Trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập của đất nước, Việt Nam đã từ một trong những nước nghèo và khó khăn nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức dưới 100 USD lên khoảng 2.100 USD vào năm 2015, tăng trưởng GDP thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ năm 1990 đến nay, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực…
1. Vai trò của ngành ngân hàng trong phát triển kinh tế
Trong hơn 30 năm đổi mới và hội nhập của đất nước, Việt Nam đã từ một trong những nước nghèo và khó khăn nhất thế giới trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với thu nhập bình quân đầu người tăng từ mức dưới 100 USD lên khoảng 2.100 USD vào năm 2015, tăng trưởng GDP thuộc nhóm tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ năm 1990 đến nay, nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và khu vực… Để đạt những thành tựu đó, Việt Nam đã luôn kiên trì đường lối đổi mới đồng bộ và toàn diện trên mọi mặt của nền kinh tế trong đó ngành ngân hàng là một trong những ngành tiên phong trong công cuộc đổi mới, thực hiện tốt vai trò là huyết mạch của nền kinh tế, hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt trong giai đoạn sau khủng hoảng tài chính thế giới (2008 đến nay), vai trò ngành ngân hàng trong nền kinh tế càng được khẳng định.
Đến nay, hệ thống các NHTM được phát triển ở quy mô lớn, là kênh dẫn vốn chủ chốt trong nền kinh tế. Xét trong tổng thể hệ thống tài chính Việt Nam, tính đến hết năm 2015, khu vực ngân hàng đang chiếm tỷ trọng rất lớn với tổng tài sản chiếm tới 75% tổng tài sản hệ thống tài chính, trong đó, tổng dư nợ tín dụng hệ thống cung cấp cho nền kinh tế lên tới 4.656 nghìn tỷ, bằng 111% GDP. Với quy mô lớn như vậy, nguồn tín dụng ngân hàng đang đóng vai trò là kênh dẫn vốn chính của nền kinh tế với tỷ trọng chiếm khoảng 40-45% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Đặc biệt, vai trò của các NHTMNN được thể hiện rõ nét trong giai đoạn tái cơ cấu các TCTD vừa qua. Theo đó, các NHTMNN không những hoàn thành tốt nhiệm vụ của bản thân mà còn tích cực tham gia định hướng, dẫn dắt thị trường, đi đầu trong thực hiện các biện pháp chính sách của Chính phủ, NHNN. Điển hình nhất có thể kể đến là: (1) tham gia tích cực, hiệu quả trong tái cơ cấu, tiếp quản, nhận sáp nhập các NHTMCP yếu kém; (2) đề xuất, thực hiện và triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ và NHNN; (3) đi đầu trong thực hiện các chủ trương chính sách của Chính phủ, NHNN đặc biệt trong giảm lãi suất huy động, lãi suất cho vay và góp phần quyết định hình thành mặt bằng lãi suất trên thị trường theo đúng định hướng của ngành trong từng thời kỳ; (4) NHTMNN là lực lượng chính trong phát triển các dự án, chương trình kinh tế lớn có vốn lan tỏa của đất nước.
2. Thực trạng năng lực tài chính khối các NHTM nhà nước
Trong quá trình thực hiện vai trò đối với nền kinh tế, năng lực tài chính của khối NHTMNN thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR) bị suy giảm nghiêm trọng.
Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, TSCRR của khối NHTMNN tăng trưởng trung bình ở mức 19,4%/năm, cao hơn mức tăng 15,43%/năm của vốn tự có, dẫn đến CAR của khối giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay – gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3% (đồng thời tiêu chuẩn tính của Việt Nam thấp hơn).
Tình trạng vốn tự có tăng không đủ bù đắp mức tăng TSCRR của khối NHTMNN làm suy giảm CAR chủ yếu do 2 nguyên nhân: (1) Khả năng sinh lời của các NHTMNN bị co hẹp (Tỷ lệ NIM (đã trừ DPRR) từ mức 2,5% năm 2011 giảm còn 2,2% năm 2012 và tiếp tục giảm xuống mức 1,7-1,8% giai đoạn 2013 – 2015) do đi đầu trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính Phủ (lãi suất cho vay thấp khoảng 7% trong khi lãi suất huy động theo giá thị trường 4-5%, đồng thời trung bình dư nợ các chương trình trong tổng dư nợ cũng ở mức cao như BIDV lên đến…) ; (2) Trong giai đoạn ngành ngân hàng Việt Nam triển khai nhiều biện pháp để áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế theo Basel trong tính toán CAR nên vừa làm giảm tốc độ tăng Vốn tự có và vừa làm tăng tốc độ tăng TSCRR so với trước đây, từ đó tác động tiêu cực đến CAR.
