Zika lan rộng: Không hoang mang cũng đừng chủ quan

Lê Vân 11/12/2016 10:10

Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho biết, tính đến ngày 9/12, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 106 trường hợp mắc virus Zika, trong đó có 14 thai phụ đang được theo dõi. PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết trong thời gian tới, số ca mắc virus Zika ở khu vực này có thể sẽ còn gia tăng do muỗi truyền virus này đã lưu hành trong cộng đồng và miễn dịch của cộng đồng với virus Zika còn thấp.

Phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh Zika.

Mức độ lây lan đáng lo ngại

Trong những ngày vừa qua, tại TP HCM và một số tỉnh phía Nam liên tiếp phát hiện thêm các trường hợp nhiễm Zika, trong đó TP HCM tăng từng ngày.

Mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 18/11 đã tuyên bố dịch lây lan virus Zika không còn là tình trạng khẩn cấp quốc tế nữa nhưng các chuyên gia y tế vẫn tỏ ra lo ngại, tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp quốc tế của dịch Zika của WHO có thể gây tác động làm chậm lại các chương trình quốc tế nhằm ứng phó với dịch bệnh vẫn đang tiếp tục lây lan.

Và thực tế tình hình dịch bệnh do virus Zika trên thế giới hiện đang có những biến phức tạp. Hiện đã có 73 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Tại khu vực Đông Nam Á ghi nhận 7/10 quốc gia có sự lưu hành virus Zika.

Tại TP HCM, đã có 21/24 quận, huyện có ca mắc virus Zika. UBND thành phố đã có nhiều buổi họp khẩn với các sở, ban ngành để cập nhật diễn biến của bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết trên địa bàn.

PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết TP.HCM đang trong cao điểm của bệnh sốt xuất huyết, khi có hơn 15.000 trường hợp nhiễm bệnh.

Ngoài ra, trong vài tuần gần đây, 50% số mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur để làm xét nghiệm tìm virus Zika cho kết quả mắc bệnh sốt xuất huyết. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Trọng Lân, trong những tuần liên tiếp gần đây, mỗi tuần xét nghiệm cho thấy có tuần nào cũng có các ca dương tính với Zika.

Các chuyên gia cảnh báo, với tình hình thời tiết thay đổi, sốt xuất huyết đang gia tăng như hiện nay, tiên lượng sẽ tiếp tục phát hiện thêm các ca nhiễm virus Zika trong thời gian tới.

Chỉ xét nghiệm khi có biểu hiện bệnh lý

Theo PGS.TS Phan Trọng Lân- Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM hiện đã có 14 thai phụ có xét nghiệm dương tính với virus Zika, nhiều người đang ở giai đoạn 3 tháng đầu thai kỳ. Nói về những nguy cơ của căn bệnh này, TS Trần Đắc Phu cho biết, bệnh do virus Zika vốn lành tính hơn sốt xuất huyết, thường tự khỏi sau 4 - 5 ngày điều trị triệu chứng.

Tuy nhiên với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu lại có nguy cơ vì Zika có thể gây ra hội chứng não nhỏ ở trẻ sơ sinh. Dù vậy, các thai phụ cũng không nên quá lo lắng vì tỷ lệ bà mẹ mang thai mắc Zika có con mắc hội chứng này rất thấp, chỉ có 1-10% sinh con mắc dị tật đầu nhỏ.

Còn theo TS Trần Danh Cường- Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương, dù không phải trường hợp thai phụ nào nhiễm Zika cũng gây ra hội chứng đầu nhỏ cho thai nhi, song việc theo dõi chặt trong 3 tháng đầu để phát hiện nguy cơ là vô cùng quan trọng.

Ông Cường cho biết việc phát hiện hội chứng đầu nhỏ không khó vì bằng siêu âm 2 tuần/lần để theo dõi sự phát triển của chu vi vòng đầu, so sánh với bảng phát triển bình thường theo tháng tuổi, nếu bất thường sẽ nhận ra ngay.

Hiện ngành y tế TP HCM đã chủ động triển khai các phương án tư vấn, theo dõi tình trạng sức khỏe và chăm sóc thai kỳ theo quy định của Bộ Y tế.

Sở Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện phụ sản trên địa bàn, với những thai phụ đang được theo dõi theo quy định, trong trường hợp có những bất thường cho thai phụ và thai nhi, nếu bất đắc dĩ phải chấm dứt thai kỳ, y bác sĩ phải đánh giá tổng thể các vấn đề sức khỏe có liên quan, tư vấn kỹ lưỡng cho thai phụ và thân nhân, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào gia đình.

