65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019): Công của Dân lớn lắm

Cẩm Thúy (thực hiện) 07/05/2019 08:31

Là phóng viên của báo Cứu Quốc (báo Đại Đoàn Kết ngày nay) trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, nhà báo Thái Duy vẫn còn nhớ như in từng thời khắc ở chiến trường 65 năm trước. Trong câu chuyện, ông liên tục nhắc đến sự gan góc, dũng cảm, hy sinh vô bờ bến của nhân dân, của những người lính ngoài mặt trận và trí tuệ quân sự của các vị tướng lĩnh chỉ huy mặt trận để có một Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy lịch sử.

Nhà báo lão thành ở tuổi ngoài 90 ứa nước mắt nhớ những hôm được ăn no là những hôm phải ăn cả phần cơm của những người lính sau trận đánh đã không trở về…

65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019): Công của Dân lớn lắm

Nhà báo Thái Duy.

PV: Thưa nhà báo Thái Duy, ông còn nhớ đã bắt đầu đi theo chiến dịch từ khi nào?

Nhà báo Thái Duy: Hồi ấy ở báo Cứu Quốc có cái hay thế này, là suốt cả những năm kháng chiến chống Pháp, tôi với anh Chính Yên không phải làm công việc gì ở tòa soạn, mà được cử hẳn chuyên đi với bộ đội thôi, quanh năm suốt tháng đi ra chiến trường cùng bộ đội. Từ chiến dịch Trung du, Chiến dịch đường 18, Chiến dịch Biên Giới… đến sau này Chiến dịch Điện Biên Phủ, hai chúng tôi đều là phóng viên mặt trận. Có những thời điểm như Chiến dịch Biên giới tôi đi theo bộ đội cả năm may chăng mới về tòa soạn một lần. Nhưng đối với chiến dịch Điện Biên Phủ thì không phải chỉ có hai chúng tôi. Các anh Thái Cương, Hữu Tuấn được báo ta cử theo các đoàn dân công, còn tôi và anh Chính Yên thì vẫn theo bộ đội lên chiến trường Điện Biên Phủ. Anh Chính Yên đi theo Đại đoàn 312, còn tôi theo Đại đoàn 316.

Tôi nhớ là bắt đầu đi theo bộ đội từ trước Tết, tức là lên chiến trường Điện Biên Phủ rất sớm. Đi bộ từ tòa soạn lên đến mặt trận là 7-8 ngày trời…

Khó khăn lớn nhất lúc ấy đối với một phóng viên chiến trường là gì, thưa ông?

- Khó khăn nhất có lẽ là điều kiện chiến trường hạn chế, không có điện đài (tuyên huấn ở mặt trận cũng không đủ thời gian để giúp phóng viên gửi bài về) nên bài vở gửi về tòa soạn rất chậm, muốn chuyển bài về phải đi bộ cả tuần trời…Nhưng đó cũng là những ngày làm báo rất đẹp…

Vâng, có lẽ đó là những kỷ niệm mà thế hệ các nhà báo sau này khó hình dung được, thưa ông?

- Có cái này rất hay, là cứ quanh năm suốt tháng đi theo bộ đội, tòa soạn cử đi nhưng không cần cấp tiền, không lương cứ đi thôi. Không công tác phí, không tiền văn phòng phẩm, cứ đi theo bộ đội suốt. Mà hồi ấy có cái hay là bộ đội không lấy tiền của mình, mà mình cũng chẳng có tiền, cứ đi theo là bộ đội cho ăn. Tôi nghĩ là các cô các cậu ngày nay không được hưởng điều này là suốt những năm ấy chúng tôi đi ra chiến trường không có đồng tiền nào cả, nhưng kể cả hôm nào lỡ đường chưa tới được đơn vị bộ đội thì cứ vào nhà dân là được ăn, bất kỳ nhà dân nào cũng nuôi, vào bất cứ nhà dân nào cũng vậy, cũng cho ăn mà không bao giờ hỏi tên anh là gì. Nhớ lại hồi ấy vẫn còn thấy đẹp lắm. Người dân quá tốt.

Hôm nay, ở bài phỏng vấn trên tờ báo được kế thừa truyền thống vẻ vang của những người làm báo Cứu Quốc, ông muốn nói điều gì về Chiến dịch Điện Biên Phủ với tư cách một phóng viên chiến trường thuở ấy?

- Bây giờ trả lời phỏng vấn về chiến dịch Điện Biên Phủ thì cái tôi nhớ nhất là công của Dân lớn lắm. Lương thực thực phẩm chuyển ra chiến trường bằng ô tô ít thôi, chủ yếu là bằng sức gánh, sức thồ của dân công, từ Lạng Sơn, gánh qua Thái Nguyên, Phú Thọ, Yên Bái, lên Điện Biên Phủ, thật sự kinh khủng, công lao của nhân dân lớn lao lắm!

65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019): Công của Dân lớn lắm - 1

Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Đã 65 năm trôi qua, lịch sử đã đủ độ lùi, theo ông, đó có phải là sức mạnh để có một chiến thắng Điện Biên Phủ?

