ThS.BS Đào Hữu Minh – Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, cho biết: Y học cổ truyền (YHCT) thường gọi chứng lipid máu cao là đàm thấp. Đàm thấp do ăn nhiều đồ béo ngọt hoặc do yếu tố tinh thần làm ảnh hưởng đến khí huyết và công năng của các tạng tỳ thận sinh ra.
Theo y học hiện đại, rối loạn lipid máu thường được gọi là máu nhiễm mỡ (mỡ máu cao). Đó là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid máu hay tình trạng nồng độ các chất mỡ trong máu tăng cao bao gồm cholesterol, triglycerid và các thành phần khác
Mỡ máu hay lipid máu bao gồm rất nhiều thành phần khác nhau trong đó quan trọng nhất gồm có: Cholesterol, Triglycerid, HDL-Cholesterol (mỡ máu tốt) và LDL-Cholesterol (mỡ máu xấu).
Rối loạn lipid máu là tình trạng tăng một cách bất thường cholesterol và triglycerid và làm giảm HDL-C trong máu. Rối loạn lipid máu là nguyên nhân của một loạt các bệnh lý nguy hiểm như các bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp và hậu quả là bệnh nhân có thể bị đột quỵ do tai biến mạch não. Ngoài ra tăng lipid máu còn gây ra viêm tụy cấp, nếu nhiều lần trở thành viêm tụy mạn và dẫn đến biến chứng đái tháo đường.
Theo bác sĩ Đào Hữu Minh, YHCT quan niệm đàm là chất đặc, ẩm là chất loãng; sự hình thành đàm ẩm là do sự vận hóa bất thường của tân dịch, do các tác nhân: suy sụp tinh thần và ăn uống không điều độ gây nên. Đàm ẩm sau khi hình thành sẽ theo khí đi các nơi, ở ngoài đến cân xương, trong đến tạng phủ, không đâu không đến, làm ảnh hưởng đến sự vận hành khí huyết, sự thăng giáng của khí mà gây các chứng bệnh ở các bộ phận cơ thể. Ở đây đàm ẩm là một sản vật bệnh lý, liên hệ với y học hiện đại (YHHĐ) thì đàm ẩm giống như sự lắng đọng của lipid ở thành động mạch. Sự hình thành đàm ẩm có liên quan đến 3 tạng: phế, tỳ, thận
Bác sĩ Đào Hữu Minh chỉ ra nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh của chứng đàm:
– Do ăn uống không điều độ: ăn nhiều thức ăn ngọt béo, nhiều cao lương mĩ vị, uống nhiều rượu, làm việc trí óc quá sức, làm tổn thương tỳ vị, dẫn đến đàm thấp nội sinh.
– Do ít vận động thể lực, đàm ứ trệ lâu ngày, khí huyết không lưu thông, dẫn đến khí trệ, huyết ứ. Sách Tố vấn thiên “tuyên minh ngũ khí luận” viết: “Cửu ngọa thương khí, cửu tọa thương nhục” (nằm nhiều hại khí, ngồi nhiều hại cơ nhục). Thương khí dẫn đến khí hư, thương nhục dẫn đến tỳ hư, tỳ khí hư suy mà gây ra bệnh.
– Do yếu tố tinh thần: lo nghĩ hại tỳ, giận dữ hại can; can mộc vượng khắc tỳ thổ làm tỳ thổ rối loạn hư yếu dẫn đến sự vận hóa bị suy giảm, đàm thấp ứ trệ kinh mạch mà gây ra bệnh
– Do yếu tố thể chất: trong sách Linh khu thiên “thọ yểu cương nhu” viết: “con người ta sinh ra có cương, có nhu, có cường có nhược, có dài có ngắn, có âm có dương”. Khi thể trạng không khỏe làm cho thận khí bất túc, thận dương hư - không ôn ấm được tỳ dương, tỳ không vận hóa được thủy thấp, sinh đàm ẩm.
Đàm khi đã sinh ra theo khí phân bố ở nhiều nơi trong cơ thể làm cho kinh lạc bế tắc, huyết mạch không thông, mạch lạc ứ trệ mà sinh ra các chứng đàm thấp, huyết ứ, đầu thống, huyễn vựng… với các biểu hiện lâm sàng tương tự như hội chứng rối loạn lipid máu, bệnh vữa xơ động mạch của YHHĐ
Bác sĩ Đào Hữu Minh đã chia ra thành các thể và dùng các bài thuốc YHCT điều trị như sau:
1. Thấp nhiệt uất kết
– Triệu chứng: người nóng khát nước, tiểu ít, phù, bụng đầy, rêu lưỡi vàng dày, mạch hoạt sác lipid máu cao, người khỏe
– Phép điều trị: Thanh nhiệt lợi thấp
– Bài thuốc: Tứ linh tán hợp lục nhất tán gia vị
Bài thuốc: Bạch truật, Bạch linh, Trư linh, Trạch tả, Nhẫn đông đằng, Ý dĩ (10-15g), Hà diệp, Cúc hoa, Râu ngô (10-12g), Hoạt thạch 20-30g (sắc trước), Cam thảo 4g, Thảo quyết minh 20g sắc uống
2. Khí trệ huyết ứ
– Triệu chứng: Bệnh nhân lipid máu cao, hay đau nhói trước ngực, thường có kèm động mạch vành, thiếu máu cơ tim, lưỡi tím hoặc có điểm ứ huyết, mạch huyền
– Phép trị: Hoạt huyết lý khí
– Bài thuốc: Huyết phủ trục ứ thang gia giảm
Sinh địa, Đương quy, Bạch thược (12-16g), Đào nhân, Ngưu tất, Sài hồ (10-12g), Đan sâm, Hồ hoàng, Sung úy tử, Chỉ thực, Hương phụ, Xuyên khung (8-12g). Sắc uống
3. Tỳ hư đàm thấp
– Triệu chứng: lipid máu cao, chán ăn bụng đầy, chân tay mỏi mệt, ho nhiều đờm, ỉa lỏng, rêu lưỡi trắng dày, mạch hoạt
– Phép điều trị: Kiện tỳ hòa vị hóa đàm trừ thấp
– Bài thuốc: Hương sa lục quân hợp với Bạch kim hoàn gia giảm
Đảng sâm, Bạch truật, Bạch linh, Trúc nhự (10-12g), Trần bì, Bán hạ, Chỉ thực, Mộc hương, Sa nhân, Uất kim (6-12g), Bạch phàn 2g (tán bột hòa uống), Chích thảo 3 g. Sắc uống
4. Tỳ thận lưỡng hư
– Triệu chứng: Thường gặp ở người cao tuổi, lipid máu cao, mệt mỏi, bụng đầy, ăn kém, lưng gối nhức mỏi, ù tai hoa mắt, lưỡi đỏ rêu mỏng, mạch trầm tế vô lực
– Phép điều trị: Bổ thận kiện tỳ
– Bài thuốc:
Sinh hà thủ ô đỏ 10-12g, Thỏ ti tử 12g, Nữ trinh tử 10-12g, Tiên linh kỳ 10g, Sinh địa 10-12g, Vừng đen 10-12g, Trạch tả 10-15g, Bạch linh 12g, Bạch truật 10g. Sắc uống.