3. Kinh nghiệm tăng vốn của các ngân hàng trên thế giới
Nghiên cứu quá trình tăng vốn của các ngân hàng lớn trên thế giới trong giai đoạn từ 2009-2012, để nâng CAR đáp ứng theo tiêu chuẩn Basel cho thấy: Để nâng CAR, các ngân hàng sẽ ưu tiên thực hiện tăng vốn tự có hơn là thực hiện giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng/tài sản. Trong các giải pháp để tăng vốn, giải pháp tăng vốn từ nguồn lợi nhuận để lại được sử dụng là chính. Trong các giải pháp gia tăng nguồn lợi nhuận để lại để tăng vốn, giải pháp tăng khả năng sinh lời đóng vai trò hạn chế.
Áp lực tăng vốn của các NHTMNN Việt Nam hiện nay có nhiều đặc điểm giống các NHTM tại Hàn Quốc sau khủng hoảng 1997. Khi khủng hoảng tài chính 1997 xảy ra và qua đi, nền kinh tế Hàn Quốc đứng trước áp dụng cải tổ mạnh mẽ và trong đó có cả ngành ngân hàng. Để nâng cao năng lực tài chính cho các NHTMNN, Hàn Quốc xác định việc tăng vốn cho các ngân hàng từ nguồn ngân sách nhà nước là không thể tránh khỏi do nguyên nhân: (1) bất ổn trong hệ thống tài chính có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng trong toàn nền kinh tế và (2) thực tế là NHTM Hàn quốc khi đó rất khó để có thể tự thực hiện tăng vốn từ phát hành thêm cổ phần. Kết quả vào cuối năm 1998, Hàn quốc đã bơm tổng cộng 64 nghìn tỷ Won (tương đương khoảng 15% GDP) để tái cơ cấu hệ thống tài chính, trong đó ½ lượng vốn này dùng để thực hiện tăng vốn cho các ngân hàng. Mục tiêu tăng vốn cho các NHTM Hàn Quốc được xác định là đưa CAR lên mức 10%.
Bên cạnh trường hợp của Hàn Quốc, trường hợp của Mỹ trong khủng hoảng 2008-2009 cũng rất đáng xem xét. Cụ thể trong năm 2008-2009, hàng loạt các ngân hàng đầu tư, công ty bảo hiểm... của Mỹ rơi vào khủng hoảng và đứng trước nguy cơ đổ vỡ. Khi đó Chính phủ Mỹ đã thực hiện các biện pháp để đối phó trong đó có việc giúp các ngân hàng yếu kém tìm kiếm đối tác để thực hiện sáp nhập. Thường, Chính phủ phải đứng ra xử lý các khoản nợ xấu và bảo lãnh (nếu có thua lỗ trong tương lai) sau khi các ngân hàng mạnh chịu thực hiện sáp nhập các ngân hàng yếu kém. Ví như tháng 3/2008, FED đã phải hỗ trợ 30 tỷ USD cho việc JP Morgan Chase mua lại Bear Stearns để tránh khỏi phá sản; tương tự vào tháng 9/2008 Fed cũng phải cho AIG vay 85 tỷ USD trong vòng 2 năm để cứu tập đoàn này khỏi phá sản. Đổi lại Chính phủ Mỹ sẽ nắm giữ 79,9% cổ phần của AIG và thay đổi ban lãnh đạo của tập đoàn này.
Trong cả 2 trường hợp này, nguồn vốn để hỗ trợ tăng cường năng lực tài chính cho các NHTM gặp khó khăn đều từ ngân sách nhà nước. Nguồn vốn này một mặt giúp các NHTM bị ảnh hưởng nhanh chóng khôi phục lại hoạt động, mặt khác làm nền tảng giúp các NHTM tiếp tục triển khai các biện pháp tăng vốn khác.
4. Khó khăn trong áp dụng các biện pháp tăng vốn đối với các NHTMNN
Hiện nay các NHTMNN Việt Nam đang trong tình trạng nan giải khi thực hiện các giải pháp tăng vốn nhằm đảm bảo năng lực tài chính:
- Tăng vốn từ giải pháp giảm chi trả cổ tức.
