết các thư viện ở Mỹ, Pháp, Bỉ, Anh, Australia, Hà Lan… Còn tác phẩm văn chương thì rất hiếm, rất ít.
Mới đây, trong một hội nghị về xuất bản được tổ chức ở TP HCM, bà Nova Rasdiana - nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN khi làm việc với Hội Xuất bản Việt Nam cho rằng, sách Việt Nam thiếu vắng trên thị trường sách quốc tế. Bà kể, để chuẩn bị cho chuyến đi đến Việt Nam, bà đã đến Hội sách quốc tế Indonesia- hội sách lớn nhất tại đất nước này vừa được tổ chức. Lục lọi khắp các gian hàng ở hội sách bà cũng chỉ tìm thấy được 15 cuốn sách có chủ đề về Việt Nam nhưng đều là của tác giả nước ngoài và nội dung chính là về thời chiến tranh.
Vẫn loay hoay tìm đường
Có thể nói, khát vọng xuất khẩu văn chương luôn tiềm ẩn trong máu của nhà văn cũng như một số đơn vị làm sách. Nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xuất bản cũng cho rằng, chúng ta không nên quá ngộ nhận, thậm chí đừng ảo tưởng về nền văn học của mình. Bởi không phải tác phẩm nào cũng có thể dịch ra tiếng nước ngoài.
Ví dụ như “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, trong nước đánh giá “rất hay”, được nhiều bạn đọc yêu thích, nhưng dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp liệu có còn giữ được cái hay, cái hồn của tác phẩm? Hay như dự án dịch tác phẩm của “ông già Nam Bộ” Sơn Nam cũng đã được NXB Trẻ manh nha thực hiện, tuy nhiên đã phải dừng lại vì chưa tìm được cách chuyển ngữ phù hợp.
Bên cạnh thiếu đội ngũ dịch giả giỏi, vấn đề quan trọng, cần phải nhìn thẳng: Không phải tác phẩm nào của văn chương Việt Nam- thậm chí ngay cả các tác phẩm đoạt giải thưởng trong nước- cũng được độc giả thế giới đón nhận. Bởi các tác phẩm của các nhà văn chúng ta được sáng tác/ viết theo “công thức Việt Nam” chứ không phải viết theo “công thức quốc tế”.
Các tác phẩm thiếu tính phổ quát, thiếu nhiều yếu tố hấp dẫn độc giả đương đại - điều mà các nhà văn chuyên nghiệp trên thế giới họ nắm rất chắc bí quyết để chinh phục độc giả ở các quốc gia khác nhau, trong đó có cả độc giả Việt Nam.
Xuất khẩu văn chương là một hình thức mang chuông đi đánh xứ người. Chuông to ắt sẽ vang xa. Chuông nhỏ, khó vang là điều dễ hiểu. Nhưng cũng đừng vì thế mà thôi nhen lên khát vọng chinh phục. Gần đây, chúng ta cũng thấy một số nhà văn đã tự tìm đường ra thế giới. Họ có cách viết hiện đại, có mối quan hệ với bạn bè văn chương, quan hệ với giới xuất bản tại một số quốc gia.
Thậm chí, như nhà văn Vĩnh Quyền trực tiếp viết tác phẩm “Debris of debris” bằng tiếng Anh (xuất bản lần đầu tiên tại Đại học Saint Benedict - Mỹ, 2011, tái bản tại NXB Austin Macauley - Anh), được chọn lưu trữ trong thư viện Quốc hội Mỹ. Hay như nhà văn Di Li đã ra mắt những tập sách bằng tiếng Anh, tiếng Hà Lan để đến gần hơn với độc giả thế giới.
Tuy vậy, cũng đã bắt đầu thấy có sự chuyển động, khi Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Trung tâm dịch văn học với mục tiêu đưa vẻ đẹp văn học Việt ra thế giới và tuyển dịch tinh hoa văn chương từ các nước về Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam được cử làm Giám đốc Trung tâm. Khát vọng đưa văn chương Việt Nam đi bằng “cửa chính”, “đường hoàng đi trên đại lộ” đã được ông Thiều đề cập khi chúng tôi thực hiện cuộc trò chuyện với ông sau khi Trung tâm được thành lập.
Những ý tưởng quảng bá văn chương Việt Nam một cách có hệ thống cũng đã được ông tiết lộ. Tuy nhiên, thời gian qua, tiếc là chưa thấy dự án được triển khai. Và văn chương Việt Nam ra với thế giới vẫn phải đi “bằng lối đi sau nhà”.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, văn học là con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để thế giới biết đến Việt Nam. Nếu như Nhà nước không “đứng đằng sau” ủng hộ và thấy được tầm quan trọng của nó thì nguy cơ thất bại của Trung tâm dịch thuật văn học sẽ rất cao.