Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt khoảng 732 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam vượt mốc 700 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, xuất khẩu năm 2022 dự kiến tăng khoảng 10,5% so với 2021, đạt khoảng 371,5 tỷ USD; Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa năm 2022 dự kiến tăng khoảng 8,5% so với năm 2021 và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm gần 90%; nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 6%.
“Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp với thặng dư trên 11 tỷ USD, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nêu rõ.
Một trong những ngành xuất khẩu mang lại con số kim ngạch ấn tượng phải kể đến ngành dệt may. Theo đó, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 42 tỷ USD tăng 3,8% so với năm 2021. Sản phẩm dệt may đã được xuất khẩu sang 66 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Số mặt hàng xuất khẩu duy trì từ 47 - 52 mặt hàng, trong đó mặt hàng quần áo may mặc chiếm kim ngạch xuất khẩu chủ yếu. Mặc dù cả năm 2022, ngành may đối diện với nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, đơn hàng eo hẹp, thế nhưng các doanh nghiệp (DN) ngành may vẫn nỗ lực để đạt được con số kim ngạch mục tiêu của năm. Theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), việc Việt Nam ký kết và thực thi 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo nên động lực để đạt được con số này. Với việc ký kết các FTA, chúng ta có thể mở rộng, đa dạng hóa thị trường. “Ngoài ra, các DN ngành dệt may hiện nay đang đẩy mạnh sang quản trị số, hướng đến xu thế xanh hóa, chủ động nguồn nguyên liệu... để phát triển một cách ổn định, bền vững” – ông Giang nhấn mạnh.
Đánh giá về kết quả ấn tượng trong xuất nhập khẩu của năm 2022, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc sớm ổn định và phục hồi sản xuất sau khi kiểm soát được dịch Covid-19 đã thúc đẩy phục hồi sản xuất và giao dịch. “Đây là động lực rất lớn để tạo ra nguồn hàng cho các hoạt động xuất khẩu cũng như nhập khẩu nguyên liệu cần thiết để sản xuất” - ông Hải khẳng định. Đặc biệt, năm 2022, nhiều FTA đã thực sự phát huy hiệu quả. Cùng với đó, nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hỗ trợ tối đa cho các hoạt động xuất khẩu, xúc tiến thương mại…là những hoạt động rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2022 vừa qua.
Tuy nhiên, ông Hải cho rằng, dù kết quả năm 2022 khởi sắc nhưng bối cảnh mới hiện nay có nhiều khó khăn và biến động, những tác động tiêu cực chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Tình trạng đơn hàng đầu năm 2023 của một số ngành đang gặp khó khăn. Do vậy, vấn đề đơn hàng, cũng như nguồn hàng xuất khẩu tiếp tục khó khăn trong thời gian tới.
Năm 2023, Bộ Công thương đặt mục tiêu đạt tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2022 và cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu. Để đạt được mục tiêu này, Bộ Công thương tập trung cao cho việc mở rộng thị trường xuất, nhập khẩu, đa dạng hóa đối tác, nguồn hàng, chuỗi cung ứng; thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch bền vững; thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm... Đặc biệt, theo đại diện Bộ Công thương, xu hướng toàn cầu là bảo vệ môi trường để có thể phát triển bền vững. Bởi vậy, các DN cần chú trọng sản xuất xanh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.