- Tăng vốn từ phát hành thêm cổ phần cho nhà đầu tư hiện hữu, thu hút thêm nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
- Tăng vốn từ giải pháp thực hiện tiết kiệm chi phí quản lý, mở rộng các nguồn thu ngoài lãi.
- Tăng vốn từ nguồn bổ sung NSNN.
- Tăng vốn từ việc tăng khả năng sinh lời và thực hiện điều chỉnh cơ cấu bảng tổng kết tài sản giúp giảm TSCRR.
5. Những rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế khi tình trạng suy giảm năng lực tài chính các NHTMNN không được giải quyết.
Như đã phân tích ở trên, cuối năm 2015 CAR của khối NHTMNN đang ở mức 9,4% và chỉ còn lại 0,4% dự địa để tăng trưởng TSCRR trước khi chạm ngưỡng quy định. Theo đó, có thể có các khả năng sau xảy ra:
- Vốn tự có của khối NHTMNN không được tăng trong năm 2016 (tương ứng với việc Nhà nước thu về toàn bộ cổ tức năm 2015), những hệ quả sau có thể xẩy ra: Vốn tự có của khối sẽ ở mức bằng năm 2015 là 203 nghìn tỷ đồng và theo đó khả năng tăng trưởng TSCRR còn lại chỉ là 101 nghìn tỷ, tương ứng với mức tăng trưởng 4,67% so với năm 2015 và tăng trưởng tín dụng ở mức 7-8% năm 2016. Khi đó, dư nợ tín dụng mỗi năm bị thiếu hụt mất 280 nghìn tỷ đồng. Với mức ICOR Việt nam giai đoạn 2016-2020 ước tính ở mức 4,7 (trên cơ sở kế hoạch phát triển KTXH 2016-2020 đã được quốc hội thông qua xác định tỷ lệ đầu tư/GDP ở mức 31-32% và tăng trưởng GDP ở mức 6,5-7%), số vốn tín dụng thiếu hụt sẽ làm giảm GDP trung bình 1 năm trong giai đoạn 2016-2020 ở mức 69,1 nghìn tỷ/năm sẽ tương ứng với mức giảm tăng trưởng GDP (theo giá so sánh) là 0,55%-0,6%/năm. Theo đó dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6,05-6,4%/năm.
- Vốn tự có của khối NHTMNN tăng lên từ nguồn lợi nhuận giữ lại với ước tính ở mức 8,34%/năm (căn cứ theo mức tăng vốn tự có của khối NHTMCP giai đoạn 2011-2015), không có nguồn tăng vốn bổ sung từ bên ngoài. Với cách tính toán tương tự như trường hợp 1, hệ quả có thể như sau: Vốn tự có của khối năm 2016 sẽ ở mức 220,3 nghìn tỷ và theo đó khả năng tăng trưởng TSCRR sẽ ở mức 289,2 nghìn tỷ (tương ứng với mức CAR 9%), tương ứng với mức tăng trưởng TSCRR 13,4% và tăng trưởng tín dụng ở mức 15-16% so với năm 2015. Khi đó dư nợ tín dụng mỗi năm bị thiếu hụt mất 108,2 nghìn đồng. Với mức ICOR Việt nam giai đoạn 2016-2020 ước tính ở mức 4,7, số vốn tín dụng thiếu hụt sẽ làm giảm GDP trung bình 1 năm trong giai đoạn 2016-2020 ở mức 23 nghìn tỷ/năm, tương ứng với mức giảm tăng trưởng GDP (theo giá so sánh) là 0,18-0,2%/năm. Theo đó dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6,3-6,7%/năm.
