Nói về việc Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa gửi văn bản góp ý tới Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận về một số nội dung trong việc tổ chức thi THPT quốc gia, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga khẳng định nhiều vấn đề trong đó Hiệp hội đã góp ý từ những năm trước, Bộ đã lắng nghe và có tiếp thu sửa đổi trong Qui chế thi năm nay.
Ảnh minh họa.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Hiện nay Bộ vẫn chưa nhận được văn bản chính thức của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam. Tuy nhiên, qua những thông tin trên báo chí thì những nội dung góp ý của Hiệp hội năm nay, từ những năm trước Hiệp hội cũng đã có kiến nghị rồi. Ví dụ như việc bỏ điểm sàn ĐH, CĐ thì năm nay Bộ đã đi bước đầu tiên trong Kỳ thi THPT Quốc gia, đó là không quy định ngưỡng đầu vào của CĐ, mà ngưỡng của CĐ là tốt nghiệp THPT. Còn ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ĐH thì Bộ cho rằng, vẫn cần duy trì để đảm bảo chất lượng của thí sinh. Hiệp hội cũng kiến nghị việc để cho các trường tổ chức phương thức tuyển sinh theo nhóm trường. Hiện nay trong quy chế mới, Bộ cũng khuyến khích các trường thành lập các nhóm tuyển sinh để đảm bảo hạn chế thí sinh ảo…
Trước đó, trong thông tin cung cấp cho báo chí, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam cho biết đã gửi công văn kiến nghị với Bộ GD&ĐT. Trong đó nhấn mạnh nội dung góp ý đầu tiên là việc đánh giá tốt nghiệp THPT quốc gia của học sinh nếu chỉ dựa vào kết quả của 4 môn thi đơn ở kỳ thi quốc gia, trong đó có 3 môn thi bắt buộc (như quy định tại Quy chế thi THPT quốc gia) sẽ tạo cho học sinh thiên hướng học lệch ngay từ đầu lớp 10. Từ đó, mục tiêu giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông sẽ không đạt được.
Nội dung góp ý này, từ trước thời điểm kỳ thi THPT quốc gia 2015 diễn ra, đã có rất nhiều chuyên gia giáo dục trong Hiệp hội, và một số lãnh đạo trường phổ thông lên tiếng rằng: Với cách thi chỉ có 3 môn chính bắt buộc là Văn, Toán và Ngoại ngữ và một môn tự chọn sẽ làm học sinh học lệch nhiều. Bởi, theo ý kiến của một số giáo viên THPT, tâm lý của học sinh hiện nay đa phần đều “thực dụng”. Các em sẽ chỉ học môn nào nằm trong khối thi ĐH và tốt nghiệp. Điều này cũng đã được thể hiện rõ trong kết quả thi THPT quốc gia năm vừa qua với khi số lượng học sinh bị điểm liệt lên tới hàng nghìn, có môn thi tới mấy chục nghìn thí sinh bị điểm liệt như môn Toán, tiếng Anh...
Thực tế, từ kỳ thi THPT Quốc gia 2015, đã có những trường không có thí sinh nào chọn thi môn Lịch sử. Trong năm nay, số lượng trường không có thí sinh chọn thi môn Lịch sử có vẻ cũng đang có xu hướng gia tăng, khi một loạt các trường THPT cho biết hiện giờ chưa có thí sinh nào đăng ký lựa chọn môn thi tốt nghiệp là Sử. Hiệu trưởng Trường THPT Tây Đô - ông Lưu Danh Chiêm phải thốt lên rằng: Chúng tôi cũng không biết phải làm sao, bởi quyền lựa chọn môn thi là phụ thuộc ở thí sinh, nhà trường chỉ có thể khuyên chứ không thể ép buộc được các em. Hay TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đinh Tiên Hoàng nói rằng, nếu được chọn môn thi, rõ ràng các em sẽ chọn môn nào dễ học hơn. Và tâm lý chung, các em sẽ chỉ học những môn mình thi chứ không học môn không thi.
Đưa ra lý giải cho góp ý này, PGS Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam rất nhiều lần đã nói: Việc Bộ GD&ĐT tổ chức thi THPT quốc gia theo 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn (trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý), học sinh sẽ chỉ chọn thêm 1 môn, hoặc là tự nhiên hoặc là xã hội. Điều này rõ ràng sẽ dẫn đến việc học lệch của học sinh ngay từ năm học lớp 10. Học sinh chọn môn tự chọn là tự nhiên sẽ không chú ý học các môn xã hội còn lại và ngược lại. Trong khi, chương trình phổ thông lại yêu cầu phải học tất cả các môn. Hệ quả trước mắt là chất lượng giáo dục chung sẽ không đạt chuẩn hoặc bị suy giảm bởi có những môn học sinh buộc phải đến lớp mà không muốn học, không thích học, gây ức chế cho cả người học và người dạy. Về lâu dài cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng học sinh Việt Nam. Bởi khi học sinh ra trường, nếu không có được kiến thức căn bản, tối thiểu, các em sẽ trở nên ngô nghê và thiếu linh hoạt trong các lĩnh vực của đời sống.
Để giải quyết vấn đề, nhiều chuyên gia giáo dục cũng đưa ra đề xuất, kỳ thi tốt nghiệp THPT nên được thực hiện theo cách, có 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và thêm 2 bài tổng hợp theo kiến thức tự nhiên và xã hội. Với cách thi như thế vừa rút ngắn thời gian, vừa định hướng học sinh phải có kiến thức tổng hợp, toàn diện bên cạnh kiến thức chuyên sâu.