- Trên đường ra chiến trường, lúc nào cũng gặp hàng nghìn dân công gánh gạo, thồ gạo ra mặt trận. Đã đi xe thồ, đã bị máy bay ném bom thì trốn làm sao được, cho nên phải dũng cảm lắm, gan góc lắm mới làm được. Lúc cao điểm chiến dịch, tập trung ở chiến trường Điện Biên Phủ lúc ấy khoảng 5 sư đoàn, vận chuyển lương thực nuôi ngần ấy bộ đội, toàn là sức dân. Mà lúc ấy đang mùa đông, rét lắm. Bây giờ nghĩ lại tôi càng khâm phục sự dũng cảm của lực lượng dân công.

Còn tất nhiên, bộ đội chủ lực thì rất dũng cảm rồi, các sư đoàn chủ lực gan góc hy sinh không ít. Bây giờ nghĩ lại thấy xót xa vì tôi với anh Chính Yên hôm nào được ăn no cơm là vì hôm ấy có bộ đội hy sinh không về nữa. Có những trận đánh xong một đại đội còn vài chục người về, mấy chục người nằm lại là hôm ấy còn thừa mấy chục suất cơm...

Sự hy sinh, dũng cảm của bộ đội, dân công ở chiến trường Điện Biên Phủ là không thể nào kể hết. Nhưng cũng còn điều này rất quan trọng là về mặt quân sự, cái này thì mọi người nói nhiều rồi, việc ta phải kéo pháo ra là cái lớn lao lắm của ta. Bởi vì có trực tiếp ở chiến trường mới biết, pháo mà để trên mặt đất thì ném bom là một, pháo của họ bắn ra là hai sẽ không tránh được tổn thất ghê gớm. Nên bắt buộc phải kéo pháo ra để làm trận địa bảo vệ pháo (có bài của tôi viết trên báo Cứu Quốc về việc thăm trận địa pháo ấy). Điện Biên Phủ gian nan ở chỗ ấy, vì phải xây dựng trận địa pháo. Nhưng khi xây dựng xong trận địa pháo thì ưu thế hoàn toàn nghiêng về phía ta, vì ta khoét núi đưa pháo vào đó, bom ném từ trên xuống trận địa cũng không làm sao. Cho nên, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi về trí tuệ quân sự. Lúc kéo pháo ra ai cũng hoang mang không hiểu ra làm sao, tôi với anh Chính Yên cũng thắc mắc với nhau. Nhưng sau này mới hiểu, nếu không kéo pháo ra để đào hầm thì chỉ trong vài ngày là pháo bị tiêu diệt hết.

Thưa ông, vào cái ngày mà lá cờ của ta tung bay trên nóc hầm De Castries, ông có cảm xúc như thế nào?

- Khi De Castries đầu hàng thì tất cả các phóng viên có mặt ở chiến trường lúc ấy đều kéo nhau vào hầm thôi. Tôi với anh Khắc Tiếp báo Quân đội Nhân dân cùng vào, còn định rủ nhau tối nay sẽ ngủ ở đây một giấc, nhưng sau vì không còn chỗ ngủ nên chúng tôi lại ra.

Sau này tôi còn làm phóng viên ở nhiều chiến trường khác như chiến trường Lào, chiến trường miền Nam, nhưng Điện Biên Phủ là trận đánh trực tiếp lớn nhất mà tôi được chứng kiến. Bất kỳ ai có mặt ở đó vào thời điểm ấy thì đều thấy tự hào.

Điều ông tiếc nhất, bây giờ nghĩ lại, về những ngày tháng làm báo đầy tự hào ấy là gì?

- Là nghèo quá, nên không làm được nhiều. Điều kiện gửi bài về khó, nên tôi cũng không viết được nhiều. Tiếc nhất là không có máy ảnh. Hồi ấy phóng viên chiến trường của phương Tây viết được nhiều hơn chúng tôi vì họ được bên địch đưa đến bằng máy bay rồi lại chở bằng máy bay về. Sau này khi viết báo ở chiến trường Lào, bài vở của tôi gửi về Hà Nội bằng đường hàng không, đã khác hẳn, rất đều đặn.

Ông còn nhớ sau thời khắc chiến thắng, ông đã trở về tòa soạn như thế nào, những bài báo sau khi chiến dịch kết thúc thắng lợi có gì khác không?

- Tôi là một trong những phóng viên không trở về tòa soạn ngay mà còn ở lại Điện Biên Phủ thêm một thời gian nữa. Tôi chính là người được cử viết bài tường thuật về Lễ duyệt binh Điện Biên Phủ sau chiến thắng đăng trên tờ báo xuất bản ngay tại chiến trường của báo Quân đội Nhân dân. Trong ngày duyệt binh, thật ngậm ngùi khi nhìn những đoàn quân đã không còn đủ quân số như trước khi vào chiến dịch. Sự hy sinh là vô bờ bến.

Khi tôi lên Điện Biên Phủ bằng cách đi bộ thì khi trở về cũng vẫn đi bộ thôi. Nhưng nói gì thì nói so với dân công, so với bộ đội, làm cái anh nhà báo ở chiến trường vẫn còn sướng lắm. Mình đi bộ chỉ đeo cái ba lô cá nhân còn dân công thì phải gánh gạo, thồ gạo, gian khổ và chịu đựng lớn lắm.

Xin trân trọng cảm ơn nhà báo Thái Duy!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019): Công của Dân lớn lắm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO