Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng trong tháng 2/2020 nhờ Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.
2 tháng đầu năm, xuất khẩu linh kiện điện tử, điện thoại vẫn tăng khá.
Kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm
Theo đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 ước tính đạt 18,6 tỷ USD, tăng 1,5% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 5,1 tỷ USD, giảm 19,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 13,5 tỷ USD, tăng 12,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 2/2020 tăng 34%; trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng 39,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 32%.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 36,92 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị cao như: điện thoại và linh kiện đạt 6,9 tỷ USD, tăng 2,3%; Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 5,4 tỷ USD, tăng 26,7%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 3 tỷ USD, tăng 19,6%; giày dép đạt 2,7 tỷ USD, tăng 3%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,5 tỷ USD, tăng 7,1%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 1,4 tỷ USD, tăng 4%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng nông sản giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước như: Thủy sản đạt 912 triệu USD, giảm 17,7%; cà phê đạt 497 triệu USD, giảm 9,8%; rau quả đạt 481 triệu USD, giảm 17,4%; hạt điều đạt 315 triệu USD, giảm 19,3%; hạt tiêu đạt 81 triệu USD, giảm 18,8%. Riêng gạo đạt 372 triệu USD, tăng 20,5%.
Về thị trường hàng hóa xuất khẩu, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, giảm 6,5%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu trong 2 tháng, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 10 tỷ USD, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước; Hàn Quốc đạt 8 tỷ USD, tăng 9%; ASEAN đạt 4,5 tỷ USD, giảm 9,6%; Nhật Bản đạt 2,8 tỷ USD, tăng 0,2%; EU đạt 2,1 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 2,1 tỷ USD, tăng 13,6%.
CPI tháng 2 giảm nhẹ
Tổng cục Thống kê vừa cho biết, quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, sự chủ động điều hành giá xăng dầu cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 là các nguyên nhân chính để chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, bình quân 2 tháng đầu năm 2020, CPI tăng 5,91% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng bình quân 2 tháng đầu năm cao nhất trong 7 năm gần đây.
Theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 5 nhóm hàng tăng giá. Đó là, hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,17%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; giáo dục tăng 0,04%. Có 6 nhóm giảm giá là giao thông giảm 2,5%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,13%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%...