Hiện Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo người dân, nhất là thai phụ hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh; chủ động phòng tránh muỗi đốt.

Trước thông tin về việc nhiều thai phụ chủ động đến các cơ sở y tế đề nghị xét nghiệm virus Zika, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, khuyến cáo người dân, thai phụ không nên vì tâm lý mà đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm virus Zika khi chưa có những biểu hiện điển hình.

Theo đó, các biểu hiện điển hình để nhận biết nghi ngờ mắc virus Zika là: Sốt nhẹ 37,8 - 38,5°C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân; viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa. Sở Y tế cũng cho biết đã triển khai thêm 16 điểm giám sát tại các bệnh viện tư nhân, ngoài 30 điểm giám sát đã công bố đó.

Về thông tin cho rằng virus Zika gây vô sinh ở nam, bác sĩ Nguyễn Danh Cường khẳng định: Đây chỉ là những thông tin lan truyền. Nếu nam giới bị nhiễm virus Zika thì cũng có đầy đủ các triệu chứng như đã nêu ở trên. Còn việc Zika gây ra vô sinh và ảnh hưởng đến tinh hoàn thì chưa được khẳng định.

Nhiều biện pháp dập dịch

Bộ Y tế hiện đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch, hướng dẫn, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, xử trí kịp thời, đẩy mạnh công tác truyền thông...; tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng phòng chống bệnh do virus Zika và sốt xuất huyết tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Riêng với TP HCM, nơi có số bệnh nhân mắc Zika cao nhất cả nước, PGS.TS Phan Trọng Lân cho rằng, để hạn chế lây lan Zika phải kiểm soát được muỗi vằn, phải có một đợt ra quân, thành lập các đội để xác định các điểm nguy cơ có dịch bệnh, vẽ bản đồ của các điểm nguy cơ đấy. Sau khi xác định xong, các điểm nguy cơ đó phải được diệt lăng quăng 2 lần.

Theo BS Lê Hồng Nga- Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, để ứng phó với virus Zika và chủ động phòng chống, Trung tâm Y tế dự phòng thành phố đã thử nghiệm phun thuốc diệt muỗi bằng kỹ thuật phun mù nhiệt theo công nghệ Singapore tại các khu vực ký túc xá, trường đại học trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 9, quận 2 và chờ đánh giá kết quả của Sở Y tế để có thể nhân rộng mô hình này.

Cũng theo BS Nga, so với kỹ thuật phun hóa chất bằng kỹ thuật phun sương lạnh thì kỹ thuật phun mù nhiệt có kích thước hạt thuốc siêu nhỏ, phát tán nhanh ra một khu vực rộng, hạt thuốc nhẹ, lơ lửng trong không khí lâu hơn, có thể diệt cả muỗi đang bay.

Ưu điểm của biện pháp kỹ thuật này là hóa chất phun ra tạo thành luồng sương khá dày đặc, mắt thường có thể nhìn thấy được, người phun có thể kiểm soát được lượng hóa chất được phun ra môi trường.

Bên cạnh đó, luồng sương của hóa chất này bay lâu, tồn lưu lâu hơn trong không khí, có thể len lỏi được trong các bụi rậm, đồng thời duy trì thời gian diệt côn trùng đang bay trong không khí được lâu hơn.

Tuy nhiên, hạn chế của biện pháp này là luồng khói khá dày đặc sẽ cản trở giao thông, gây tâm lý lo lắng cho người dân, cũng như có thể kích hoạt hệ thống báo cháy trong các khu nhà.

Hiện Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM đang thử nghiệm biện pháp này đối với các khu vực ngoài nhà dân, nơi có nhiều bụi rậm, tầng hầm các khu nhà cao tầng, các trường đại học, các công trình xây dựng…

Về thông tin virus Zika “ăn não” làm teo não trẻ sơ sinh, TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định đó là thông tin không chính xác. Theo TS Trần Đắc Phu, virus Zika chỉ gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh nếu thai phụ mắc phải dịch bệnh do virus Zika. Tỷ lệ này rất thấp, chỉ chiếm 1% đến 10%. Tuy nhiên, phụ nữ có thai đi khám trước 28 tuần để phát hiện sớm các trường hợp dị tật thai nhi là quyền lợi của mỗi người.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Zika lan rộng: Không hoang mang cũng đừng chủ quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO