Số liệu của Tổng cục Thống kê, kỷ lục xuất siêu năm 2023 của Việt Nam vượt xa con số xuất siêu của nhiều năm qua. Giá trị xuất siêu năm 2023 đạt 28 tỷ USD; gấp 2,5 lần giá trị xuất siêu năm 2022; gấp 7 lần giá trị xuất siêu của năm 2021 và hơn 1,4 lần giá trị xuất siêu của năm 2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo còn nhiều khó khăn, làm gì để xuất khẩu vững đà tăng là bài toán cần sớm có lời giải thích.
15 năm qua (2028-2023), kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta đã thay đổi theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế chuyển dần từ nhập siêu sang xuất siêu. Nếu giai đoạn năm 2008-2011, chúng ta liên tục nhập siêu hàng chục tỷ USD thì từ năm 2012-2023 nền kinh tế đã chuyển sang trạng thái xuất siêu; trừ năm 2015 nhập siêu 3,2 tỷ USD.
Tổng thể bức tranh xuất nhập khẩu
Theo PGS.TS Doãn Kế Bôn - khoa Kinh tế và Kinh doanh quốc tế Trường Đại học Thương mại, năm 2023 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam không tốt như mọi năm. Nhưng do cán cân thương mại phụ thuộc vào cả hai đầu xuất khẩu và nhập khẩu, xuất khẩu giảm nhưng nhập khẩu giảm sâu hơn nên dẫn tới thặng dư thương mại lớn, con số xuất siêu đạt kỷ lục lên tới 28 tỷ USD.
Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng quý IV/2023 xuất khẩu đã tăng nhiều hơn trong khi nhập khẩu giảm, tốc độ tăng nhập khẩu thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu. Điều đó là cơ sở để năm 2024, xuất khẩu Việt Nam sẽ phục hồi và có thể đạt được tăng trưởng khá hơn năm 2023.
Còn theo TS Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), rất cần lưu ý nâng chất lượng hàng xuất khẩu bởi chúng ta xuất siêu lớn trong năm 2023 nhưng chủ yếu đến từ doanh nghiệp (DN) FDI. Cụ thể, khu vực FDI xuất siêu khoảng 48 tỷ USD, trong khi khu vực DN trong nước nhập siêu khoảng 20 tỷ USD. Các DN FDI đang chiếm 3/4 “miếng bánh” xuất khẩu, trong khi DN trong nước chỉ chiếm 1/4. Hiện Việt Nam xếp thứ 20 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu, trong đó 85% sản phẩm xuất khẩu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử, điện thoại, máy tính... nhưng hầu hết là gia công.
“Nếu nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu thì Việt Nam là một cường quốc xuất khẩu nhưng giá trị gia tăng chúng ta được hưởng lợi rất thấp” - ông Phương nói và cho rằng cần phải chuyển từ nền sản xuất gia công, lắp ráp hiện nay sang nền sản xuất thiết kế, chế tạo.
Để có những con số “lấp lánh”
Xuất khẩu nông sản là điểm sáng nhất trong bức tranh xuất khẩu cả nước năm 2023, hơn 10 mặt hàng nông sản đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên. Theo giới chuyên gia kinh tế, xuất khẩu nông sản đã tạo ra 4 mảng màu sáng. Một là, quy mô không ngừng tăng. Hai là, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng tích cực, giảm hàm lượng thô, tăng sản phẩm chế biến. Ba là, hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng, đa dạng, phong phú về chủng loại, tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do (FTA). Và cuối cùng là xuất khẩu nông sản đóng góp quan trọng giữ cán cân thương mại xuất siêu nhiều năm qua.
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, trong thành công lớn xuất khẩu nông sản năm qua, có sự "ghi điểm" đáng chú ý của sầu riêng: thu về 2,4 tỷ USD. Con số này có ý nghĩa vượt trội khi từ năm 2021 trở về trước chỉ xuất khẩu được khoảng 200 triệu USD/năm. Còn nói như ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T thì “năm 2024 sẽ tiếp tục là năm của sầu riêng”.
Xuất khẩu gạo được kỳ vọng cũng sẽ tăng trưởng mạnh. Theo ông Phạm Thái Bình - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), để ngành hàng lúa gạo tăng trưởng mạnh hơn nữa thì cần tập trung nguồn lực thực hiện đề án 1 triệu héc - ta lúa chất lượng cao, ngay trong năm 2024. Về tình hình xuất khẩu gạo, ông Bình nói “chắc như đinh đóng cột” rằng giá lúa gạo sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, DN sẽ không còn "sốc" vì giá lúa tăng bất thường mà họ đã có sự chủ động, xuất khẩu gạo năm 2024 của Việt Nam sẽ tiếp tục thắng lớn.
Cùng với trái cây, lúa gạo thì “con tôm con cá” cũng đem tới nhiều hy vọng. Trước những khó khăn của con tôm xuất khẩu, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta vẫn tin tưởng rằng với sự dạn dày trên thương trường, các doanh nhân đã biết chuyển thách thức đó thành kinh nghiệm, bản lĩnh cho mình để bước tới. Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng bất lợi "chí tử" là giá thành tôm nuôi quá cao chưa thể khắc phục ngay trong thời gian ngắn.
Còn theo ông Hoàng Ngọc Bình - Giám đốc vận hành Công ty Australis (một công ty Mỹ hiện đang đầu tư nuôi thủy sản tại tỉnh Khánh Hòa) ngành xuất khẩu thủy sản của Việt Nam hiện đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, trong khi các yếu tố bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao, chưa đẩy mạnh chế biến sâu...
Trong khi đó, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nói rằng để có những con số "vui tươi lấp lánh" với thủy sản trong năm 2024 thì cần đi sâu vào thị trường Trung Quốc, đồng thời phải xem xét lại cách chế biến để gia tăng giá trị sản phẩm chủ lực nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu; tăng trưởng xanh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước cũng như xu hướng thị trường tiêu dùng thế giới.
Phát huy vai trò cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài
Để xuất khẩu rộng đường, cùng với nỗ lực của nhà quản lý, DN trong nước, rất cần đến vai trò của các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên không ít lần nhấn mạnh rằng để thúc đẩy xuất khẩu, cộng đồng DN cần nỗ lực vượt khó, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa hàng hóa và các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đẩy mạnh tìm kiếm, mở rộng thị trường xuất khẩu. Các cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài phải nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách của thị trường khu vực, để có những phản ứng chính sách phù hợp. Trước hết là bảo vệ quyền lợi của đất nước, nhưng cũng là bảo vệ, hỗ trợ cho DN xuất khẩu.
“Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất bây giờ (của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài) là phải nắm được các chính sách, xu hướng và nghiên cứu để đề xuất phản ứng chính sách của mình, phản ứng chính sách từ cấp quốc gia và phản ứng chính sách từ cấp DN" - ông Diên nói.
Tới nay, trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, đã trải rộng ra khắp các châu lục Á, Âu, Bắc Mỹ, chỉ riêng 6 thị trường lớn nhất, có quy mô trên 10 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này đã đạt 237 tỷ USD, chiếm 63,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (con số năm 2022). Năm 2023, trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới nhưng thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được mở rộng. Cùng với các thị trường truyền thống lớn, như Mỹ, EU, Trung Quốc thì các thị trường Trung Á, châu Phi cũng đã có được những kết quả khả quan.
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Saudi Arabia, để phát triển thị trường trong tình hình mới, DN cần chủ động nghiên cứu thị trường, thị hiếu của khách hàng để có những sản phẩm phù hợp, có chất lượng tốt, duy trì chất lượng đồng đều; xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình. Riêng với thị trường Saudi Arabia, yêu cầu cao về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc mở rộng thị trường đòi hỏi phải sát với nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
Đáng chú ý, cùng vai trò “cầu nối”, cũng rất cần Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài “chung chiến hào” với DN trong nước trong những cuộc chiến pháp lý, hàng rào kỹ thuật phòng vệ thương mại nhằm bảo hộ hàng hóa, sản xuất của nước nhập khẩu. Thời gian qua, không ít DN xuất khẩu đã vướng vào cuộc chiến pháp lý kéo dài, vừa mất cơ hội làm ăn lại vừa tốn kém. Kể cả có DN xuất khẩu gặp phải đối tượng lừa đảo, thiệt hại rất lớn.
Muốn “an toàn để xuất khẩu”, trước hết DN phải nâng cao nhận thức về các biện pháp phòng vệ thương mại qua việc tìm hiểu kỹ quy định về phòng vệ thương mại của các nước nhập khẩu. Khi có nguy cơ bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, DN phải phối hợp với Bộ Công thương cũng như Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Đó chính là yếu tố quyết định có giảm thiểu tác động bất lợi của biện pháp phòng vệ thương mại khi xuất khẩu hàng hóa hay không.
Chính vì vậy, cộng đồng DN xuất nhập khẩu trong nước đặt kỳ vọng ở sự “chung vai sát cánh” của các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, tích cực hơn nữa trong việc vận hành hệ thống cảnh báo sớm để hỗ trợ DN chủ động ứng phó, hạn chế rủi ro...
Hiện FPT là DN công nghệ đầu tiên của Việt Nam đạt doanh thu tỷ USD từ xuất khẩu phần mềm. Nguồn doanh thu này của FPT đến chủ yếu từ 3 thị trường trọng điểm là Nhật Bản, châu Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương. Trong 1 tỷ USD doanh thu dịch vụ công nghệ thông tin, có 21% đến từ các khác hàng trong lĩnh vực công nghệ phần mềm ô tô và sản xuất, 11% đến từ lĩnh vực tài chính ngân hàng, 11% đến từ năng lượng… Trong đó, thị trường Nhật Bản tăng 54%. Trong lĩnh vực chip bán dẫn, FPT đã ghi nhận đơn hàng 70 triệu chip cho khách hàng toàn cầu. Dự báo của nhiều định chế tài chính quốc tế, năm 2024, chi tiêu công nghệ thông tin thế giới được sẽ đạt 5.100 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2023. Trong đó chi tiêu cho dịch vụ công nghệ thông tin và phần mềm chiếm 51% và có tốc độ tăng trưởng cao nhất, tương đương 11,6% và 14,1%.