6. Lợi ích của việc tăng vốn cho các NHTMNN
Qua phân tích cho thấy vai trò quan trọng của các NHTMNN đối với phát triển kinh tế đất nước, việc tăng vốn cho các NHTMNN đem đến những lợi ích đối với các ngân hàng được tăng vốn nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung. Năm 2015, BIDV và CTG không trả cổ tức bằng tiền mặt, tương đương với việc NSNN giảm thu khoảng 4.700 tỷ đồng từ nguồn cổ tức trong năm 2016 - chiếm một phần nhỏ ~ 0,45% tổng thu NSNN, tuy nhiên việc cho phép BIDV và CTG được giữ lại phần lợi nhuận để lại này để tăng vốn đem lại những lợi ích dài hạn hơn
Việc tăng vốn cho các NHTMNN còn đem lại các lợi ích khác như thực hiện các mục tiêu Đề án 254 “ngành ngân hàng sẽ tăng cường áp dụng các chuẩn mực an toàn hoạt động theo thông lệ quốc tế với mục tiêu các TCTD phải có đủ vốn tự có để bù đắp rủi ro tín dụng, thị trường, tác nghiệp theo tiêu chuẩn Basel II đến cuối năm 2015”); thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ (tại Thông báo số 249/TB-VPCP ngày… “NHNN chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng phương án tổng thể tăng vốn điều lệ cho các NHTMNN, các NHTMNN nắm cổ phần chi phối, đáp ứng yêu cầu phát triển về quy mô, năng lực tài chính và các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, bảo đảm các ngân hàng này là lực lượng chủ lực, chủ đạo của hệ thống các TCTD, có quy mô lớn, hoạt động an toàn, hiệu quả và có năng lực quản trị tiên tiến, khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế”); đạt các chuẩn mực thông lệ quốc tế về an toàn vốn, đáp ứng lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là theo các cam kết trong khuôn khổ hội nhập ngành ngân hàng ASEAN – ABIF.
7. Đề xuất các giải pháp tăng vốn cho khối NHTM nhà nước
Các giải pháp cần thực hiện ngay:
- Chính phủ chỉ đạo NHNN và Bộ Tài chính chấp thuận cho các NHTM nhà nước được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm sau qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tùy thuộc vào năng lực tài chính và điều kiện của ngân hàng
- Chính phủ cho phép các NHTMNN sử dụng nguồn thặng dư do giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ bán đầu tư tài chính, bán chiến lược để tạm ứng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
- Bản thân các NHTMNN cần tăng cường quản lý rủi ro để giảm được chi phí DPRR là khoản mục chi phí rất lớn trong hoạt động kinh doanh, đồng thời cần thực hiện tiết kiệm triệt để chi phí quản lý nhất là các khoản chi lễ tân, khánh tiết. Mỗi ngân hàng có thể đặt mục tiêu cắt giảm 3-4% chi phí quản lý so với dự toán ngay trong năm 2016.
- Đối với các NHTMNN gặp khó khăn về vốn tự có, Chính phủ chỉ đạo NHNN hoàn thiện đề án nâng cao năng lực tài chính tổng thể của khối NHTMNN, qua đó xác định cụ thể kế hoạch, lộ trình tăng vốn đối với khối NHTMNN và đối với từng ngân hàng.
- Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các NHTMNN, hiện đang ở mức 65-95%. Giải pháp tăng vốn qua bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài rất có lợi, do nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và nhiều kinh nghiệm quản lý. Mặc dù vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài còn phụ thuộc vào điều kiện riêng từng ngân hàng, điều kiện thị trường và chính sách của Chính phủ. Do đó giải pháp này cũng khó thực hiện trong điều kiện hiện nay.
- Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai phương án phát hành cổ phần ra công chúng trong đó cổ đông nhà nước nếu không đủ nguồn lực thì có thể từ chối quyền mua. Khi đó các ngân hàng sẽ chủ động tìm kiếm nhà đầu tư và cổ đông nhỏ lẻ để bán cổ phần, phát hành cổ phần ưu đãi cho người lao động để tăng vốn. Giải pháp này chỉ thuận lợi khi cổ đông hiện hữu có sức mạnh tài chính và không muốn giảm tỷ lệ sở hữu, trong điều kiện thị trường chứng khoán ổn định và phát triển thuận lợi
- Chính Phủ cho phép các NHTMNN được tạm ứng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để tăng vốn trong năm 2016.
Bên cạnh đó, còn có một số giải pháp dài hạn:
- Các NHTMNN phát hành trái phiếu tăng vốn (được tính vào vốn tự có phần giá trị trái phiếu tối đa bằng 50% vốn cấp 1), đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa hoặc thu hút nhà đầu tư tài chính, đầu tư chiến lược.
- Chính phủ giảm sở hữu tại các NHTMNN về ở mức tối đa 51% đến năm 2018 nhằm tạo điều kiện cho các NHTMNN thu hút thêm vốn từ nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài, từ đó nâng cao năng lực tài chính và tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại, trình độ quản trị tiên tiến của các nhà đầu tư nước ngoài.
- Cần có chiến lược, giải pháp tổng thể để thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu là kênh đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn cho doanh nghiệp, giảm áp lực tăng trưởng tín dụng dài hạn từ NHTM.